Ngoại binh tại V.League:

Không chỉ là con số

KHẢI HƯNG

VHO - Trong khi cuộc tranh luận về việc cho phép sử dụng 3 hay 4 ngoại binh cùng lúc tại V.League 2025/26 đang còn bỏ ngỏ, câu hỏi quan trọng hơn cần được đặt ra đâu là giới hạn cần thiết để phát triển bền vững bóng đá Việt Nam?

Bởi câu chuyện không chỉ xoay quanh một cầu thủ ngoại xuất hiện trên sân, mà là cả một hệ sinh thái từ đào tạo trẻ, cấu trúc thi đấu, cho đến năng lực đội tuyển quốc gia trong hành trình hướng đến Asian Cup 2030 và World Cup 2030.

Không chỉ là con số - ảnh 1
Nhiều CLB V.League đề xuất đăng ký 4, đá cùng lúc 4 ngoại binh. Ảnh: VPF

Theo điều lệ sơ bộ do Công ty VPF gửi đến các CLB V.League, mỗi đội bóng sẽ được đăng ký tối đa 4 ngoại binh nhưng chỉ được sử dụng 3 người trên sân cùng lúc. Tuy nhiên, 7 CLB có tiềm lực tài chính như Hà Nội FC, Thể Công Viettel, CAHN, Nam Định, Hải Phòng, Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã gửi văn bản đề xuất cho phép sử dụng cả 4 ngoại binh trong mọi thời điểm thi đấu.

Lý do được đưa ra là để tránh lãng phí tài nguyên, nâng cao chất lượng chuyên môn và chuẩn bị tốt hơn cho các đấu trường quốc tế. VPF tổng hợp ý kiến và báo cáo LĐBĐ Việt Nam (VFF) để xem xét và chỉ đạo trong hôm nay. Dự kiến, kết quả sẽ được chốt trước lễ bốc thăm V-League 2025/26 vào ngày 14.7.

Xét về lý thuyết, việc nâng số lượng ngoại binh có thể góp phần tăng tính cạnh tranh, giúp các trận đấu hấp dẫn hơn, qua đó kéo theo sự phát triển về mặt truyền thông, thương mại và lượng khán giả.

Nhưng ở chiều ngược lại đồng nghĩa với việc ít nhất một cầu thủ nội sẽ mất cơ hội ra sân, điều đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang đối mặt với một thực trạng nguồn cầu thủ trẻ có kỹ năng, bản lĩnh và khả năng thích nghi hệ thống thi đấu hiện đại đang chững lại.

Không thể phủ nhận rằng, những cầu thủ ngoại chất lượng đã và đang mang lại đóng góp tích cực cho các CLB và toàn giải đấu. Tuy nhiên, khi sân chơi chuyên nghiệp trở nên quá “chật chội” với cầu thủ nội, đặc biệt là lứa tuổi U21 - U23, hệ quả lâu dài sẽ là một khoảng trống không thể lấp đầy trong đội hình tuyển quốc gia.

Số lượng ngoại binh từng là một trong những vấn đề then chốt của các nền bóng đá mới nổi. Những đối thủ trực tiếp của Việt Nam ở khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đang đi theo lối mòn này. Tại Thai League 1, mỗi đội được đăng ký 7 ngoại binh.

Malaysia thậm chí cho phép 9 ngoại binh ra sân trong một trận đấu. Indonesia thì bị chỉ trích mạnh mẽ khi tăng số ngoại binh đăng ký lên 11 và cho phép 8 người thi đấu trong một trận. Tại Việt Nam, năm 2001 và 2002, mỗi đội được đăng ký 7 ngoại binh, từ năm 2003 giảm xuống 4, giai đoạn 2005-2010 là 5, năm 2011 lại giảm xuống 4 và cho phép 3 ngoại binh ra sân.

Tuy nhiên, trước khi nghĩ tới việc tăng số lượng cầu thủ ngoại để “cạnh tranh khu vực”, cần nhìn thẳng vào thực tế rằng phần lớn các CLB V.League hiện chưa xây dựng được học viện đào tạo trẻ bài bản, chưa có hệ thống theo dõi vận động, phân tích dữ liệu hay bác sĩ thể thao đúng nghĩa. Họ vẫn phải xoay xở với ngân sách eo hẹp, lệ thuộc vào địa phương hoặc nhà tài trợ không ổn định.

Một khía cạnh khác, chất lượng ngoại binh tại V.League chưa hẳn đồng đều. Sự vượt trội về thể chất có thể đem lại ưu thế trên sân cỏ, song những ngoại binh có tài năng, bản lĩnh và sự chuyên nghiệp để làm gương cho cầu thủ trẻ vẫn còn hãn hữu. Việc tăng ngoại binh có thể là “đường tắt” cho thành tích ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững.

Ngày 5.7, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, mục tiêu môn bóng đá nam phấn đấu vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2030, phấn đấu giành quyền tham dự World Cup 2034; giành suất tham dự ít nhất 1 kỳ Olympic 2028 hoặc 2032.

Điều đáng lưu ý là, giấc mơ lớn ấy không được xây dựng từ những khẩu hiệu hay thành tích ngắn hạn. Trong Đề án, Bộ VHTTDL đã nhấn mạnh phát triển bóng đá Việt Nam phải gắn với nguyên tắc bền vững. Tức là, thay vì chỉ quan tâm đến chiếc vé World Cup, cần chăm lo cả gốc rễ - từ phong trào bóng đá học đường, cơ sở vật chất cấp địa phương, cho đến các học viện và hệ thống đào tạo trẻ.

Ở chiều sâu hơn, Đề án cũng yêu cầu hoàn thiện cấu trúc thị trường bóng đá, điều kiện tiên quyết để biến môn thể thao vua thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp đúng nghĩa. Những vấn đề như cơ chế pháp lý, quyền hình ảnh, bản quyền truyền thông, thị trường chuyển nhượng cầu thủ… đều được đề cập với thái độ nghiêm túc và có tầm nhìn dài hạn.

Chúng ta đang chứng kiến một sự mất cân đối giữa các giải đấu đó là V.League thiếu cầu thủ trẻ ra sân, giải hạng Nhất chưa tạo được áp lực lên V.League. Trong khi đó, đội tuyển quốc gia liên tiếp gặp khó khi tìm kiếm nhân tố mới thay thế cho lứa cầu thủ từng tạo nên kỳ tích tại Thường Châu.

Một trong những lập luận phổ biến của các CLB đề xuất tăng ngoại binh là để làm quen với nhịp độ thi đấu tại AFC Champions League hoặc các giải đấu Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa sự thật. Bởi nếu các đội bóng không xây dựng được bản sắc, không có chiều sâu lực lượng nội binh đủ chất lượng thì dù có 7 hay 10 ngoại binh cũng khó tạo nên dấu ấn ở sân chơi quốc tế. Nếu chỉ chăm chăm tăng ngoại binh mà không củng cố hạ tầng nội tại, các CLB V.League sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy “lấy ngoại binh vá lỗ hổng nội lực”, đến khi rơi vào khủng hoảng tài chính thì mất phương hướng.

Nếu thật sự muốn hội nhập và vươn tầm châu lục, cần đặt nền móng từ sự trưởng thành của cầu thủ nội, từ các giải trẻ cho đến hệ thống hạng Nhất, cụ thể là đầu tư hệ thống học viện, khuyến khích đào tạo trẻ tại địa phương… Khi nội lực vững vàng, ngoại binh chỉ còn là chất xúc tác, chứ không phải cứu cánh.