EURO 2024:

Khi Tây Ban Nha buông lơi tiqui-taca

NGỌC TRUNG

VHO - Đội tuyển Tây Ban Nha khởi đầu EURO 2024 khá suôn sẻ bằng chiến thắng cách biệt 3-0 trước đối thủ khó chơi Croatia. Tuy nhiên, có một tỷ số khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Đó là tỷ lệ kiểm soát bóng.

Khi Tây Ban Nha buông lơi tiqui-taca - ảnh 1

 Tây Ban Nha cầm bóng ít hơn Croatia nhưng lại giành chiến thắng thuyết phục

 Để nhớ một thời tiqui-taca

Trong 90 phút trên sân vận động Olympic tại Berlin (Đức), Tây Ban Nha “chỉ” cầm bóng 47%, đồng nghĩa Croatia cầm bóng 53%. Đối với trận bóng thông thường, mức chênh 6% không phải quá lớn để phản ánh được điều gì đó ghê gớm. Tuy nhiên, đối với Tây Ban Nha, cả lịch sử được vẽ ra qua mấy con số khô khan ấy. “Thất bại” về kiểm soát bóng này chấm dứt 10 năm liên tiếp luôn cầm bóng nhiều hơn đối phương của đội tuyển Tây Ban Nha. Lần gần nhất đại diện của xứ sở đấu bò giữ bóng ít hơn đối phương là trận giao hữu với đội tuyển Đức vào tháng 11.2014. Nếu chỉ tính các trận đấu thuộc giải đấu chính thức, thời gian “độc cô cầu bại” của Tây Ban Nha còn lâu hơn nữa, lên tới gần 140 trận, tính từ trận chung kết EURO 2008 và đối thủ vẫn là đội tuyển Đức.

Năm 2008, Tây Ban Nha thoát kiếp “vua vòng loại” để lần đầu tiên vô địch châu Âu sau 44 năm chờ đợi. Dưới sự dẫn dắt của HLV Luis Argagones, lối chơi đập nhả tí tách được biết với cái tên tiqui-taca ra đời và trở thành phong cách đặc trưng của La Furia Roja. Sau chức vô địch EURO 2008, Tây Ban Nha và tiqui-taca tiếp tục thống trị bóng đá thế giới với việc đăng quang World Cup 2010 và EURO 2012. Năm 2014 chính là thời điểm đánh dấu sự sụp đổ của đế chế Tây Ban Nha, khi đội bóng này bị loại ngay từ vòng bảng vòng chung kết bóng đá thế giới trên đất Brazil.

Mạn đàm thêm về tiqui-taca. Bóng đá Tây Ban Nha vốn sản sinh nhiều cầu thủ giỏi chuyền bóng. Tuy nhiên, sự phân rã sâu sắc về chính trị, lịch sử, văn hóa khiến các tuyển thủ quốc gia nước này hiếm khi nhìn chung về một hướng. Chỉ đến khi lò La Masia danh tiếng của Barcelona liên tiếp sản sinh ra những tiền vệ kiệt xuất như Busquets, Xavi, Iniesta hay Fabregas, cũng như sự xuất hiện của nhiều chân chuyền thượng thặng khác như Xabi Alonso, David Silva hay Santi Cazorla, bóng đá Tây Ban Nha mới có nền tảng để phát triển phong cách chuyền bóng trở thành triết lý.

Diện mạo khác của đội tuyển Tây Ban Nha

Nói cách khác, tiqui-taca trở thành căn cốt, là “cơ sở lý luận” của đội tuyển Tây Ban Nha, để “nói chuyện” với các cường quốc bóng đá trên thế giới. Quan điểm của đội bóng xứ đấu bò rất rõ ràng là: “Nếu đối phương không có bóng thì chúng ta không sợ thủng lưới”. Hơn chục năm qua, bất luận thịnh suy, đội bóng này cứ ra sân là phải chuyền, phải kiểm soát bóng, ít thì 60%, nhiều thì 70%, đôi khi lên tới 80%. Bởi vậy, khi Tây Ban Nha “chỉ” cầm bóng 47% trước Croatia, đó là một cơn “địa chấn” của làng túc cầu.

Điều đáng nói, kết quả ấy không phải là “tai nạn” hay “hiện tượng nhất thời”. Chính Luis de la Fuente, HLV đương nhiệm của tuyển Tây Ban Nha thừa nhận sau trận đấu rằng, đội bóng của ông không còn cần cầm nhiều bóng để gây sát thương: “Có thể ở thời điểm khác, cầm bóng nhiều sẽ đảm bảo kết quả tốt. Nhưng ở trận đấu này, chúng tôi đã gây bất ngờ cho đối phương. Điều đó khiến tôi hài lòng. Các cầu thủ đã làm rất tốt công việc của mình. Họ đã tận dụng trái bóng thật tinh tế và nhạy bén ở cuối sân. Điều đó cho thấy bạn không cần cầm nhiều bóng nếu bạn có đội hình giàu tốc độ như chúng tôi”.

Thực tế cũng chứng minh, không phải giữ nhiều bóng sẽ có chiến thắng. Bài học cay đắng cho Tây Ban Nha chính là kỳ World Cup gần nhất. Trong trận gặp Morocco bị đánh giá yếu hơn tại vòng 1/8, Tây Ban Nha cầm bóng gần 80%, thực hiện gần 1.000 đường chuyền trong 90 phút, đổi lại là 0 bàn thắng và chỉ 1 cú dứt điểm trúng đích. Rốt cuộc hai đội phân định thắng thua bằng thi đá luân lưu và La Roja bị loại. Kịch bản tương tự cũng xảy ra tại World Cup 2018, với thất bại trước chủ nhà Nga cũng ở vòng 1/8.

Luis de la Fuente nhận thấy vấn đề này và tận dụng lứa cầu thủ mới, với nhiều tài năng trẻ giàu tốc độ như Nico Williams và Lamine Yamal để cải tổ lối chơi của Tây Ban Nha. Tất nhiên, tiqui-taca vẫn là nền tảng, nhưng lối chơi của La Roja giàu tốc độ, đột biến và trực diện hơn. Bàn mở tỷ số của Morata là minh chứng, khi chỉ mất 8 giây để Tây Ban Nha đang thế thủ chuyển sang phản công và đưa bóng vào lưới. Lịch sử cho thấy, các đội bóng lớn đều trải qua cuộc chuyển mình như vậy khi triết lý đến điểm giới hạn. Italia không còn Catenaccio. Đức cũng thôi lầm lì như cỗ xe tăng. Anh cũng chẳng còn chạy và sút. Hà Lan cũng đâu còn điên cuồng total-football. Suy cho cùng, đỉnh cao của chiến thuật không lệ thuộc “môn phái” nào mà quan trọng nhất là tính sáng tạo và tương thích.