“Hiến kế” để thể thao Việt Nam phát triển bền vững
VHO - Sáng 12.11, tại trụ sở Bộ VHTTDL, một Hội nghị được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm đề xuất các sáng kiến, biện pháp, giải pháp, cách thức tổ chức, lộ trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được tổ chức.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã chủ trì Hội nghị. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng đã tham dự Hội nghị. Cùng dự còn có đại diện các Ban, Bộ, ngành; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao (TDTT); các Sở VHTT, Sở VHTTDL trên cả nước; các Hội thể thao quốc gia...
Chiến lược là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác TDTT và đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp TDTT. Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 08 và Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, Bộ VHTTDL đã đềxuất xây dựng chiến lược mới có sự kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.
Xuất phát từ bối cảnh, thời cơ đặt ra đối với ngành TDTT cũng như sự cần thiết phải ban hành Chiến lược mới nhằm định hướng phát triển sựnghiệp TDTT trong giai đoạn tới, ngày 15.10.2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Chiến lược thực sự là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa các nội dung Chiến lược, biến khát vọng và tầm nhìn thành hiện thực, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong toàn ngành nhằm tạo thống nhất về nhận thức; hành động và hiệu quả trong thực hiện Chiến lược.
Thứ hai, trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược, đề nghị các cấp, các ngành và địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược. Tăng cường tính chủ động, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Chiến lược; vừa bảo đảm Chiến lược được triển khai trong thực tế, vừa phát huy tối đa nguồn lực thực hiện. Giao Cục TDTT khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiện Kế hoạch của Bộ triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba, chủ động nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định đã ban hành; đồng thời đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao. Thứ tư, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu TDTT. Tăng cường ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT. Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao.
Thứ năm là nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển TDTT theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt; Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để tổ chức, thực hiện hiệu quả Chiến lược.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Đã có 30 tham luận được gửi đến Hội nghị, trong đó có 12 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội nghị. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá, nội dung các tham luận được chuẩn bị hết sức công phu, sâu sắc không chỉ phản ánh về nhận thức và quán triệt các nội dung trong Chiến lược mà còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước triển khai tiếp theo. Nhiều ý kiến đã gợi mở để triển khai có hiệu quả nội dung Chiến lược phù hợp với tình hình thực tế, với từng địa phương, vùng miền, theo từng lĩnh vực. Các đại biểu cũng nhấn mạnh các vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ để phát triển kinh tế thể thao, thể thao trường học, thể thao chuyên nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I - Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh đánh giá, Chiến lược phát triển TDTT ra đời là một nỗ lực lớn của ngành thể thao. Việc xây dựng Chiến lược đã khó, nhưng việc tổ chức thực hiện lại còn khó khăn hơn. Vị chuyên gia này cũng nêu lại câu hỏi, là nỗi trăn trở bấy lâu của ngành thể thao sau khi thành tích tại kỳ Asian Games và Olympic gần đây chưa được như mong đợi. “Điều đó đè nặng lên tâm trí của những người làm công tác TDTT trong đó có người lính già như tôi”, ông Nguyễn Hồng Minh đau đáu.
Kiến nghị các giải pháp để thực hiện hiệu quả Chiến lược nhằm phát triển thể thao Việt Nam chuyên nghiệp và bền vững, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, chúng ta cần có một chủ trương nhất quán từ Trung ương tới địa phương về việc ưu tiên phát triển các môn Olympic và Asian Games. Từ đó từ cấp địa phương tới cấp trung ương sẽ có sự thống nhất, liên thông trong đào tạo. Ngay như chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc cũng cần được điều chỉnh theo xu hướng chung này chứ không phải theo kiểu địa phương này thích môn này, địa phương kia thích môn kia thì đưa vào.
Giải pháp nữa theo vị chuyên gia này là nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo tại các Trung tâm HLTTQG, các địa phương; thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động tối đa sự đóng góp của các nguồn lực. “Và điều quan trọng, một mình ngành thể thao thì sẽ không thể triển khai thành công Chiến lược mà cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh hiến kế.
Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM phân tích: “Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Để đề án thành công, cần sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều Ban, Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp nguồn lực, phát triển công nghệ và đồng đều hóa cơ hội thể thao trên cả nước”.
Từ đó Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM kiến nghị 5 giải pháp. Thứ nhất, Cần tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn hiện nay về đầu tư đào tạo vận động viên từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa. Thứ hai, bên cạnh 4 trung tâm huấn luyện quốc gia đang làm nhiệm vụ quản lý, đào tạo các đội tuyển quốc gia, cần quy hoạch cho một số tỉnh, thành, ngành (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Công an, Quân đội….) có thế mạnh hình thành các trung tâm huấn luyện tầm cỡ quốc gia để chia sẻ gánh nặng về đào tạo cho Trung ương.
Thứ ba, phát triển các chương trình thể dục thể thao đặc thù cho người khuyết tật, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở vật chất và thiết kế các hoạt động phù hợp, hướng tới thành lập một Trung tâm Huấn luyện Paralympic Quốc gia. Thứ tư, xây dựng chiến lược bảo trì và đầu tư dài hạn cho các cơ sở thể thao trọng điểm và thiết lập cơ chế hợp tác công - tư để tận dụng nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, duy trì cơ sở hạ tầng thể thao. Thứ năm, xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp thể thao, cải cách về thuế đất thể thao, giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao và khuyến khích các hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ thể thao, gắn liền hoạt động du lịch thể thao cùng các sự kiện thể thao…
Hy vọng với sự “hiến kế” của các nhà quản lý, chuyên gia, thể thao Việt Nam sẽ tìm ra “kim chỉ nam” để triển khai thực hiện tốt Chiến lược cho mục tiêu phát triển thể thao chuyên nghiệp và bền vững.