Để phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao

MỸ TRANG; ảnh: VĂN DUY

VHO - Bấy lâu nay các nhà quản lý thể thao vẫn luôn trăn trở về việc làm gì để phát triển kinh tế thể thao, bởi rõ ràng chúng ta có tiềm năng lớn nhưng làm gì để biến tiềm năng ấy thành ngành “công nghiệp không khói”, lại là câu chuyện không dễ.

 Và một lần nữa những băn khoăn ấy cùng với nhiều giải pháp lại được bàn thảo kỹ lưỡng tại Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024, tổ chức vào sáng 17.10, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã dự và phát biểu khai mạc.

 Để phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao - ảnh 1

Đảng và Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm cho thể dục thể thao, không chỉ vì thể dục thể thao góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực của người dân, mà còn vì những hiệu ứng tích cực khác về uy tín, hình ảnh đất nước và những nguồn lực quan trọng mà thể thao đem lại cho xã hội. Ngày 31.1.2024, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 70-KL/TW về việc phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội phải tập trung thực hiện là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong giai đoạn mới; chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng… khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa…

Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao, qua đó có những gợi mở quan trọng giúp cơ quan quản lý ngành, các địa phương và các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia và thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam trong thời gian tới.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Tìm giải pháp để phát triển kinh tế thể thao

Được tổ chức với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới”, Diễn đàn thu hút sự tham gia của 200 khách mời trong đó có trên 20 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp và phong trào, các đơn vị đài truyền hình và công ty hoạt động trong lĩnh vực bản quyền thể thao, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.

Đây là diễn đàn do Công ty Vietcontent khởi xướng ý tưởng và tổ chức với sự đồng hành của Cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL và Ủy ban Olympic Việt Nam. Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) tiếp tục là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, kinh tế thể thao là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Giá trị thị trường thể thao toàn cầu năm 2023 đạt 512,14 tỉ USD và dự kiến đạt 623 tỉ USD vào năm 2027. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trường thể thao đạt 5,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển “nóng” về kinh tế thể thao, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn so với toàn cầu. Kinh tế thể thao ở Việt Nam khởi đầu từ chính sách “Xã hội hóa” của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn. Trong thời gian qua, các hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; hoạt động kinh doanh thể thao ở trong nước và ở nước ngoài; quản trị sản xuất, dịch vụ và marketing thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; tài trợ thể thao và thể thao nhà nghề trong thị trường thi đấu thể thao; thị trường lao động và chuyển nhượng VĐV, huấn luyện viên nhà nghề từng bước phát triển.

Cùng với đó, nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong số những quốc gia gia công sản phẩm chủ chốt, việc một lượng lớn nguồn đầu tư từ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đã tạo ra cú hích không nhỏ đối với ngành sản xuất và tiêu thụ các trang thiết bị dụng cụ thể thao, các doanh nghiệp trong nước không chỉ tích cực tham gia vào chu trình sản xuất mà còn được tiếp cận với những chu trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ khoa học, hiện đại, các sản phẩm đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng và thiết kế, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 Để phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao - ảnh 2
Các diễn giả đã cung cấp nhiều giải pháp để phát triển kinh tế thể thao ở nước ta

Kinh tế thể thao ngày càng được quan tâm

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt nêu lên những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta. Trong đó yếu tố thuận lợi là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thể hiện ngay trong văn kiện Đại hội VII, mặc dù chưa có cụm từ “xã hội hóa các hoạt động thể thao” nhưng đã có đề cập đến việc các CLB, các hội thể thao sẽ tự chủ và chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước. Đến Đại hội VIII, văn kiện đã đề cập đến việc xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao. Sau đó Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, kinh tế thể thao ngày càng được quan tâm và được xác định là ngành có giá trị kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đầu tư vào lĩnh vực này.

Về những khó khăn trong việc phát triển kinh tế thể thao ở nước ta, ông Việt cho biết, đó là do các cơ chế chính sách còn chưa theo kịp sự phát triển, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như việc hợp tác công - tư sẽ thế nào, luật thuế có ưu đãi gì cho các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao... Bên cạnh các nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách, ông Việt cũng thẳng thắn thừa nhận ngay cả Ủy ban Olympic Việt Nam và các Liên đoàn, Hiệp hội cũng chưa năng động, chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ để tạo ra các giá trị tự thân, thu hút các nguồn tài trợ.

Đa số các Liên đoàn, Hiệp hội hiện nay mới chỉ thực hiện được việc xã hội hóa chủ yếu ở các hoạt động đào tạo chuyên môn cho trọng tài, HLV, tổ chức sự kiện còn các nguồn kinh phí khác vẫn lấy từ ngân sách nhà nước. Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cũng đưa ra gợi mở về việc phát triển thể thao chuyên nghiệp trong đó ngoài các hoạt động thi đấu chuyên môn, sẽ chú trọng tới việc kinh doanh, hình ảnh, sự quan tâm của người hâm mộ... để tạo ra các giá trị lợi nhuận trong thi đấu thể thao, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thể thao. Ông Đặng Hà Việt tin tưởng với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, sẽ tạo đà cho kinh tế thể thao phát triển.

Qua rà soát, hệ thống luật pháp hiện nay chưa đề cập nhiều đến phát triển kinh tế thể thao. Do đó thời gian tới, để thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 70- KL/TW cần tiếp tục thực hiện các giải pháp. Thứ nhất, là hoàn thiện thể chế, chính sách; Thứ hai, phát triển thị trường kinh tế thể thao; Thứ ba, thúc đẩy hợp tác công - tư... Có như thế mới mong kinh tế thể thao phát triển.