Để kinh tế thể thao Việt Nam phát triển (Bài cuối): Cần thay đổi tư duy
VHO- Nhằm tìm lời đáp cho câu hỏi làm thế nào để kinh tế thể thao Việt Nam phát triển xứng với tiềm năng và kỳ vọng, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) là chuyên gia với nhiều năm nghiên cứu về kinh tế thể thao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thể thao, do Tổng cục TDTT,
Ban Kinh tế trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent tổ chức tại Hà Nội
Trong cuộc trao đổi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để kinh tế thể thao có thể phát triển bứt phá.
P.V: Là người có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế thể thao, vậy ông đánh giá thế nào về sự phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta hiện nay?
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển thể thao là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Trên thực tế, hoạt động thể dục thể thao trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định vào thành tựu phát triển của đất nước.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1.12.2011 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, sự nghiệp thể dục thể thao của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ; thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, với chính sách xã hội hóa đã thu hút sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ thể thao bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều thương hiệu thể thao lớn đã có mặt ở Việt Nam, cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Bên cạnh đó chúng ta có thị trường khoảng 100 triệu dân, số lượng người dân yêu thích các môn thể thao ngày càng tăng lên. Đó là những lợi thế lớn để trong tương lai gần, kinh tế thể thao sẽ là ngành kinh tế quan trọng.
Bên cạnh đó khu vực châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do, là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung và kinh tế thể thao nói riêng.
Hiện ở Việt Nam đã hình thành thị trường thể thao gồm thị trường thi đấu, biểu diễn thể thao; Thị trường dịch vụ tập luyện thể thao (thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, bóng đá, cầu lông…); Thị trường chuyển nhượng cầu thủ và các loại nhân lực; Thị trường hàng hóa, trang thiết bị thể thao; Thị trường truyền thông quảng cáo thể thao; Thị trường cá cược thể thao… Nhìn chung, thị trường thể thao Việt Nam hiện nay đã có những bước phát triển đáng kể nhưng vẫn còn rất mới mẻ, còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng chưa được khai thác và phát triển đúng mức.
Bài học từ Hàn Quốc cho thấy muốn phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam thì phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho lĩnh vực này. Nhà nước cho phép tổ chức xổ số thể thao, hình thành Quỹ phát triển thể thao. Hàn Quốc đã hình thành quỹ này và đã liên tục đột phá trong việc tạo nguồn kinh phí, giúp thể thao xứ Hàn giải bài toán kinh tế một cách ngoạn mục. Theo thống kê, sau 28 năm kể từ khi thành lập, Quỹ này đã đóng góp cho ngân sách thể thao của Hàn Quốc 12,6 tỉ USD. Cùng với đó phải tạo ra sự cân bằng trong việc phát triển thể thao giữa 3 lĩnh vực là thể thao nghiệp dư, thể thao chuyên nghiệp và thể thao học đường. Từ đó tạo ra sự cân bằng trong phát triển và biến các giải đấu nghiệp dư thành giải chuyên nghiệp để kiếm tiền. (Ông LIM SONG, Chủ tịch Công ty VSP) |
Theo ông, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn gì trong việc phát triển kinh tế thể thao?
- Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng cái chúng ta phải đối mặt trong việc phát triển kinh tế thể thao là hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật thể thao vẫn còn thiếu và chất lượng chưa cao; Chưa có tư duy đầy đủ về phát triển ngành kinh tế thể thao trong các ngành kinh tế quốc dân như ở các nước khác. Tư duy, nhận thức ấy còn có sự thiếu hụt về sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thể thao được phản ánh cả trong môi trường pháp lý và những bất cập về chính sách, cơ chế quản lý, còn nặng về tư duy bao cấp.
Sản xuất trong nước chưa phát triển, chất lượng các hàng hóa dịch vụ thể dục thể thao chưa thực sự tốt và đa dạng, số lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu lớn. Việt Nam hiện nay rất thiếu các doanh nghiệp chuyên về thể thao để có thể cung ứng các hàng hóa cũng như dịch vụ thể thao. Việc quản lý chưa bài bản, chưa có mã ngành, chưa có số liệu thống kê ngành, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn hỗ trợ khác còn hạn chế. Thị trường thể thao đã hình thành nhiều năm qua, nhưng phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Đặc biệt nút thắt lớn nữa từ cơ chế, chính sách. Cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh doanh thể thao và công nghiệp thể thao ở nước ta chưa được tạo dựng một cách rõ nét, đầy đủ, hệ thống. Các quy định hiện hành liên quan tới phát triển thể thao mới dừng ở việc định hướng, quy hoạch, chủ yếu mang tính chất sự nghiệp mà chưa phải là kinh doanh, dựa nhiều vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chế độ, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, nhiều quy định không còn phù hợp, chậm được bổ sung, sửa đổi, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai chủ trương xã hội hóa dịch vụ công trong lĩnh vực thể thao… Rồi những hạn chế về chất lượng nhân lực cao ngành thể thao, trong đó có vấn đề nhân lực cho việc phát triển kinh tế thể thao...
Vậy thì chúng ta phải làm gì để phát triển kinh tế thể thao thưa ông?
- Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm tới lĩnh vực thể dục thể thao và những thành tích mà thể thao Việt Nam đạt được trong thời gian qua mà gần đây nhất là SEA Games 32 chính là kết quả của sự quan tâm ấy.
Chúng ta cũng có chủ trương xã hội hóa. Từ đó tạo nên tiền đề cho phát triển kinh tế thể thao. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng kết Nghị quyết 08, Ban Kinh tế trung ương đã phối hợp để lồng ghép nội dung kinh tế thể thao vào báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị. Tới đây chủ trương mới sẽ được ban hành, các vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ dần được tháo gỡ để kinh tế thể thao Việt Nam phát triển. Điểm quan trọng nữa là chúng ta cần thay đổi tư duy, coi thể thao là một ngành kinh tế quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực giải trí. Khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi và chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách cho doanh nghiệp, người dân về thể thao.
Nếu chúng ta có những chính sách chủ trương đúng đắn thì tới đây Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất hàng hóa thể thao lớn hàng đầu thế giới, từ đó là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho thể thao Việt Nam và giúp cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo tôi, Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành nền kinh tế thể thao đúng nghĩa. Chúng ta đang có các cơ sở pháp lý, tổ chức thể thao, vận động viên, các đơn vị tổ chức sự kiện, tài trợ thể thao và hơn hết chúng ta có fan hâm mộ. Nếu thiếu, có lẽ là chính sách phát triển nền kinh tế thể thao đồng bộ và sự quyết tâm của tất cả các thành phần trong thể thao. Muốn hình thành kinh tế thể thao, đầu tiên, chúng ta cần nhìn nhận thể thao theo góc nhìn kinh tế và cần bắt đầu từ sự thay đổi tư duy. Chúng ta cần có những bước nghiên cứu, khảo sát và lên kế hoạch phù hợp với đặc trưng của Việt Nam; tham khảo các mô hình thành công trên thế giới; đào tạo nhân lực quản lý chất lượng cao và thử nghiệm các mô hình mới. (Bà ĐỖ PHƯƠNG CHI, Giám đốc Bản quyền và Hợp tác quốc tế Công ty cổ phần giải pháp truyền hình thế hệ mới Next Media) |
THU SÂM (thực hiện)