Nâng cao thành tích thể thao Việt Nam:
Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp
VHO - Thể thao Việt Nam vừa đón nhận tin vui khi đội tuyển Việt Nam vừa chiến thắng đậm tới 5-0 trước đội tuyển Myanmar tại AFF Cup 2024. Tin vui này sẽ “tiếp lửa” để thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trong tháng cuối năm bộn bề nhằm hướng tới năm 2025 với mục tiêu nâng cao thành tích trên trường quốc tế, như mục tiêu mà Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.
Song hành với đó sẽ là mục tiêu đem lại niềm vui chiến thắng cho người hâm mộ nước nhà, tạo khí thế mới để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm
Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục thể thao, trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương, thành tích của Thể thao Việt Nam ngày càng có sự tiến bộ, thể hiện qua kết quả đạt được tại các kỳ SEA Games, các kỳ đại hội thể thao trẻ, giải vô địch thể thao quốc tế. Tuy có sự tiến bộ về mặt bằng thành tích ở các sự kiện thể thao quốc tế, song tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội thể thao thế giới (Olympic), thành tích của Thể thao Việt Nam còn hết sức khiêm tốn và có dấu hiệu tụt hậu. Trước bối cảnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ra Quyết định số 1189/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được xem là “bệ phóng” vững chắc cho sự phát triển của lĩnh vực thể dục thể thao nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng.
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo ông Hoàng Quốc Vinh chúng ta cần tiến hành hàng loạt giải pháp. Thứ nhất, cần phải xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo tinh thần gồm 16 môn: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Bắn cung, Taekwondo, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Judo, Karate, Wushu, Cầu lông, Cầu mây và Đua thuyền.
Đề án sẽ chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2024- 2030, giai đoạn 2 từ 2031- 2045. Trước mắt chúng ta sẽ tập trung toàn lực thực hiện nhiệm vụ tại ASIAD 2026 và Olympic 2028 trong giai đoạn 1. Nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn này sẽ là xác định môn thể thao trọng điểm, nội dung thi đấu trọng điểm, vận động viên trọng điểm (những vận động viên đã có thành tích, có triển vọng đạt thành tích xuất sắc) để đầu tư, tập huấn; Xây dựng giải pháp trọng tâm trọng điểm mang tính đột phá như: Thuê chuyên gia giỏi, tập huấn dài hạn ở nước ngoài, tăng cường thi đấu quốc tế, xây dựng cơ chế đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên trọng tâm trọng điểm...
Thứ hai là giải pháp quy hoạch Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia. Theo đó cần đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ bảo đảm chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao tại các Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia. Và cũng cần quy hoạch từng Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia đào tạo môn thể thao trọng điểm phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, khí hậu và các yếu tố liên quan.
Giải pháp thứ 3, theo ông Vinh là cần phải tiến hành ngay việc ứng dụng công nghệ AI trong huấn luyện và thi đấu. Đây là việc làm mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tiến hành trong bối cảnh hiện nay nếu muốn nâng cao thành tích. Trước mắt nếu chưa có điều kiện để ứng dụng công nghệ AI đồng bộ, thì chúng ta cần chọn những môn khả thi như các môn bóng hay các môn cá nhân đối kháng để công nghệ AI tham gia vào quá trình phân tích thể chất, sức mạnh, chiến thuật phù hợp cho từng VĐV và AI sẽ như một trợ lý ảo để phân tích sức mạnh về chiến thuật của đối thủ nhằm phục vụ cho quá trình thi đấu của VĐV.
Đăng cai tổ chức nhiều giải đấu lớn
Giải pháp thứ 4 là xã hội hóa thể thao thành tích cao trong đó các Liên đoàn thể thao chuyên nghiệp đóng vai trò điều phối và tổ chức các giải đấu, cũng như bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong hoạt động thể thao. Nêu ví dụ tại Hàn Quốc khi Tập đoàn Huyndai tài trợ kinh phí tập huấn, thi đấu cho một số môn như Bắn cung, Đấu kiếm… ông Vinh cho rằng thể thao Việt Nam cần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp và tư nhân như khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ tham gia xây dựng các trung tâm thể thao, sân vận động, nhà thi đấu hiện đại.
Giải pháp thứ 5 là chúng ta phải tổ chức nhiều giải đấu quốc tế lớn tại Việt Nam. “Việc tổ chức các sự kiện thể thao quy mô lớn có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Trước hết, các sự kiện thể thao quy mô lớn có thể nâng cao hình ảnh và mức độ nổi tiếng của đất nước, địa phương đăng cai, thu hút khách du lịch và đầu tư bằng cách thể hiện các đặc điểm và cơ sở văn hóa, đồng thời đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của địa phương đăng cai. Thứ hai, các sự kiện thể thao có thể kích thích phát triển kinh tế, tăng cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan. Tuy nhiên, tại Việt Nam tính từ năm 2023 tới nay chúng ta mới chỉ tổ chức được một vài giải đấu như: Giải Aerobic châu Á năm 2024 tại Hà Nội, Giải đua thuyền Rowing, Canoeing vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á năm 2024, gần đây nhất là tổ chức Giải vô địch Teqball thế giới tại TP.HCM”, ông Hoàng Quốc Vinh phân tích. Theo vị chuyên gia đầu ngành này thì đây sẽ là giải pháp quan trọng không chỉ nâng cao trình độ, kinh nghiệm, khả năng quản trị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam với các sự kiện thể thao lớn mà còn giúp cho các VĐV Việt Nam có cơ hội học hỏi, cọ xát ngay trên sân nhà để nâng cao trình độ.
“Việc tổ chức các giải thể thao lớn cũng phù hợp với xu hướng hội nhập sâu rộng và xu hướng phát triển của xã hội hiện nay. Vấn đề là cách thức chúng ta tổ chức ra sao, kêu gọi được các nhà tài trợ, truyền thông như thế nào để công tác tổ chức được hiệu quả, tránh là gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Từ đó sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển của thể thao Việt Nam. Đồng thời giúp nâng tầm thể thao Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.