Phát triển kinh tế thể thao:

Bài học từ các nước và cơ hội của Việt Nam

THU SÂM

VHO - Từ mô hình “nuôi gà đẻ trứng vàng” thông qua việc nâng tầm tổ chức các giải đấu, sự kiện thể thao thành sự kiện quảng bá văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của TP.HCM, TS Vũ Thái Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học thể thao cho rằng, những mô hình này cần được nhân rộng để tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế thể thao.

Bài học từ các nước và cơ hội của Việt Nam - ảnh 1
Các cầu thủ tham dự Giải bóng đá nữ quốc tế Hà Nội thích thú khi khám phá văn hóa Việt Nam

 Thể thao cần gắn với cộng đồng

Theo TS Vũ Thái Hồng, kinh tế thể thao tuy còn mới mẻ đối với nhiều người, nhưng thực tế đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu. Kinh tế thể thao không chỉ cung cấp hàng hóa và dịch vụ, mà còn tạo việc làm, thu nhập và đóng góp quan trọng vào GDP.

Tại Việt Nam, với gần 100 triệu dân và sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực này thành một ngành kinh tế tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội bền vững. “Vừa qua tôi theo dõi các giải đấu có thể “đẻ ra vàng” như giải vô địch Teqball thế giới tổ chức tại TP.HCM và nhiều sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại đây, tôi tin rằng nếu kinh tế thể thao được kiến tạo hành lang pháp lý cùng các chính sách hỗ trợ, chắc chắn chúng ta sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của ngành công nghiệp không khói này”, TS Vũ Thái Hồng nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lại nêu các dẫn chứng thuyết phục từ kinh nghiệm phát triển kinh tế thể thao của nhiều nước trên thế giới. Trong đó Mỹ được coi là một trong những quốc gia tiên phong và thành công nhất trong việc phát triển kinh tế thể thao, với các giải đấu và thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới như NBA, NFL, MLB và NHL. Mô hình phát triển kinh tế thể thao của Mỹ dựa trên một số yếu tố chủ chốt, từ đó tạo ra nguồn thu hàng tỉ USD mỗi năm và góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.

Các yếu tố quyết định sự thành công của nền kinh tế thể thao của Mỹ đó là họ đã thương mại hóa các giải đấu và sự kiện thể thao; Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ; Ứng dụng công nghệ và đổi mới trong quản lý; Chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư... Đặc biệt, Mỹ phát triển cộng đồng người hâm mộ và văn hóa thể thao trong việc phát triển kinh tế thể thao. Các đội bóng thường có các hoạt động gắn kết với cộng đồng như tổ chức các chương trình từ thiện, các sự kiện quảng bá, từ đó tạo dựng tình cảm và sự gắn bó của người hâm mộ.

Còn với Anh, đây là một trong những quốc gia có nền kinh tế thể thao phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu. Với những giải đấu danh tiếng như Premier League và Wimbledon, Anh đã xây dựng một hệ thống kinh tế thể thao tiên tiến, đóng góp không nhỏ vào GDP quốc gia và đưa thể thao trở thành một phần quan trọng trong văn hóa cộng đồng.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế thể thao của Anh dựa trên một số yếu tố nổi bật nhưthương mại hóa và bản quyền truyền hình; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện trải nghiệm khán giả; Ứng dụng công nghệ và đổi mới trong quản lý; Xây dựng hệ sinh thái phát triển tài năng trẻ. Đặc biệt, một trong những đòn bẩy quyết định sự thành công trong việc phát triển kinh tế thể thao của Anh là quảng bá văn hóa thể thao và gắn kết cộng đồng. Thể thao là một phần không thể thiếu trong văn hóa Anh và cộng đồng người hâm mộ rất trung thành với các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Các câu lạc bộ thể thao ở Anh thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết với cộng đồng như chương trình từ thiện, lễ hội thể thao và các sự kiện quảng bá, từ đó tạo ra sự ủng hộ lớn từ người dân và thúc đẩy tinh thần thể thao.

Bài học từ các nước và cơ hội của Việt Nam - ảnh 2
Việc phát triển kinh tế thể thao sẽ giúp cho các môn thể thao như trượt băng nghệ thuật phát triển

Kết hợp văn hóa, thể thao, tạo sức bật cho du lịch

Một trong những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển kinh tế thể thao đó là sự kết hợp văn hóa và thể thao để phát triển du lịch. Nhật Bản đã khéo léo kết hợp văn hóa truyền thống với thể thao để tạo sức hút đặc biệt cho du khách. Ví dụ, việc quảng bá Sumo như một môn thể thao biểu tượng của quốc gia, đã giúp Nhật Bản thu hút được đông đảo du khách quốc tế muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Ngoài ra, các sự kiện thể thao lớn cũng được kết hợp với các lễ hội văn hóa, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm đầy đủ từ thể thao đến văn hóa Nhật Bản.

Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế thể thao phát triển nhanh chóng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ và việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và thể thao chuyên nghiệp. Kinh nghiệm phát triển kinh tế thể thao của Trung Quốc tập trung vào một số yếu tố nổi bật. Trong đó họ đã kết hợp văn hóa và thể thao để quảng bá hình ảnh quốc gia. “Trung Quốc không chỉ tổ chức các sự kiện thể thao mà còn kết hợp với các yếu tố văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia. Các lễ khai mạc và bế mạc tại các sự kiện như Olympic Bắc Kinh 2008 và Thế vận hội Mùa đông 2022 là minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp này. Thể thao trở thành phương tiện quảng bá văn hóa, thu hút sự chú ý từ quốc tế, tăng cường giá trị thương hiệu quốc gia và thúc đẩy du lịch”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Trong khi đóbài học từ nước láng giềng Thái Lan lại là việc phát triển các môn thể thao truyền thống; Xây dựng hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trung tâm thể thao; Khuyến khích và hỗ trợ phát triển thể thao cộng đồng... Đặc biệt Thái Lan đã phát triển du lịch thể thao. Theo đó, du lịch thể thao là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của Thái Lan, với các sự kiện quốc tế như giải đấu golf, marathon và giải đấu Muay Thái quốc tế. Những sự kiện này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp tăng cường tiêu dùng địa phương trong lĩnh vực lưu trú, ẩm thực và dịch vụ giải trí. Thái Lan thường tổ chức các giải đấu golf quốc tế ở các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, giúp kết hợp giữa thể thao và du lịch cao cấp, từ đó tăng nguồn thu từ khách du lịch quốc tế.

Phát triển kinh tế thể thao không chỉ là một nguồn lợi tài chính quan trọng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy du lịch và gắn kết cộng đồng. Kinh nghiệm của các quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan mang lại cho Việt Nam nhiều bài học quý giá về việc xây dựng một nền kinh tế thể thao hiệu quả, đa dạng và bền vững. Những bài học này gồm các khía cạnh từ đầu tư hạ tầng, phát triển hệ thống giải đấu đến ứng dụng công nghệ trong quản lý và hợp tác quốc tế. Và đặc biệt là phát triển du lịch thể thao kết hợp với quảng bá văn hóa là một ngành kinh tế tiềm năng và được khai thác tốt ở các quốc gia có phong cảnh và văn hóa đa dạng.

Nhật Bản và Thái Lan đã thành công trong việc tổ chức các giải đấu thể thao quốc tế kết hợp với du lịch, qua đó thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Việt Nam có thể xây dựng các sự kiện thể thao đặc biệt tại các điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng, Sa Pa, Đà Lạt hay Phú Quốc, kết hợp với các hoạt động văn hóa để tăng cường trải nghiệm cho du khách. Các giải đua xe đạp, marathon, hay các giải thi đấu bóng đá bãi biển đều là những lựa chọn tiềm năng. Chính quyền địa phương có thể phối hợp với ngành du lịch để quảng bá các sự kiện thể thao quốc tế, biến Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn cho du lịch thể thao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương.

“Để nền kinh tế thể thao Việt Nam phát triển bền vững, việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, chú trọng vào công nghệ, và liên kết với các ngành du lịch, văn hóa là điều cần thiết. Bằng cách tận dụng lợi thế từ các môn thể thao truyền thống và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo dựng một ngành kinh tế thể thao vững mạnh, mang bản sắc riêng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thể thao Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời mang lại những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong tương lai”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nói.