Đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về kinh tế thể thao
VHO - Tham luận tại Hội thảo kinh tế thể thao của Việt Nam và giải pháp phát triển vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Dũng (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh) nhấn mạnh, một trong những giải pháp là chúng ta cần đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về kinh tế TDTT.
Hội thảo do Viện Khoa học công nghệ thể thao - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 120 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp, các nhàkhoa học trong nước và quốc tế.
TS Đặng Văn Dũng cho biết, dựa trên kết quả của những nghiên cứu trong nước, kinh nghiệm quốc tế, cũng nhưnhu cầu phát triển kinh tế TDTT của đất nước, cho phép xác lập các giải pháp chiến lược phát triển kinh tế TDTT trong thời gian tới. Thứ nhất là đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về kinh tế TDTT trong đó có việc nghiên cứu và phát triển về kinh doanh TDTT, đào tạo và nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh TDTT. Thứ hai là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hoạt động kinh tế TDTT. Thứ ba là tạo lập và phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ TDTT. Thứ tư là hình thành và phát triển công nghiệp thể thao. Thứ năm là đảm bảo sự hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước cho hình thành kinh tế TDTT như là khởi tạo, tạo đà và khuyến khích các nỗ lực kinh doanh TDTT. Và thứ sáu là hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT đáp ứng yêu cầu quản lý kinh doanh TDTT và hình thành, phát triển ngành kinh tế mới - công nghiệp thể thao.
Trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh nhấn mạnh rằng dù có nhiều tiềm năng nhưng kinh tế thể thao ở Việt Nam còn chậm phát triển. Ông Trần Văn Mạnh kiến nghị nhiều giải pháp phát triển kinh tế thể thao trong đó cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao, giải quyết bài toán về hiệu quả thương mại cho các doanh nghiệp khi đầu tư cho thể thao.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương Cao Văn Chóng nhận định: “Đối với Việt Nam, kinh tế thể thao được đánh giá phát triển chậm và chưa phát huy lợi thế, rất cần được quan tâm và thay đổi, tăng tốc để không tụt hậu. Chúng ta cần xây dựng được nền công nghiệp thể thao vừa phù hợp với điều kiện chính sách, nguồn lực xã hội nhưng cũng phải thích nghi, bắt nhịp với xu hướng phát triển công nghiệp, kinh tế thể thao nói chung của khu vực, châu lục và thế giới. Nói cách khác, hoạt động đầu tư, kinh doanh cùng các giao dịch thương mại trên nền tảng khai thác thể thao vẫn còn ở dạng tiềm năng và cần sự thúc đẩy để tăng trưởng trong thời gian tới”.
Hy vọng với các ý kiến tâm huyết tại Hội thảo sẽ mở ra cơ hội để kinh tế thể thao ở nước ta phát triển như kỳ vọng.