Việt Nam lên tiếng việc Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam Techo

TÙNG QUANG

VHO - Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia, cùng nhau hợp tác, quản lý, phát triển hiệu quả, bền vững sông Mekong.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 8.8, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Campuchia khởi công xây dựng dự án kênh đào Phù Nam Techo hôm 5,8 vừa qua, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh, sông Mekong là tài sản vô giá, kết nối tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Việt Nam mong muốn các quốc gia ven sông, trong đó có Campuchia, cùng nhau hợp tác, quản lý, phát triển hiệu quả, bền vững sông Mekong.

Việc này được thực hiện vì lợi ích của cộng đồng người dân trên lưu vực sông, cũng như vì tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia bên sông.

"Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động", ông Đoàn Khắc Việt cho biết.

Trước đó, như tin đã đưa, ngày 5.5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu gần đây của phía Campuchia về việc triển khai dự án kênh đào Funan Techo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:

Việt Nam luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn quan hệ hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã khẳng định truyền thống lịch sử quan hệ đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Campuchia là nhân tố hết sức quan trọng, là nguồn sức mạnh to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay.

Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bày tỏ mong muốn Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau.

Việt Nam lên tiếng việc Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam Techo - ảnh 1
Campuchia khởi công kênh đào Phù Nam Techo. Ảnh: AFP

*Ngày 5.8, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã dự lễ khởi động dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo). Dự án nhằm mục đích mở một tuyến đường mới từ sông Mekong ra biển.

Kênh đào Phù Nam Techo là dự án vận tải đường thủy nối từ sông ra biển có tổng chiều dài 180km, trải dài qua địa phận bốn tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep của Campuchia.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư 1,7 tỉ USD từ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, được thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao (BOT), dự kiến hoàn thành sau 48 tháng thi công.

Kênh có độ sâu là 5,4m, đủ khả năng đón tàu có tải trọng từ 1.000 - 3.000 tấn. Bề rộng đáy kênh là 80m, bề rộng mặt kênh là 100m, thiết kế cho hai làn tàu thủy di chuyển. Kênh đào có ba âu thuyền tại tỉnh Kandal, tỉnh Takeo và tỉnh Kep để điều tiết mực nước, dòng chảy và chống xâm nhập mặn.

Theo tính toán của Chính phủ Campuchia, dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ cung cấp hơn 10.000 việc làm và làm thay đổi cuộc sống của 1,6 triệu người ven khu vực kênh đào đi qua.

Ngoài chức năng là tuyến giao thông đường thủy kết nối hệ thống sông của Campuchia ra vịnh Thái Lan, kênh đào còn được kỳ vọng sẽ cung cấp nước để phát triển nông nghiệp và thủy sản, hình thành nhiều khu kinh tế, trung tâm hậu cần, các cảng vệ tinh và phát triển du lịch.