Trái Đất ngày càng xa Mặt Trời
VHO - Mùa hè đang đến gần đối với những người ở Bắc bán cầu, nhưng khi mùa hè chuẩn bị đón nhiều nắng hơn và nhiệt độ oi bức hơn thì Trái Đất đang quay ở điểm xa nhất so với Mặt Trời.

Vào ngày 3.7 lúc 3:55 chiều theo giờ miền Đông, hành tinh đã đạt đến điểm được gọi là viễn điểm — điểm xa nhất trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, xa hơn khoảng 3 triệu dặm so với điểm gần nhất.
Điều này xảy ra hàng năm vào đầu tháng 7. Nếu chúng ta ở xa Mặt Trời nhất, thì khí hậu sẽ mát hơn?
Mọi người có xu hướng liên tưởng sự gần gũi và ấm áp, vì vậy khi cho rằng khí hậu các mùa thay đổi là do khoảng cách giữa Trái đất và Mặt Trời. Tuy nhiên, khoảng cách của hành tinh không liên quan nhiều đến điều đó.
Lý do thực sự khiến nhiệt độ theo mùa thay đổi nằm ở thực tế là Trái đất bị nghiêng.
Hành tinh của chúng ta quay theo một góc — khoảng 23,5 độ — nghĩa là các khu vực khác nhau trên toàn cầu nhận được nhiều (hoặc ít) ánh sáng Mặt Trời hơn tùy thuộc vào thời điểm trong năm.
Vào tháng 7, Bắc bán cầu nghiêng về phía Mặt Trời, mang lại những ngày dài hơn và góc Mặt Trời cao hơn dẫn đến nhiều ánh sáng Mặt Trời trực tiếp hơn. Tất cả đã tạo ra nhiệt độ mùa hè.
Ngược lại, hình dạng quỹ đạo của Trái Đất chỉ đóng vai trò nhỏ. Mặc dù có hình bầu dục thay vì hình tròn hoàn hảo, nhưng sự khác biệt giữa điểm gần nhất và xa nhất của Trái Đất so với Mặt trời là tương đối nhỏ.
Hiện tại, Trái Đất cách xa Mặt Trời khoảng 3,1 triệu dặm so với đầu tháng 1 khi Trái Đất đạt đến điểm cận nhật, điểm gần nhất. So với khoảng cách trung bình là 93 triệu dặm, thì khoảng cách này chỉ chênh lệch khoảng 3,3%.
Bởi vì ánh sáng Mặt Trời lan tỏa khi di chuyển, ngay cả một thay đổi tương đối nhỏ về khoảng cách cũng dẫn đến giảm khoảng 7% lượng năng lượng Mặt Trời đến hành tinh.
Tại các thành phố như Houston, New Orleans và Phoenix — gần vĩ độ 30 độ bắc, năng lượng Mặt Trời chiếu vào bầu khí quyển của Trái Đất trong mùa hè cao gấp đôi lượng năng lượng mà các thành phố đó nhận được vào mùa đông.
Xa hơn về phía bắc, khoảng 40 độ C, sự thay đổi theo mùa thậm chí còn rõ rệt hơn.
Các thành phố như New York, Denver và Columbus cũng chứng kiến năng lượng Mặt Trời tăng từ khoảng 145 watt/m2 vào mùa đông lên 430 watt vào mùa hè — chênh lệch gần 300%.
Vì vậy, mặc dù Trái Đất đang nhận được ít năng lượng hơn từ Mặt Trời ngay bây giờ, nhưng chi tiết đó hầu như không được ghi nhận so với sức mạnh của độ nghiêng trên hành tinh.
Một góc nhỏ trong vòng quay của Trái Đất có tác dụng định hình các mô hình theo mùa.
Theo NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ), có một “sự hiểu lầm phổ biến” là khoảng cách thay đổi giữa Trái Đất và Mặt Trời tạo nên 4 mùa trên Trái Đất. Nhưng thực ra, chính trục nghiêng của Trái Đất mới là lý do chính. Ngoài ra, thời tiết là lĩnh vực rất phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nữa.
Trong khoảng 5 tỷ năm tới, sau khi cạn kiệt nhiên liệu hydro, Mặt Trời sẽ bắt đầu phình ra, trở thành sao khổng lồ đỏ.
Giới khoa học hiện có một số ý kiến bất đồng về việc Mặt Trời phình ra bao nhiêu. Có khả năng Mặt Trời sẽ không phình ra đủ lớn để chạm đến Trái Đất, nhưng đa số các ước tính cho thấy ngôi sao này có thể nuốt chửng hành tinh xanh.