Tình báo Mỹ: Iran có động thái chuẩn bị gài thủy lôi ở eo biển Hormuz

VHO - Theo hai quan chức Mỹ, hồi tháng 10.2023, quân đội Iran đã chất thủy lôi lên các tàu ở Vịnh Ba Tư, làm dấy lên lo ngại ở Mỹ rằng Iran có thể chuẩn bị phong tỏa eo biển Hormuz sau khi Israel tấn công nhiều địa điểm trên lãnh thổ Iran.

Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 01.07, các bước chuẩn bị chưa từng được tiết lộ trước đây do tình báo Mỹ phát hiện. Các bước này diễn ra sau khi Israel thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa đầu tiên nhằm vào Iran ngày 13.06.

Dù chưa được triển khai ở eo biển Hormuz, nhưng động thái chuẩn bị thủy lôi cho thấy Iran có thể nghiêm túc cân nhắc đóng cửa một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Hành động này có thể khiến xung đột leo thang và làm tê liệt hoạt động thương mại toàn cầu.

Khoảng 01.05 lượng dầu và khí đốt xuất khẩu toàn cầu đi qua eo biển Hormuz. Nếu bị phong tỏa, giá năng lượng thế giới có khả năng sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, giá dầu chuẩn toàn cầu đã giảm hơn 10% kể từ sau khi Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân Iran, một phần nhờ tâm lý nhẹ nhõm vì cuộc xung đột không gây gián đoạn nghiêm trọng đến thương mại dầu mỏ.

Ngày 22.06, không lâu sau khi Mỹ ném bom ba cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của Tehran, quốc hội Iran đã thông qua một dự luật phong tỏa eo biển Hormuz.

Tuy nhiên, theo kênh Press TV của Iran, quyết định này không mang tính ràng buộc và đóng eo biển Hormuz là thẩm quyền của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran. Trong nhiều năm qua, Iran từng nhiều lần cảnh báo đóng eo biển này nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Hãng tin Reuters không xác định được chính xác Iran đã chất thủy lôi lên tàu vào thời điểm nào trong cuộc không chiến giữa Israel và Iran. Nếu được triển khai, số thủy lôi này có thể chặn đứng mọi tàu thuyền qua lại tuyến hàng hải then chốt ở Hormuz. Cũng chưa rõ liệu số thủy lôi đó đã được dỡ xuống hay chưa.

Nguồn tin không tiết lộ làm thế nào Mỹ biết được thủy lôi đã được chất lên các tàu Iran, nhưng loại thông tin tình báo này thường được thu thập bằng ảnh vệ tinh, nguồn tin bí mật hoặc kết hợp cả hai.

Khi được hỏi về việc Iran chuẩn bị gài thủy lôi, một quan chức Nhà Trắng nói: “Nhờ chiến dịch Búa Đêm do Tổng thống chỉ đạo, cùng chiến dịch thành công nhằm vào Houthi và chiến lược gây áp lực tối đa, eo biển Hormuz vẫn đang mở, quyền tự do hàng hải đã được khôi phục”.

Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc cũng không đưa ra bình luận về thông tin trên.

Tuyến hàng hải huyết mạch

Theo hai quan chức Mỹ, chính phủ Mỹ chưa loại trừ khả năng hành động chuẩn bị thủy lôi chỉ là đòn nghi binh. Iran có thể đã chuẩn bị thủy lôi nhằm thuyết phục Mỹ rằng họ sẵn sàng đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng không thực sự có ý định đó.

Quân đội Iran cũng có thể đơn thuần chỉ đang thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết trong trường hợp lãnh đạo nước này ra lệnh phong tỏa eo biển này.

Eo biển Hormuz nằm giữa Oman và Iran, nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman ở phía Nam và xa hơn là biển Arab. Nơi hẹp nhất của eo biển này chỉ rộng 34 km, trong đó tuyến hàng hải chỉ rộng 3,2 km mỗi chiều.

Các nước thành viên OPEC như Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Iraq xuất khẩu phần lớn lượng dầu qua eo biển Hormuz, chủ yếu sang châu Á. Qatar (một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới) chuyển gần như toàn bộ LNG của mình qua tuyến đường này.

Iran cũng xuất khẩu phần lớn dầu mỏ qua eo biển Hormuz, nên về lý thuyết, Iran không có nhiều động lực đóng cửa tuyến hàng hải này. Tuy nhiên, Iran vẫn luôn khẳng định họ có thể phong tỏa eo biển nếu cần thiết.

Theo ước tính của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2019, Iran luôn có sẵn hơn 5.000 quả thủy lôi để có thể triển khai nhanh chóng nhờ các tàu nhỏ tốc độ cao.

Hạm đội 5 của Mỹ (đặt trụ sở tại Bahrain) có nhiệm vụ bảo vệ hoạt động thương mại trong khu vực. Hải quân Mỹ thường duy trì bốn tàu quét thủy lôi tại Bahrain, nhưng những tàu này đang dần được thay thế bằng tàu tác chiến ven biển vốn là loại tàu cũng có khả năng chống thủy lôi.

Tất cả các tàu chống thủy lôi đã được rút tạm thời khỏi Bahrain vài ngày trước khi Mỹ không kích Iran, do lo ngại khả năng bị Iran trả đũa vào trụ sở Hạm đội 5.

Cuối cùng, đòn đáp trả tức thì của Iran chỉ dừng lại ở một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết họ chưa loại trừ khả năng Iran sẽ có thêm các biện pháp trả đũa trong thời gian tới.

Theo THÙY DƯƠNG/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc