Thư viện Bulac, Paris : Lưu trữ nhiều ấn bản cổ của Việt Nam
VHO- Triển lãm tư liệu cổ Việt Nam với chủ đề “Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945” giai đoạn 1860-1945 đang diễn ra tại Thư viện Đại học các Ngôn ngữ và Văn minh Bulac (Paris), giới thiệu tới độc giả nhiều ấn bản cổ nhất của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng thăm Triển lãm
Thư viện Bulac được thành lập năm 2011, tập hợp hơn 1,5 triệu tư liệu, ấn phẩm của 350 ngôn ngữ và 80 hệ chữ trên thế giới. Phông tiếng Việt tại thư viện Bulac là một trong những phông tư liệu lâu đời và cổ nhất tại Pháp, có tuổi đời 150 năm và rất phong phú với khoảng 13.000 ấn phẩm (16.500 đầu sách), đặc biệt có hơn 9.000 đầu sách bằng tiếng Việt và hơn 100 đầu báo và tạp chí, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành. Phông tiếng Việt được bổ sung thường xuyên để phục vụ sinh viên học tập và các nhà nghiên cứu về Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Hải, Phụ trách triển lãm và điều phối tư liệu Đông Nam Á của Thư viện BULAC cho biết: Những tác phẩm này được đặt trong tủ kính, ngay lối đi chính ở tầng một của Thư viện để độc giả dễ dàng ngắm nhìn. Người xem có thể xem rất nhiều cuốn sách mà trước đây chỉ được nghe nói đến.
Trong số tư liệu quý được lưu trữ tại Thư viện Bulac có hai bản in truyện Lục Vân Tiên bằng chữ Hán Nôm năm 1865 và 1876; ấn bản Lục Vân Tiên được cho là bản chép tay của Trần Đình Của, giáo viên người Việt dạy tiếng Việt đầu tiên ở Paris; Lục Vân Tiên ca diễn bằng chữ quốc ngữ in năm 1873. Ngoài ra, Thư viện cũng lưu trữ nhiều tài liệu và ấn phẩm khác, trong đó có Kim Vân Kiều truyện xuất bản năm 1871…
Bạn Nguyễn Văn Phúc, một nghiên cứu sinh Việt Nam ở Italia tham gia chương trình trao đổi với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CASE) tại Paris cho biết: “Thư viện Bulac là nguồn tài liệu hữu ích cho nghiên cứu. Em biết đến Thư viện vì ở đây có nhiều tài liệu về Việt Nam, không những về văn hóa mà còn một số tài liệu về luật đúng với chuyên ngành của em”.
Một ấn bản truyện thơ “Lục Vân Tiên” trưng bày tại Triển lãm
Còn Lou Vargas, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Lịch sử tại Trường Cao đẳng Thực hành (Ephe), học tiếng Việt vì đam mê từ nhỏ nhờ một người bạn gốc Việt chia sẻ: “Trước đây khi tôi đã từng học tiếng Việt. Tôi đến Thư viện Bulac thường xuyên để tra từ điển, đọc các tác phẩm văn học Việt Nam, xem sách địa lý, lịch sử, văn hóa của Việt Nam và mượn sách về đọc tìm hiểu, nghiên cứu”.
Môn tiếng Việt bắt đầu được giảng dạy tại Paris kể từ năm 1869 trong các lớp học tự thành lập tại Trường ĐH Sorbonne, và tới khoảng năm 1871-1872 chính thức được giảng dạy tại Trường Sinh ngữ Phương Đông, nay là Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO). Tại thời điểm đó, Trường có liên kết với nhiều học giả miền Nam Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… để đưa các ấn phẩm, sách truyện, báo chí được in bằng tiếng Việt sang Pháp. Đồng thời, có rất nhiều ấn phẩm tiếng Việt được tập hợp từ Thư viện Liên đại học Sinh ngữ Phương Đông (BIULO), Cơ quan Đào tạo - Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh Đông Á (LCAO) thuộc Trường Đại học Paris Cité và Trường Đại học Viễn Đông Pháp (EFEO). Hơn thế nữa, Thư viện Bulac tiếp nhận gần một trăm văn bản bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu là các tác phẩm văn học, phần lớn được tập hợp từ bộ sưu tập của Thư viện Biulo và một số khác đến từ những bộ sưu tập cá nhân được tặng.
Thư viện Bulac mở cửa miễn phí cho tất cả mọi người từ 10-22h hằng ngày, cung cấp rất nhiều dịch vụ tiện ích cho sinh viên, nhà nghiên cứu. TS Nguyễn Thị Hải cho biết: “Phông tiếng Việt vẫn không ngừng được mở rộng, bổ sung rất nhiều đầu sách báo mới hằng năm. Có thể nói, phông tiếng Việt ở Thư viện Bulac là một trong những phông tiếng Việt cổ của nước Pháp và duy nhất được thường xuyên cập nhật. Hiện nay, mỗi năm Thư viện vẫn đặt mua khoảng 200 ấn phẩm các loại và chủ yếu là đầu sách tiếng Việt được gửi từ Việt Nam sang, cùng với 25 đầu báo, cũng chủ yếu bằng tiếng Việt”.
Ông Benjamin Guichard, Giám đốc khoa học Thư viện Bulac bày tỏ mong muốn được tiếp nhận thêm ấn phẩm nguyên bản tiếng Việt đặc sắc về các chủ đề đa dạng hoặc của các địa phương để làm phong phú thêm phông tiếng Việt tại Thư viện.
KHẢ NGÂN