Quốc gia tỉ dân chấn chỉnh giáo dục

VHO- Trung Quốc đã ban hành quy định cứng rắn về việc dạy học thêm, nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh, cũng như gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Động thái này tiếp tục cho thấy quyết tâm chấn chỉnh nền giáo dục tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Quốc gia tỉ dân chấn chỉnh giáo dục - Anh 1

 Trung Quc tích cc gim thiu áp lc hc hành nh: AFP

Siết chặt dạy học thêm

Cuối tháng 7, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành quy định mới về việc dạy học thêm, theo hướng siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp giáo dục tư nhân. Quy định nêu rõ, tất cả các công ty dịch vụ giáo dục, cơ sở dịch vụ dạy thêm ngoài giờ theo chương trình giảng dạy chính của trường học sẽ trở thành các tổ chức phi lợi nhuận và không được cấp giấy phép hoạt động mới. Đồng thời, các quy định mới cũng cấm việc dạy thêm ngoài giờ theo các môn học chính tại trường, và cấm các chương trình giảng dạy từ xa tại nước ngoài hoặc có thuê người nước ngoài.

Trước đó, Trung Quốc đã yêu cầu hạn chế giao bài tập về nhà và giới hạn giờ hoạt động của các gia sư trực tuyến. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã thành lập một bộ phận mới nhằm giám sát việc dạy thêm sau giờ học. Theo giới phân tích, các động thái này giống như “cuộc trấn áp” của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ và các doanh nghiệp độc quyền. Hơn nữa, những biện pháp mới được áp dụng này cũng cho thấy một thực tế tại Trung Quốc, đó là lĩnh vực dạy thêm tư nhân gây tác động xấu đối với phụ huynh và trẻ em ở thành thị, cả về chi phí cũng như tâm lý không tốt cho trẻ em.

Tổng thư ký Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) Miao Lu đánh giá, thị trường dạy thêm khá nhiễu loạn. Chính quyền trung ương đang đưa ra thông điệp rằng, giáo dục phải tách bạch với cơ chế đầu tư, bởi việc dồn quá nhiều vốn đầu tư sẽ gây ra bất công xã hội và không phù hợp với một số triết lý của chính phủ. “Việc này có vẻ giống như chính quyền trung ương đang đạp phanh gấp, nhưng nếu họ không làm vậy, cuộc cạnh tranh đầu tư khốc liệt sẽ không dừng lại. Trong hoạch định chính sách của Trung Quốc luôn có một quá trình cân bằng và tôi nghĩ mọi thứ sẽ cân bằng trở lại”, bà Miao Lu nhận định.

Thúc đẩy đa dạng hóa giáo dục

Những năm qua, chất lượng giáo dục giữa thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh và thành phố, thậm chí ngay cả giữa các trường công tại Trung Quốc vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn. Thêm nữa, số lượng các trường đại học còn quá ít so với nhu cầu học tập của học sinh, nhất là các trường đại học danh tiếng lại càng ít ỏi, khiến cuộc đua vào đại học trở nên khốc liệt. Theo Ether Yin, một đối tác của công ty tư vấn Trivium China, giải pháp tốt nhất cho giáo dục Trung Quốc hiện nay là nỗ lực hài hòa chất lượng các trường công, để học sinh không phải gắng sức chạy đua vào trường điểm. Chỉ có như vậy, sức ép lên học sinh và phụ huynh ở quốc gia tỉ dân mới được cởi bỏ.

Tiến sĩ Ye Liu, nhà xã hội học và giảng viên cấp cao về phát triển quốc tế tại Đại học King’s College London chỉ ra: “Giáo dục và sức khỏe là hai mối quan tâm chính của người Trung Quốc. Các gia đình ở thành thị có nhu cầu rất lớn về giáo dục tư nhân. Trước đây, do chính sách một con, họ đã sử dụng giáo dục như một kênh đầu tư, nhằm tạo ra những đặc quyền về vốn văn hóa, cũng như cơ hội vào các trường đại học tốt hay đi du học nước ngoài cho con mình. Họ cần cho con học thêm vì cơ hội rất cạnh tranh”. Bởi vậy, tiến sĩ Ye Liu nhận định, chính sách siết chặt dạy thêm sẽ khó đạt hiệu quả nếu Trung Quốc không giải quyết tình trạng phân bổ giáo dục không đồng đều trên khắp đất nước. Bà cho rằng, chính phủ cần đa dạng hóa và thúc đẩy các con đường giáo dục, khuyến khích và tài trợ nhiều hơn nữa cho học sinh, đặc biệt là những học sinh tại các vùng kinh tế xã hội khó khăn hơn, như tạo điều kiện dạy nghề, học việc và đào tạo các kỹ năng khác.

Thực tế, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào dạy nghề, một phần trong kế hoạch Made in China 2025 của nước này, nhằm nâng cấp các ngành công nghệ cao và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2020, chính quyền trung ương nước này đã phân bổ gần 4 tỉ USD thúc đẩy giáo dục hướng nghiệp. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh, đối với những người không có cơ hội vào đại học, học nghề là con đường thay thế giúp họ hoàn thiện bản thân. Đó vừa là một lối mở tích cực góp phần “hạ nhiệt” áp lực siêu cạnh tranh trong giáo dục tại Trung Quốc, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. 

 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc