Trung Quốc:

Nở rộ các trung tâm dạy thêm do AI “đứng lớp”

CHI MAI

VHO - Tại Trung Quốc, sau khi có luật cấm giáo viên dạy thêm, các trung tâm này đã trang bị công cụ giảng dạy thông minh sử dụng thuật toán AI và các mô hình điều chỉnh độ khó của câu hỏi dựa theo phản hồi của người học để giảng dạy.

Nở rộ các trung tâm dạy thêm do AI “đứng lớp” - ảnh 1
Một lớp học AI ở Trung Quốc. Ảnh: SIXTHTONE

 Các trung tâm dạy thêm tích hợp AI ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Tại đây, các nội dung ôn luyện tập trung vào nội dung thi cử, như kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trong các lớp này, học sinh ngồi yên lặng trong các ô nhỏ, mắt dán vào màn hình máy tính bảng. Phần mềm kiểm tra, chữa lỗi, yêu cầu thực hành lặp đi lặp lại để tránh mắc lại lỗi, thay đổi bài học theo thời gian thực và chỉ có AI giám sát, không có giáo viên giảng dạy trực tiếp. Chỉ có giáo viên làm nhiệm vụ quan sát, khuyến khích.

“Học sinh có thể nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ trong các lĩnh vực mà các em thấy khó khăn và chúng tôi có thể cung cấp hướng dẫn dựa trên phản hồi trực tuyến của các em. Ưu điểm của những thiết bị học kiểu này là năng lực AI, cho phép xác định chính xác điểm yếu của học sinh và đưa ra hỗ trợ phù hợp để bổ trợ kiến thức”, Cheng Lele, giáo viên giám sát một phòng học AI ở Trịnh Châu cho biết.

Mô hình này được quảng cáo là không gian tự học cá nhân hóa lý tưởng để thay thế các trung tâm dạy thêm, tránh vi phạm lệnh cấm của Trung Quốc. Hiện có hơn 50.000 trung tâm đang hoạt động khắp nước này, hướng đến học sinh từ 8-18 tuổi.

Các trung tâm cam kết việc học được cá nhân hóa. Học sinh học theo các khóa được tải sẵn và thiết kế theo tiến độ do AI lập ra trên máy tính bảng. Một số nơi bán máy tính bảng kèm một tháng sử dụng phòng học miễn phí, một số khác bán khóa học theo gói bao gồm phí hội viên và phí sử dụng thiết bị.

Một máy tính bảng kèm một tháng truy cập phòng học miễn phí có giá 5.000 tệ (687 USD). Hết tháng miễn phí, học sinh sẽ phải trả tiền cho các dịch vụ giám sát theo tháng, theo học kỳ hoặc theo năm, với mức phí dao động 1.000-3.000 tệ mỗi tháng.

So với học thêm truyền thống, các phòng học theo mô hình AI cung cấp giải pháp thay thế rẻ hơn khi một buổi học kèm riêng có thể tốn vài trăm tới 1.000 tệ cho hai tiếng.

Phụ huynh có thể theo dõi hiệu quả học tập của con từ xa thông qua ứng dụng di động, nhận báo cáo chi tiết về trình độ và tỷ lệ mắc lỗi của con. Theo công ty công nghệ RUNTO có trụ sở tại Bắc Kinh, doanh số bán máy tính bảng ở Trung Quốc năm 2024 là 1,83 triệu chiếc, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước.

“Con tôi trước đây từng học online và học thêm trên lớp, nhưng kết quả không đạt yêu cầu”, bà Vương nói và cho hay thói quen học tập của con đã cải thiện từ khi sử dụng phòng học AI và bà có thể thường xuyên theo dõi tiến độ học tập của con trên điện thoại.

Trên mạng xã hội, một số người kinh doanh mô hình này cho hay đã mở 4 địa điểm trong một năm và doanh thu trung bình mỗi tháng là 90.000 tệ (12.300 USD).

Đại diện bán hàng của một thương hiệu máy phục vụ học tập cho hay giá bán lẻ một thiết bị là 5.780 tệ (795 USD), còn giá bán buôn là 3.680 tệ (506 USD). “Mở một phòng học AI có chi phí khoảng 20.000 tới hàng trăm nghìn tệ, thời gian hoàn vốn 1-3 tháng, biên lợi nhuận là 65%”, người này nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục vẫn hoài nghi về hiệu quả của mô hình. Xue Haiping, chuyên gia về chính sách dạy thêm tại Bộ Giáo dục Trung Quốc cho rằng, các phòng học AI về cơ bản là một hình thức dạy thêm kiểu mới, quy mô nhỏ hơn, khó quản lý hơn và phổ biến ở những thành phố nhỏ.

“Mục tiêu chính là luyện đề thi và cải thiện điểm. Đây chỉ là một phiên bản phân tán và khó định nghĩa hơn của mô hình dạy thêm truyền thống”, Xue nói.

Wu He, nghiên cứu viên công ty phần mềm giáo dục K-12 cho rằng, những phòng học kiểu này thiếu hụt năng lực thực sự của AI, dựa vào các hướng dẫn được thiết lập sẵn thay vì tương tác thực sự với học sinh. “Những học sinh học vì thi cử hiếm khi đặt câu hỏi, những thiết bị này cũng không khuyến khích tư duy phản biện”, Wu nói.

Jia Lijuan, giáo viên tại trường tiểu học thực nghiệm Hà Nam cho rằng, không nên quá phụ thuộc vào phòng học AI và thiết bị học tập điện tử. “Học sinh cần nhiều hình thức thực hành đa dạng và học kỹ năng tư duy phản biện. Trong các phòng học AI, mục tiêu thường là giải đề cho chính xác, làm hạn chế nâng cao năng lực toàn diện của học sinh”, Jia nói.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc