Những thông điệp mạnh mẽ về cải cách từ BRICS
VHO - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 17 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực định hình một trật tự thế giới mới, đa cực và bao trùm hơn.

Trong bối cảnh xung đột gia tăng tại Trung Đông, căng thẳng thương mại và các thể chế toàn cầu bị chỉ trích là lỗi thời, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS đã cùng nhau đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về cải cách, đoàn kết và trách nhiệm toàn cầu.
Kêu gọi cải tổ thể chế toàn cầu
BRICS chỉ trích việc gia tăng thuế quan là "đi ngược lại các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra bất ổn kinh tế. Brazil - nước chủ nhà - nhấn mạnh rằng trong khi các thể chế như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lâm vào chia rẽ, BRICS đang nổi lên như một nền tảng hợp tác đa phương đáng tin cậy.
Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, trong bài phát biểu khai mạc, đã so sánh BRICS như một “người thừa kế của Phong trào Không liên kết”, và khẳng định rằng sự mở rộng của nhóm đang san lấp “khoảng trống mà những thể chế toàn cầu khác để lại”.
Một trong những chủ đề trọng tâm khác của hội nghị là cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Các thành viên BRICS cho rằng cấu trúc hiện tại không còn phù hợp với tương quan quyền lực của thế giới thế kỷ XXI.
Tổng thống Brazil Lula cho rằng các cơ chế hiện tại đang tạo ra một "Kế hoạch Marshall ngược", khi các nền kinh tế mới nổi thực chất đang tài trợ cho các nước phát triển. Tổng thống Lula chỉ trích những bất công tại IMF, nhấn mạnh quyền biểu quyết của các quốc gia BRICS lẽ ra phải đạt tối thiểu 25%, thay vì chỉ 18% như hiện tại. Về WTO, ông kêu gọi cải cách khẩn cấp, cho rằng tình trạng tê liệt của WTO cùng với việc dung túng chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra những bất lợi nghiêm trọng cho các nước đang phát triển.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh BRICS cần tiếp tục yêu cầu cải cách các thể chế quốc tế, đặc biệt là đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, WTO và các ngân hàng phát triển đa phương. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng lên án các cuộc tấn công nhằm vào Iran và Gaza, đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình nhân đạo của người Palestine.
Hướng đến hợp tác thực chất và dài hạn
Mặc dù bị chi phối bởi những chủ đề địa chính trị, Brazil - với vai trò chủ tịch luân phiên - đã cố gắng định hướng hội nghị theo sáu ưu tiên thực tiễn: hợp tác y tế toàn cầu, thương mại - đầu tư - tài chính, chống biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo, an ninh và phát triển thể chế nội khối.
Đáng chú ý, nhóm đã ủng hộ sáng kiến “BRICS Multilateral Guarantees” thuộc Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần xây dựng cơ chế bảo vệ chống lại việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng dữ liệu.
Đề cập đến AI, Tổng thống Brazil Lula cảnh báo công nghệ này không thể trở thành "đặc quyền của một số ít quốc gia" hay "công cụ thao túng nằm trong tay các tỷ phú". Ông kêu gọi thiết lập một khung quản trị toàn cầu đối với AI theo hướng công bằng, bao trùm và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về phần mình, phát biểu qua cầu truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các nước BRICS tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tài nguyên thiên nhiên, logistics, thương mại và tài chính.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng các nước BRICS nên tập trung vào phát triển và củng cố các động lực tăng trưởng kinh tế, tích cực đi đầu trong hợp tác phát triển và khai thác tiềm năng tăng trưởng của các lĩnh vực mới nổi.
Theo nhà nghiên cứu Bruce Scheidl (Đại học São Paulo), hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Tổng thống Donald Trump đã quay lại Nhà Trắng, kéo theo nguy cơ chiến tranh thương mại tái diễn và xu hướng đơn phương gia tăng. Ông Scheidl nhận định: “Hội nghị này là cơ hội tốt nhất để các nước đang phát triển tìm kiếm đối tác thay thế và đa dạng hóa quan hệ kinh tế”.
Sau 3 lần mở rộng BRICS đang bao gồm 10 nước thành viên và 9 nước đối tác, chiếm gần 40% GDP toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới.
Trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang bị thách thức, BRICS đang cố gắng định hình mình như một “cực” thay thế, phản ánh tiếng nói và lợi ích của Nam toàn cầu, nhưng để làm được điều đó, nhóm cần vượt qua những bất đồng nội bộ, củng cố cơ chế vận hành và chứng minh khả năng hành động tập thể hiệu quả hơn trong tương lai.
Theo MINH TRANG/TTXVN (tổng hợp)/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc