Khẩu súng cựu Hoàng đế Pháp Napoléon định dùng tự sát bán được 1,7 triệu euro

NGHIÊM THANH

VHO - Hai khẩu súng lục mà cựu Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte từng định dùng để tự sát nhưng bất thành, đã tìm được chủ mới sau buổi bán đấu giá.

Khẩu súng cựu Hoàng đế Pháp Napoléon định dùng tự sát bán được 1,7 triệu euro - ảnh 1
Chiếc hộp đựng hai khẩu súng lục, từng thuộc về Hoàng đế Napoleon I trong buổi xem trước trước khi đấu giá. Ảnh: Getty

Tờ Guardian dẫn lời Nhà đấu giá cho biết, hai khẩu súng lục mà cựu Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng định dùng để tự sát đã được bán vào hôm 7.7 với giá 1,69 triệu euro (1,8 triệu đô la Mỹ) tại Pháp. Hai khẩu súng này được chính phủ Pháp cấm xuất khẩu để giữ chúng lại trong nước như bảo vật quốc gia. Giá bán này cao hơn ước tính ban đầu là 1,2 - 1,5 triệu euro.

Hai khẩu súng ngắn được trang trí lộng lẫy, khảm vàng và bạc, thân súng khắc chân dung Hoàng đế Napoléon.

Trước khi diễn ra buổi đấu giá, chuyên gia Jean-Pierre Osenat đã giới thiệu về lịch sử của khẩu súng. Sau những thất bại và bị buộc phải thoái vị vào năm 1814, Hoàng đế Napoléon đã hoàn toàn suy sụp và muốn dùng khẩu súng để tự sát, nhưng một người cận vệ trước đó đã lấy thuốc súng ra khỏi vũ khí. Napoléon sau đó chọn cách uống thuốc độc nhưng đã nôn ra và sống sót. Ông trao lại khẩu súng cho người cận vệ như lời cảm ơn cho sự trung thành, ông Osenat nói với AFP.

Khẩu súng cựu Hoàng đế Pháp Napoléon định dùng tự sát bán được 1,7 triệu euro - ảnh 2
Hai khẩu súng được chính phủ Pháp coi là bảo vật quốc gia. Ảnh: Getty

Sau khi thoái vị, cựu hoàng đế Napoléon phải sống lưu vong trên đảo Elba ngoài khơi Italy. Khi trở lại nắm quyền, đội quân của ông bị Anh đánh bại trong trận Waterloo năm 1815. Ông bị lưu đày đến đảo Saint Helena xa xôi ở Đại Tây Dương, nơi ông qua đời vào năm 1821.

Những kỷ vật của cựu Hoàng đế Pháp rất được các nhà sưu tập rất săn đón. Hồi tháng 11.2023, chiếc mũ nỉ "bicorne" nổi tiếng của ông viền màu xanh, trắng và đỏ từng được bán với giá 1,9 triệu euro.

Danh tính của người mua tại cuộc đấu giá ở Fontainebleau, phía nam Paris không được công khai. Trước khi cuộc bán đấu giá các vũ khí này diễn ra, Bộ văn hóa Pháp đã phân loại các hiện vật này là bảo vật quốc gia và ra lệnh cấm xuất khẩu chúng. Trong khoảng thời gian 30 tháng sau đó, chính phủ Pháp có thể hỏi mua lại hiện vật này nhưng người chủ sở hữu có quyền từ chối bán.

Mặc dù vậy, bất kể giá trị và độ tuổi của hiện vật là bao nhiêu, một tài sản văn hóa được công nhận là bảo vật quốc gia chỉ có thể rời khỏi nước Pháp tạm thời và phải được trả lại theo quy định bắt buộc.