Hy Lạp điều tra bê bối lừa đảo nông nghiệp 290 triệu euro

N.THANH

VHO - Vụ bê bối lừa đảo quỹ nông nghiệp EU trị giá 290 triệu euro đã gây rúng động chính trường Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm điều tra toàn diện và thừa nhận hệ thống quản lý công đã “bộc lộ rõ sự bất lực”.

Hy Lạp điều tra bê bối lừa đảo nông nghiệp 290 triệu euro - ảnh 1
Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cam kết sẽ điều tra toàn diện vụ bê bối gian lận quỹ nông nghiệp. Ảnh: Shutterstock

Vạch trần vụ lừa đảo nông dân giả quy mô lớn

Hôm nay, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã cam kết điều tra “ngay lập tức và toàn diện” vụ bê bối gian lận quỹ nông nghiệp EU có quy mô lên tới 290 triệu euro.

Vụ việc được tờ Politico mô tả là một trong những vụ gian lận nông nghiệp lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, với số tiền bị rút bất hợp pháp lên tới 45 triệu euro mỗi năm.

Bê bối này đã khiến ít nhất năm quan chức cấp cao của chính phủ từ chức, bao gồm cả Bộ trưởng Di trú Makis Voridis, người từng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp khi hệ thống phân bổ trợ cấp bị lợi dụng.

Kế hoạch gian lận diễn ra từ năm 2017, với hàng trăm đơn xin trợ cấp bị nghi do các “nông dân giả mạo” nộp, trong đó nhiều người hoàn toàn không hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số thậm chí là luật sư, trong khi những người khác mạo danh chủ đất chăn thả hoặc chăn nuôi gia súc không tồn tại. Cơ quan trợ cấp nhà nước OPEKEPE, nơi phê duyệt các khoản chi, đã bị giải thể sau khi những sai phạm bị phát hiện.

Đáng chú ý, Văn phòng Công tố viên châu Âu (EPPO) có trụ sở tại Luxembourg mới là bên khởi xướng cuộc điều tra, bắt đầu từ năm 2021. Chính điều này làm dấy lên nghi vấn về năng lực giám sát và minh bạch tài chính công của nhà nước Hy Lạp.

Áp lực chính trị và khủng hoảng niềm tin

Phát biểu trước Nội các Hy Lạp, Thủ tướng Mitsotakis thừa nhận “sự bất cập của nhà nước” và cảnh báo không thể để “chủ nghĩa bảo trợ chính trị” tiếp tục chi phối hệ thống hành chính công.

Ông cam kết sẽ xử lý vụ việc theo luật pháp Hy Lạp và châu Âu, đồng thời giao trọng trách cho lực lượng đặc nhiệm mới nhằm “cứu vãn niềm tin” từ công chúng.

Vụ bê bối đặt ra nguy cơ làm lung lay uy tín cá nhân của Thủ tướng và Đảng Dân chủ Mới cầm quyền, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các đơn xin trợ cấp sai sự thật đến từ quê hương Crete của ông.

Một cuộc khảo sát của MRB cho thấy 74,5% người dân Hy Lạp tin rằng các bộ trưởng chính phủ có liên quan đến gian lận.

Giới ngoại giao EU tại Athens cảnh báo rằng nếu không xử lý mạnh tay, ông Mitsotakis có thể đánh mất nền tảng đạo đức vốn giúp ông lãnh đạo hiệu quả và giữ vững uy tín ở EU. “Vụ bê bối này quá lớn để có thể làm ngơ”, một nhà ngoại giao EU nói.