Hãng hàng không Trung Quốc cho phép tiếp viên bỏ giày cao gót
VHO - Một hãng hàng không nội địa Trung Quốc đang gây chú ý khi cho phép các tiếp viên hàng không nữ không cần đi giày cao gót nhằm mục đích "giảm gánh nặng" cho nhân viên.
Tiếp viên hàng không thường phải mang giày cao gót trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, bao gồm cả khi lên máy bay và sử dụng thang máy chở khách và cầu dẫn máy bay. Điều này đã gây ra áp lực lớn lên đôi chân do nhiều giờ phải đứng trên đôi giày cao gót.
Mới đây, Air Travel, một hãng hàng không có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã thông báo trên tài khoản WeChat chính thức rằng hãng đã bãi bỏ yêu cầu tiếp viên hàng không phải đi giày cao gót trong các chuyến bay.
Công ty này cho biết quyết định cho phép tiếp viên nữ mang giày bệt được đưa ra nhằm cân bằng giữa hình ảnh chuyên nghiệp, sự an toàn trong khoang máy bay và sức khỏe của nhân viên.
"Theo truyền thống, giày cao gót là một phần của đồng phục bắt buộc. Tuy nhiên, việc mang giày cao gót trong thời gian dài có thể gây khó chịu về mặt thể chất và trong một số trường hợp, giày đế bằng giúp tăng cường sự ổn định và an toàn. Điều này phản ánh cam kết của chúng tôi đối với nhu cầu chuyên môn và sự an toàn của hành khách", Air Travel cho biết.
Sự thay đổi này đã được các nữ tiếp viên hàng không hoan nghênh.
Li Yan, một tiếp viên hàng không có kinh nghiệm 12 năm, lần đầu tiên đi giày bệt trong ca làm việc kéo dài 5h của mình vào ngày 3.8. “Tôi cảm thấy rất thoải mái khi đi giày bệt trong suốt ca làm việc. Trước đây, việc đi giày cao gót khi leo cầu thang hoặc đi qua cầu phản lực trong thời tiết mưa hoặc tuyết rất bất tiện và đôi khi không an toàn. Gót giày có thể bị trượt, và việc đi bộ đường dài đến các điểm đỗ xe cũng rất mệt mỏi”, cô nói.
Quy định này được đưa ra sau những sáng kiến tương tự ở nhiều quốc gia khác. Vào tháng 6, những bức ảnh chụp tiếp viên hàng không của hãng Super Air Jet tại Indonesia mặc quần dài và giày bệt thay vì váy và giày cao gót như thường lệ đã gây ra nhiều ý kiến rộng rãi và nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
“Không chỉ là một đôi giày, nó phản ánh liệu chính sách của công ty có hướng đến con người hay không,” một cư dân mạng chia sẻ. “Làm ơn, đừng bắt họ làm đẹp nữa. Việc này đáng lẽ phải làm từ lâu rồi. Bắt họ đi giày cao gót chẳng khác gì “bó chân” cả”, một người khác viết.
Theo Scmp