EU - Ukraine hiện đại hóa khu vực thương mại tự do

VHO - Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc rà soát và hiện đại hóa Khu vực Thương mại tự do sâu rộng và toàn diện (DCFTA), một phần trọng yếu trong hiệp định liên kết giữa hai bên. Động thái này đánh dấu bước tiến chiến lược trong quan hệ kinh tế EU-Ukraine.

Chuẩn bị cho giai đoạn mới

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, thỏa thuận hiện đại hóa này không chỉ bảo đảm dòng chảy thương mại từ Ukraine tới châu Âu và các thị trường toàn cầu, mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết kinh tế với Ukraine.

Ukraine và EU cũng nhất trí tìm hiểu biện pháp giúp các nhà xuất khẩu lúa mì Ukraine tiếp cận thị trường ở các nước thứ ba. Ảnh: EPA
Ukraine và EU cũng nhất trí tìm hiểu biện pháp giúp các nhà xuất khẩu lúa mì Ukraine tiếp cận thị trường ở các nước thứ ba. Ảnh: EPA

Hiệp định DCFTA được ký kết năm 2014, là một phần quan trọng của Hiệp định liên kết EU-Ukraine, theo đó từng bước loại bỏ thuế quan, đặc biệt đối với hàng công nghiệp. Trong bối cảnh xung đột làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của Ukraine, việc cập nhật và mở rộng khuôn khổ DCFTA được cho là điều cần thiết.

Một ủy ban Quốc hội Ukraine ước tính, việc mất quyền tiếp cận thị trường EU ưu đãi có thể khiến quốc gia này thiệt hại gần 3 tỷ EUR mỗi năm. Theo Kyivindependent, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của nước này vào năm 2023 và hiện EU chiếm hơn 50% thương mại hàng hóa của Ukraine. Viện Nghiên cứu kinh tế nông nghiệp (IAE) có trụ sở tại Kiev cho biết, thương mại nông nghiệp giữa Ukraine và EU đạt gần 14,5 tỷ EUR vào năm 2024, vượt mức kỷ lục trước đó là gần 14 tỷ EUR vào năm 2022 là 3%.

The New Voice of Ukraine dẫn nguồn tin từ Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, đợt rà soát, đánh giá DCFTA sắp tới sẽ dựa trên 3 cơ chế chính: sân chơi bình đẳng (Ukraine sẽ tiếp cận được thị trường trong khi dần điều chỉnh các tiêu chuẩn sản xuất theo tiêu chuẩn của châu Âu); các điều khoản bảo vệ đáng tin cậy (có thể áp dụng các biện pháp hạn chế nếu hàng nhập khẩu tạo ra tác động bất lợi cho một trong hai bên); mở rộng luồng thương mại (đối với các mặt hàng nhạy cảm bao gồm đường, gia cầm, trứng, lúa mì, ngô và mật ong..).

Tính cạnh tranh cao

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại và an ninh kinh tế Maroš Šefčovič nhận định thỏa thuận này cân bằng, công bằng và thực tế, mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại EU-Ukraine. Kim ngạch thương mại hai bên hiện đạt khoảng 67 tỷ EUR, tạo thặng dư 18 tỷ EUR cho EU.

Dự kiến, sau khi hoàn tất rà soát pháp lý, thỏa thuận sẽ được trình lên Hội đồng EU để phê chuẩn, trước khi được thông qua chính thức tại Ủy ban liên kết EU-Ukraine. Thỏa thuận đồng thời thể hiện cam kết lâu dài, bền vững của EU trong việc hỗ trợ Ukraine hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường chung châu Âu. EC tuyên bố, thỏa thuận mới phản ánh cam kết không lay chuyển của EU trong việc hỗ trợ Ukraine bất chấp những thách thức do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Tuy nhiên, EC lưu ý thỏa thuận cũng tính đến sự nhạy cảm của một số ngành nông nghiệp do các quốc gia thành viên và nông dân EU nêu ra. Theo giới quan sát, việc tiếp cận không hạn chế vào thị trường nội bộ EU dành cho hàng nông sản xuất khẩu của Ukraine đã gây ra sự khó chịu ở nhiều nước. Đáng kể là ở Ba Lan, nơi nông dân phải vật lộn để cạnh tranh với các sản phẩm tương đối rẻ của Ukraine.

Theo HẠNH CHI TỔNG HỢP/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Link bài viết gốc