Dẫu khó vẫn không thể bỏ

VHO- Trong chuyến thăm Anh hiện tại, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phải làm một việc mà ngay từ đầu biết rằng chưa thể thành công. Không chỉ có vị Thủ tướng này hiện tại mà tất cả những người tiền nhiệm của ông Mitsotakis đều cũng đã làm, và rồi đây, tất cả những người kế nhiệm ông Mitsotakis cũng đều không thể không làm, cho dù không biết đến khi nào mới có thể thành công.

Dẫu khó vẫn không thể bỏ - Anh 1
 

Một phần của bức tường phù điêu dài 75m

Đó là sứ mệnh đòi Chính phủ Anh trả lại những mảnh phù điêu của bức tường phù điêu ở đền Partheon tại thành phố Acropolis cổ xưa của Hy Lạp.

Bức tường nổi tiếng thế giới này dài 75 mét, chạm khắc phù điêu từ những tấm đá nguyên khối và được coi là một trong những báu vật vô giá của nhân loại. Trong thế kỷ 19, hồi còn Đế chế Ottoman, chính quyền Anh đã tháo dỡ 56 mảng phù điêu to từ đó và đưa về Anh. Chúng được trưng bày ở Viện bảo tàng Anh từ đó cho đến nay. Phía Anh quả quyết là đã bỏ tiền ra mua chúng nên là chủ sở hữu hợp pháp. Phía Hy Lạp cáo buộc chính quyền Anh đã đưa 56 mảnh phù điêu này ra khỏi Hy Lạp theo cách bất hợp pháp nên đòi phía Anh giao trả. Thời nước Anh còn là thành viên EU, chuyện này tạm lắng xuống. Nó lại trở nên rất thời sự sau khi nước Anh ra khỏi EU. Vì nước Anh đã không còn là thành viên EU, EU chuyển sang công khai ủng hộ Hy Lạp trong chuyện này. Đền Partheon được xây dựng trong thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, được coi là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất và tuyệt diệu nhất của nhân loại. Đối với Hy Lạp, đền này không những chỉ có giá trị không thể cân đong đo đếm được về kiến trúc mà còn cả về lịch sử và văn hóa. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi cả về lý lẫn về tình, nhà nước và người dân Hy Lạp quyết tâm đòi phía Anh trả lại những gì đã lấy đi để bức tường phù điêu ở đền Partheon lại được toàn vẹn chứ không tiếp tục bị chia xẻ.

Đương nhiên là phía Anh đâu có chịu để cho “Của Caesar phải được trả lại cho Caesar”, như hàm nghĩa của câu ngạn ngữ cũng rất nổi tiếng ở châu Âu. Hy Lạp có đầy đủ cả lý lẫn tình trong việc đòi hồi hương những mảnh phù điêu trên từ Anh về Hy Lạp, nhưng lại không có đủ thế và lực thích hợp hiện tại để buộc phía Anh phải trả lại những gì khi xưa đã lấy đi. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết với thiện chí và thỏa thuận chính trị giữa hai bên. Và cần rất nhiều thời gian, rất nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí cả nhiều thế kỷ.

Một trường hợp tương tự là Ấn Độ đòi Anh trả lại viên kim cương Kohinoor hơn 105 carat (có nghĩa là Ngọn núi của Ánh sáng) của Ấn Độ được đưa từ Ấn Độ về Anh cũng trong thế kỷ thứ 19. Viên kim cương này hiện diện trên mũ niệm của người đứng đầu hoàng gia Anh. Trên thế giới còn có nhiều chuyện cùng bản chất như vậy giữa các nước chiếm hữu thuộc địa và các quốc gia bị chính quyền thực dân châu Âu đô hộ.

Những gì bị bên ngoài lấy đi như viên kim cương của Ấn Độ hay những mảnh phù điêu đá ngọc bích ở đền Partheon, đều là một phần của văn hóa và lịch sử các quốc gia liên quan, chứa đựng trong đó một phần bản sắc dân tộc và văn hóa của các nơi đó. Cho nên không có gì là khó hiểu khi các nơi đó kiên trì quyết tâm và mục tiêu đòi lại cho dù việc đòi lại này rất khó. Nhưng cũng chính vì việc ấy rất khó và chưa biết đến khi nào mới có thể kết thúc thành công nên việc đòi lại càng cần phải được kiên trì thúc đẩy, phải được coi là sứ mệnh lịch sử của từng công dân và của cả dân tộc, cả đất nước.

Ông Mitsotakis chưa thể hồi hương được 56 mảnh phù điêu, nhưng không thể không đề cập việc này với Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Con người và nhà nước quốc gia trong thế giới hiện đại không thể thay đổi được quá khứ lịch sử đã qua, nhưng có thể và phải dần khắc phục những hậu quả, hệ lụy và di sản mờ ám của quá khứ lịch sử, đặc biệt và trước hết về văn hóa. 

 THỤC LINH

Ý kiến bạn đọc