Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung: Những quân bài được sắp xếp lại
VHO - Chính quyền Trump bất ngờ nới lỏng kiểm soát chip với Trung Quốc, mở ra khả năng về một "siêu thỏa thuận" đổi đất hiếm lấy công nghệ. Phải chăng cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang sang trang mới?

Theo bình luận của Học viện Trung Quốc (thechinaacademy.org) mới đây, chính sách kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc của Mỹ, từng được coi là "tài sản chiến lược mới", đang có dấu hiệu nới lỏng từ chính quyền Trump. Liệu đây có phải là tín hiệu cho một "thỏa thuận công nghệ lớn" giữa hai siêu cường, nơi các lằn ranh đỏ từng được tuyên bố là bất khả xâm phạm giờ đây lại trở thành những quân bài trên bàn đàm phán?
Có thể thấy, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc đầy phức tạp, một sự thay đổi đáng kể đang diễn ra trong cuộc chiến công nghệ giữa hai quốc gia này. Quyết định gần đây của chính quyền Trump về việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc đã làm dấy lên suy đoán về một "thỏa thuận công nghệ lớn" đang hình thành. Điều này đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng, đặc biệt khi chính quyền Biden trước đây đã coi kiểm soát xuất khẩu là một "tài sản chiến lược mới" để duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ.
Từ "cứng rắn" đến "thỏa thuận"
Một bài báo của Bloomberg ngày 17.07 đã phân tích sâu về tình hình này, chỉ ra rằng dù Tổng thống Donald Trump từng dẫn đầu làn sóng cứng rắn chống lại Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông về cơ bản là một tổng thống "thỏa thuận", ưu tiên các lợi ích thực tế. Khi các cuộc trao đổi ngoại giao và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ đang được đẩy nhanh, ông Trump có khả năng tìm cách nới lỏng các hạn chế công nghệ có điều kiện để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm, tiếp cận thị trường và chống fentanyl. Các nhà phân tích tin rằng hai bên có thể đang dần hướng tới một loạt các thỏa thuận.
Kevin Xu, nhà đầu tư công nghệ và nhà sáng lập Interconnected Capital, nhận định: "Việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu chip H20 là một tín hiệu rõ ràng và có thể cho thấy hướng đi sắp tới của mọi thứ. Hiện có rất nhiều chip trên bàn đàm phán, và các điều kiện đã chín muồi cho một cuộc mặc cả lớn về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ - một cuộc mặc cả có thể liên quan đến thiết bị sản xuất chất bán dẫn, đất hiếm, công nghệ pin, chip AI, và thậm chí cả khả năng tiếp cận thị trường chung".
Sự thay đổi chiến lược này đã khiến những người theo chủ nghĩa diều hâu với Trung Quốc ở Mỹ phản ứng và đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu Mỹ sẽ nới lỏng đến mức nào các hạn chế đã áp đặt trước đây dưới danh nghĩa "an ninh quốc gia" khi Tổng thống Trump mở đường cho một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc vào nửa cuối của năm nay?
Đất hiếm, thuế quan và các lợi ích trao đổi
Chỉ vài tháng trước, Tổng thống Trump đã đẩy hai nước đến bờ vực "tách rời" bằng cách áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó tại Geneva và London đã dẫn đến một thỏa thuận tạm dừng áp dụng các mức thuế mới. Mỹ đã đồng ý giảm thuế và nới lỏng kiểm soát xuất khẩu để đổi lấy việc Trung Quốc xuất khẩu nam châm đất hiếm được sử dụng trong điện thoại thông minh, xe điện và sản xuất vũ khí công nghệ cao.
Dominic Chiu, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, nhận định: "Ông ấy (Tổng thống Trump) không bị ám ảnh bởi việc kiểm soát mọi thứ. Nếu ông ấy coi một chính sách là con bài mặc cả có thể khiến Trung Quốc nhượng bộ về đất hiếm hoặc các vấn đề khác, ông ấy sẽ sử dụng nó".
Đối với chính quyền Trump, mục tiêu này có thể tương tự như nhiệm kỳ đầu của ông: thúc đẩy Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ với số lượng lớn, góp phần giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại dai dẳng của Mỹ. Ông Trump cũng có thể yêu cầu Trung Quốc hành động nhiều hơn để hạn chế sản xuất fentanyl, một vấn đề mà vào ngày 16.07, ông đã ca ngợi vì đã có "một bước tiến lớn". Chính quyền Trump cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề hoạt động của TikTok tại Mỹ và muốn Bắc Kinh đảm bảo rằng việc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm sẽ không bị "vũ khí hóa".
Về phía Trung Quốc, danh sách mong muốn của họ bao gồm: xóa bỏ hoàn toàn thuế quan (kể cả mức thuế 20% liên quan đến fentanyl và các mức thuế cũ), nới lỏng các hạn chế đầu tư, và quan trọng nhất là Mỹ phải nhượng bộ hơn nữa về kiểm soát xuất khẩu.
Kurt Tong, cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong, và Gerard DiPippo, Phó Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Tập đoàn RAND, đều nhận định rằng trong khi chính quyền Biden theo đuổi chiến lược "sân nhỏ, hàng rào cao" đối với các hạn chế về công nghệ và coi đó là chiến lược "không thể thương lượng", thì chính quyền Trump lại có trọng tâm khác. Ông Trump muốn chứng minh rằng chiến lược đàm phán của mình có thể mang lại kết quả cho người dân Mỹ. "Ông ấy quan tâm đến thương mại, thâm hụt, đầu tư vào Mỹ và có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc", ông Tong nói.
Giọng điệu mềm mỏng và những lo ngại
Một bài báo khác của Bloomberg ngày 16.07 cũng nhận định rằng, trong nỗ lực đảm bảo một hội nghị thượng đỉnh với giới lãnh đạo Trung Quốc và một thỏa thuận thương mại tiềm năng, Tổng thống Trump đã bắt đầu "làm dịu giọng điệu của mình đối với Trung Quốc". Kể từ khi trở lại nắm quyền đầu năm nay, ông Trump phần lớn đã ngừng nhắc đến “thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc và hậu quả là mất việc làm”.
Hiện tại, ông dường như ít quan tâm đến cái gọi là “mất cân bằng thương mại” mà tập trung hơn vào việc đạt được một thỏa thuận mua sắm mới với Trung Quốc – tương tự như những thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu của ông – và nhanh chóng ăn mừng nó như một “chiến thắng”. Điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã ghi nhận mức thặng dư thương mại kỷ lục trong nửa đầu năm nay nhờ xuất khẩu bùng nổ.
Tuy nhiên, những người trong cuộc cũng bày tỏ lo ngại về cách tiếp cận chính sách thiếu nhất quán của Tổng thống Trump. Những diễn biến gần đây càng làm sâu sắc thêm những lo ngại đó: những lằn ranh đỏ mà Mỹ từng khẳng định là không thể thương lượng với Trung Quốc giờ đây dường như đang được đặt lên bàn đàm phán như những con bài mặc cả.
Trước đó hôm 11.7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Rubio đã có cuộc gặp tại Kuala Lumpur, nhất trí tăng cường các kênh ngoại giao và tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác mở rộng. Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung có lẽ đang bước vào một giai đoạn mới, nơi các nguyên tắc cứng rắn có thể được đổi lấy những lợi ích thực dụng, định hình lại cục diện quan hệ song phương và toàn cầu.
Theo VŨ THANH/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc