Pakistan và Ethiopia:
Cô dâu nhí tăng vọt do… biến đổi khí hậu
VHO - Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng mất mùa, nạn đói và nhiều bé gái mới hơn 10 tuổi đã bị bố mẹ gả chồng để đổi lấy tiền cho gia đình sống qua ngày. Điều đó đã đẩy những bé gái vốn đã chịu nhiều thiệt thòi lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn.
Theo số liệu của chính phủ Pakistan, số trẻ em nữ kết hôn trước 18 tuổi ở quốc gia này đang cao thứ sáu thế giới. Tỷ lệ kết hôn của trẻ em gái vị thành niên ở Pakistan đã giảm dần trong những năm gần đây, nhưng sau trận lũ lụt chưa từng có vào năm 2022, tỷ lệ tảo hôn hiện đang gia tăng do tình hình kinh tế bất ổn và do biến đổi khí hậu. Nhiều ngôi làng đến nay vẫn chưa phục hồi sau trận lũ năm 2022, khiến 1/3 Pakistan chìm trong nước, hàng triệu người phải di dời và phá hủy mùa màng.
Mashooque Birhmani, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Sujag Sansar, một tổ chức hợp tác với các học giả tôn giáo để chống lại nạn tảo hôn cho biết: “Điều này đã dẫn đến một xu hướng mới là: Cô dâu mùa gió mùa. Các gia đình sẽ tìm mọi cách để sinh tồn. Cách đầu tiên và rõ ràng nhất là gả con gái đi để đổi lấy tiền. Kể từ trận lũ năm 2022, nạn tảo hôn đã gia tăng ở các ngôi làng thuộc huyện Dadu, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và trong nhiều tháng nơi này như một cái hồ đầy nước”.
Tại làng Khan Mohammad Mallah, Shamila 14 tuổi và em gái Amina 13 tuổi đã bị gả bán để đổi lấy tiền mua thức ăn - một quyết định mà cha mẹ họ đưa ra để giúp gia đình sống sót trước mối đe dọa của lũ lụt. Cùng tổ chức lễ cưới với hai cô bé này, 45 cô gái vị thành niên đã trở thành vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mẹ chồng của Shamila, Bibi Sachal cho biết, họ đã đưa 200.000 rupee Pakistan (khoảng 18 triệu đồng) cho cha mẹ cô dâu trẻ - một số tiền lớn ở khu vực mà hầu hết các gia đình chỉ sống với mức 1 USD (tương đương 25.000 đồng) một ngày.
Najma Ali, kết hôn khi mới 14 tuổi, chia sẻ rằng cô đã hình dung ra một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng rồi lại thấy mình đang sống ở nhà với chồng và con. “Chồng tôi đã đưa cho bố mẹ tôi 250.000 rupee để làm đám cưới. Nhưng đó là khoản vay mà giờ anh ấy không có cách nào trả lại được. Bây giờ tôi lại có con nhỏ và chúng tôi không có gì để ăn”, cô kể khi đang bế đứa con 6 tháng tuổi của mình.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã báo cáo “những bước tiến đáng kể” trong việc giảm tảo hôn, nhưng bằng chứng cho thấy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến các bé gái gặp nguy hiểm. “Chúng tôi dự kiến tỷ lệ tảo hôn tăng 18%, tương đương với việc xóa bỏ 5 năm tiến bộ”, báo cáo của UNICEF sau trận lũ năm 2022 cho biết.
Cũng theo UNICEF, các khu vực bị hạn hán ở Ethiopia đang chứng kiến tình trạng tảo hôn gia tăng đáng kể, vì tình trạng khẩn cấp do khí hậu gây ra tồi tệ đã đẩy nhiều người dân ở nước này đến bờ vực. UNICEF cho biết, trải qua 3 năm bị hạn hán liên tiếp, hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi (bao gồm một số địa phương của Ethiopia, Somalia, Kenya và Djibouti), đang phải đối mặt với nạn đói, tình trạng suy dinh dưỡng và buộc phải di cư hàng loạt. “Nhiều bé gái ở Ethiopia hiện đang bị ép kết hôn khi còn quá nhỏ, vì cha mẹ các em muốn có được của hồi môn từ nhà trai để có thêm nguồn tài chính nuôi sống gia đình, đồng thời hy vọng con gái của mình sẽ được những gia đình giàu có hơn nuôi dưỡng và bảo bọc”, bà Catherine Russell - Giám đốc UNICEF lên tiếng.
Trích dẫn dữ liệu của chính quyền địa phương, UNICEF cho biết, một số khu vực đang chứng kiến sự gia tăng mạnh các vụ tảo hôn. Tại khu vực Đông Hararghe, nơi sinh sống của 2,7 triệu người, số vụ tảo hôn đã tăng 51%. Cũng theo UNICEF, đây chỉ là một trong 6 khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở Oromia đã chứng kiến sự gia tăng mạnh số vụ tảo hôn. Trên khắp các khu vực của vùng này, số trường hợp tảo hôn đã tăng gần 4 lần. Theo dữ liệu vào cuối tháng 4.2022, 672 trường hợp tảo hôn đã được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2021, nhưng trong giai đoạn 6 tháng, từ tháng 9.2021 đến tháng 3.2022, con số này đã tăng vọt lên 2.282.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng nạn tảo hôn khá nghiêm trọng tại vùng Oromia. Tại đây, hơn 600.000 trẻ em cũng được cho là đã bỏ học do hạn hán. Việc tảo hôn lấy đi tất cả các cơ hội của trẻ em gái, khiến các em dễ sinh con sớm hơn và nhiều hơn. Do còn quá nhỏ, các em cũng không đưa ra được các đề nghị về tình dục an toàn với bạn đời của mình. Các em sẽ phải đối mặt hết vấn đề này đến vấn đề khác như một cái vòng lẩn quẩn”, bà Russel cảnh báo.
Theo UNICEF, hạn hán đã đe dọa những nỗ lực của Ethiopia trong việc giảm tỷ lệ tảo hôn, vốn đang ở mức cao nhất thế giới. Theo dữ liệu nhân khẩu học năm 2016, 40% trẻ em gái ở quốc gia Đông Phi này kết hôn trước 18 tuổi và 14% kết hôn trước 15 tuổi.