Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc USAID ngừng hoạt động

TÙNG QUANG

VHO - Việc ngưng các dự án hỗ trợ của USAID tại Việt Nam sẽ tác động mạnh đến an toàn của con người, môi trường cũng như cuộc sống của người dân tại các khu vực có dự án.

Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc USAID ngừng hoạt động - ảnh 1
Khu vực được xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà. Ảnh: Bảo Sơn

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay 13.2, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam hết sức quan tâm đến các quyết định của phía Hoa Kỳ với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong nhiều năm qua, thông qua nhiều cơ chế, hình thức hợp tác khác nhau trong đó có USAID, hai nước đã hợp tác rất hiệu quả trong y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai và đặc biệt là hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh.

“Các dự án viện trợ của Hoa Kỳ đã phát huy hiệu quả tại rất nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân tại các khu vực có dự án.

Việc ngưng các dự án hỗ trợ của USAID, nhất là các dự án rà phá bom mìn hoặc tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, sẽ tác động mạnh đến an toàn của con người, môi trường cũng như cuộc sống của người dân tại các khu vực có dự án”, bà Hằng nói.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, các hỗ trợ của phía Hoa Kỳ và hợp tác của Việt Nam trong tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam có ý nghĩa thiết thực góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, củng cố lòng tin và xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định quan điểm trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn cùng Hoa Kỳ triển khai thực chất hiệu quả các hoạt động hợp tác này, góp phần giúp quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn theo đúng tinh thần tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

* Trước đó, ngày 17.1.2025 tại Sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã tiếp ngài Marc Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra tình hình thực tế triển khai Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1…

Tại buổi kiểm tra, ngài Marc Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao về tiến độ, kết quả triển khai thực hiện Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 trong năm 2024.

Trong đó, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Quân chủng Phòng không - Không quân, USAID, Cục Khoa học quân sự, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội trong việc tổ chức triển khai Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên giai đoạn 1. Đặc biệt, việc triển khai đã hoàn thành thiết kế hạng mục công nghệ nhiệt xử lý đất nhiễm dioxin đợt 1 thuộc dự án. Hồ sơ thiết kế đã được Cục Khoa học quân sự, các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài Quân đội kịp thời thẩm định, được Bộ Quốc phòng phê duyệt vào tháng 11.2024 để triển khai thực hiện. Các hạng mục đào xúc, quan trắc, giám sát theo kế hoạch, nâng tổng khối lượng đất ở nhiễm dioxin được đào xúc từ năm 2019 đến nay lên hơn 107 nghìn m³, tổng diện tích được đào xúc, xử lý là 13 ha.

Ngài Marc Knapper và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến thống nhất về việc phối hợp và chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện Dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Khoa học quân sự, Văn phòng 701 và các cơ quan đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục đào xúc, xử lý theo kế hoạch.

Phối hợp chặt chẽ với USAID khẩn trương xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nhiệt cho dự án; tiếp tục phối hợp thực hiện giảm sát thi công, quan trắc môi trường, theo dõi sức khỏe công nhân theo nội dung được phê duyệt bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường, sức khỏe, an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện. Phối hợp với USAID, đơn vị tư vấn để xác định các nội dung, khối lượng công việc thực hiện trong phạm vi nguồn vốn được bổ sung, sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh dự án trình Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt.