Vở diễn Bên ánh Sao Khuê: Không dám gọi là “giải oan” cho Nguyễn Thị Lộ

VHO- Lệ Chi Viên là vụ thảm án gây chấn động trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bởi án oan này mà quan Đại thần Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bị triều đình kết tội giết vua Lê Thái Tông, dẫn đến tru di tam tộc.

Vở diễn Bên ánh Sao Khuê: Không dám gọi là “giải oan” cho Nguyễn Thị Lộ - Anh 1

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai

Tuy nhiên, trải qua 7 thế kỷ, vụ án Vườn Vải vẫn còn nhiều bí ẩn và tồn nghi về tính hợp lý của những lời cáo buộc… Tối 23.5 vừa qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở Bên ánh Sao Khuê (tác giả Nguyễn Văn Thịnh, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai) như một tiếng nói của hậu thế về kỳ án này.

Nữ đạo diễn tài năng của sân khấu Cải lương, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của bà khi dựng vở và cố gắng “giải oan” hai vị danh nhân, đặc biệt là Nguyễn Thị Lộ.

 P.V: Thưa đạo diễn, nhiều người cho rằng bà dám “ăn gan hùm” khi sử dụng nghệ thuật Cải lương để minh oan cho nhân vật Nguyễn Thị Lộ?

- NSND Hoàng Quỳnh Mai: Tôi và tác giả Nguyễn Văn Thịnh là thành viên của hội Những người tôn kính Ức Trai và Thị Lộ, mong muốn góp tiếng nói nhỏ nhoi của mình thôi chứ không dám gọi là “giải oan” mặc dù đây là câu chuyện đang ẩn chứa nhiều khúc mắc trong giới nghiên cứu lịch sử, chưa có lời giải thỏa đáng. Với góc độ cá nhân là một người ngưỡng mộ và trân trọng hai bậc tiền nhân, tôi luôn mong được thể hiện sự kính trọng của mình qua tác phẩm sân khấu, ngõ hầu góp phần thay đổi cách nhìn nhận về một câu chuyện mà hiện giờ vẫn nằm trong màn sương khói hư ảo.

 Từ nhiều năm nay, câu chuyện giải oan cho nhân vật Nguyễn Thị Lộ đã được giới nghiên cứu sử học trong nước mổ xẻ “nát nước”, nhưng đến giờ vẫn chưa thật rõ ràng. Vậy cơ sở nào để bà sử dụng nghệ thuật Cải lương nhằm chiêu tuyết cho nhân vật lịch sử này?

- Với Cải lương, chúng tôi tập trung khai thác những điểm tồn nghi trong lịch sử để hư cấu theo những xúc cảm sáng tạo. Coi như đặt một giả thiết từ những gì thiêng liêng nhất trong trái tim hậu thế đồng vọng tới các bậc tiền nhân; đồng cảm với nỗi oan khuất ngút trời bởi thảm án tru di tam tộc và tri ân các danh nhân thông qua nghệ thuật. Tôi cùng với các thành viên hội Những người tôn kính Ức Trai và Thị Lộ do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc là hội chủ, người đã xây dựng nên khu di tích Lệ Chi Viên, luôn hướng tâm về hai người. Tôi thờ các cụ tại gia đình mình và coi Lệ Chi Viên như quê hương thứ hai.

Năm nào vào ngày giỗ của các cụ (16.8 âm lịch), chúng tôi cũng về nơi này để thắp hương, tưởng niệm. Tôi mong muốn được góp chút sức lực nhỏ bé của mình bằng sân khấu Cải lương, thông qua tác phẩm Bên ánh Sao Khuê để bày tỏ khát khao được chiêu tuyết cho hai cụ, đúng ra là được bày tỏ sự tri ân, tôn kính của mình tới các bậc tiền nhân. Tất cả chỉ dừng lại ở mong muốn và lòng ngưỡng mộ, bởi họ là những bậc Thánh nhân trong lòng tôi.

Vở diễn Bên ánh Sao Khuê: Không dám gọi là “giải oan” cho Nguyễn Thị Lộ - Anh 2

 NSƯT Mạnh Hùng trong vai Ức Trai và NSƯT Thùy Dung vai Nguyễn Thị Lộ

 Thông qua tác phẩm Cải lương này và với nghệ thuật nói chung, bà có ý định vạch ra một con đường mới để giải oan cho Nguyễn Thị Lộ?

- Tôi không có ý định to tát đó, bởi tình yêu và lòng tôn kính là địa hạt thiêng liêng trong trái tim mỗi con người. Tôi và các nghệ sĩ chỉ dám coi đây là sự đồng vọng của hậu thế đối với các vị danh nhân trong lịch sử. Và đêm công diễn Bên ánh Sao Khuê là minh chứng của sự đồng cảm ấy: Trời mưa như trút nhưng rạp không còn một chỗ trống. Có những khán giả đã xem tới 16 lần mà vẫn rơi nước mắt, như ca sĩ Lê Thanh Phong, và đến tận lúc này anh mới được lên chụp ảnh với hai nghệ sĩ đóng vai cụ Ức Trai (NSƯT Mạnh Hùng), cụ Nguyễn Thị Lộ (NSƯT Thùy Dung).

Sau vở diễn, bà mong muốn điều gì để nỗi hàm oan của Nguyễn Thị Lộ tiếp tục được đưa ra ánh sáng?

- Tôi chắc rằng anh linh của hai bậc tiền nhân không cần hậu thế minh oan hay chiêu tuyết bởi họ là “Thiên sứ” đã làm xong sứ mệnh của mình với Tổ quốc và linh hồn họ mãi mãi bất tử, trường tồn với non sông Việt Nam. Với tôi, vở diễn này là nén tâm nhang để tưởng nhớ Người. Và qua đó, tôi mong sẽ chuyển tải được những hình tượng nhân vật lịch sử một cách thật xúc động, tìm được sự đồng cảm từ khán giả và kéo họ đến với sân khấu truyền thống.

 Xin cảm ơn đạo diễn!

 

 Tôi mong muốn được góp chút sức lực nhỏ bé của mình bằng sân khấu Cải lương, thông qua tác phẩm “Bên ánh Sao Khuê” để bày tỏ khát khao được chiêu tuyết cho hai cụ, đúng ra là được bày tỏ sự tri ân, tôn kính của mình tới các bậc tiền nhân. Tất cả chỉ dừng lại ở mong muốn và lòng ngưỡng mộ, bởi họ là những bậc Thánh nhân trong lòng tôi.

(Đạo diễn, NSND HOÀNG QUỲNH MAI)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc