Vở ballet Hàm Lệ Minh Châu: Sự gặp gỡ văn hóa Đông - Tây
VHO- Sau thành công của hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ, Những người khốn khổ…, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vừa ra mắt vở ballet Hàm Lệ Minh Châu tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các vị đại biểu tặng hoa và chúc mừng tập thể nghệ sĩ sau khi kết thúc vở diễn
Vở diễn thêm một lần nữa minh chứng cho thái độ sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của tập thể nghệ sĩ, diễn viên, để cống hiến một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao, tạo sức hấp dẫn cho nhạc kịch và ballet vốn dĩ được coi là kén khán giả lâu nay.
Xúc động với câu chuyện tưởng như đã cũ
Dựa trên truyền thuyết về An Dương Vương và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, Hàm Lệ Minh Châu kể về mối nhân duyên nhuốm màu bi kịch bởi những toan tính vụ lợi và cuộc đấu tranh nội tâm giữa bên tình - bên hiếu. Vở diễn đã mang đến một góc nhìn mới về câu chuyện tưởng như đã cũ, được kết cấu theo bốn phần với sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa mối tình của đôi trai gái trong xã hội hôm nay và mối tình đau khổ của Mỵ Châu - Trọng Thủy xa xưa, từ đó gợi lên những liên tưởng, suy ngẫm cho người thưởng thức.
Ê kíp sáng tạo của Hàm Lệ Minh Châu gồm Tổng đạo diễn - NSND Nguyễn Hồng Phong và 3 biên đạo múa: NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng, NSƯT Phan Lương, Nguyễn Minh Trang. Vở diễn có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội như NSƯT Phan Lương trong vai Trọng Thủy, Thu Hằng trong vai Mỵ Châu… Trang phục do NTK trẻ Duy Nguyễn thực hiện. Được dàn dựng bởi các biên đạo tài năng, Hàm Lệ Minh Châu đem đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hình thức thể hiện của múa ballet cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam và múa đương đại. Kết hợp với phần âm nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc trường phái ấn tượng Claude Debussy, có thể coi Hàm Lệ Minh Châu là điểm gặp gỡ, giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Có mặt tại đêm công diễn đầu tiên của Hàm Lệ Minh Châu có Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam NSND Phạm Anh Phương, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly, họ đều là những biên đạo nổi tiếng của nghệ thuật múa nước nhà và dĩ nhiên với con mắt nhà nghề, họ sẽ là những khán giả có phần khắt khe, khó tính. Hai vị biên đạo đã chia sẻ sự vui mừng khi xem Hàm Lệ Minh Châu và cho biết nhìn thấy sự trưởng thành và tiếp nối của một thế hệ trẻ tài năng. Các nghệ sĩ của Nhà hát đã có sự phối hợp ăn ý để tạo nên một vở ballet đỉnh cao, với phong cách biểu diễn mới mẻ, kỹ thuật biểu diễn điêu luyện, đầy cảm xúc. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, NSND Phạm Anh Phương xúc động: “Tôi thật sự cảm phục và yêu các nghệ sĩ, bởi trong hoàn cảnh 2 năm dịch vừa rồi, nghệ thuật bị đình trệ, việc tập luyện tác phẩm vô cùng khó khăn, nhưng Hàm Lệ Minh Châu đã chuyển tải được phong cách truyền thống của Nhà hát, đồng thời cũng mang những nét tìm tòi mới mẻ, xứng tầm là tác phẩm của một nhà hát quốc gia. Là người trong nghề, tôi đánh giá cao tâm sức của tập thể lãnh đạo và các nghệ sĩ khi dàn dựng một tác phẩm chất lượng như Hàm Lệ Minh Châu”.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã bày tỏ sự thích thú và ấn tượng trước lý giải về mối tình truyền kiếp của Mỵ Châu và Trọng Thủy ở phần mở đầu và kết thúc vở. Ê kíp sáng tạo đã tìm ra một giải pháp tuyệt vời cho một câu chuyện quen thuộc đối với người Việt Nam thông qua giấc mơ của đôi trai gái thời hiện đại. Đằng sau những toan tính, thù hận thì đến phút cuối cùng cái còn lại chính là tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thủy.
Cảnh trong vở “Hàm Lệ Minh Châu”
Lột tả thành công tâm lý nhân vật
Tổng đạo diễn NSND Nguyễn Hồng Phong cùng 3 biên đạo múa và dàn nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã có một cách kể rất riêng, hấp dẫn về truyền thuyết An Dương Vương và lý giải sâu sắc về mối tình đầy bi kịch của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Điều thú vị hơn cả đó là bằng kỹ thuật biểu diễn ballet, các nghệ sĩ trong các vai Trọng Thủy, Mỵ Châu, An Dương Vương, Triệu Đà… đã lột tả thành công những mâu thuẫn, xung đột, tâm lý nhân vật một cách sâu sắc. Có những cảnh diễn ấn tượng và xúc động như Trọng Thủy nằm bên Mỵ Châu mà lòng như lửa đốt khi phải đấu tranh giữa tình yêu và trách nhiệm; cảnh Thục Phán An Dương Vương sửng sốt khi phát hiện cô công chúa yêu lại là người tiếp tay cho giặc; cảnh Trọng Thủy lần theo dấu lông ngỗng rồi đau đớn khi ôm xác Mỵ Châu… Xem Hàm Lệ Minh Châu mới thấu hiểu hết những lời thơ đầy ai oán, chua xót của Tố Hữu trong bài Tâm sự: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu…”.
Điểm thành công hơn cả đó là Hàm Lệ Minh Châu đã xây dựng thành công nhân vật Trọng Thủy, vốn dĩ bị người đời phê phán khi phản bội tình yêu trong sáng của Mỵ Châu, thì ở vở ballet này, nghệ sĩ trong vai Trọng Thủy đã mang tới một góc nhìn mới mẻ khi lột tả được tâm trạng bắt buộc phải thực hiện trọng trách của cha và đất nước giao phó dẫn tới phản bội lại người vợ hiền. Có thể thấy sự mâu thuẫn và đầy day dứt của Trọng Thủy qua những màn múa mà nghệ sĩ thể hiện, khiến cho nhân vật không hề nhu nhược, không hề thù hận mà đầy nam tính với những diễn biến tâm lý phức tạp và một tình yêu son sắt với nàng Mỵ Châu. Điều đọng lại đối với khán giả đó chính là sự day dứt lương tâm khi Trọng Thủy phải phụ bạc người vợ mà chàng hết mực yêu thương.
Vượt qua thời đại, không gian và thời gian, khán giả đã có phần đồng cảm và chia sẻ với mối tình của Trọng Thủy - Mỵ Châu khi họ bắt buộc phải làm những điều mà mình không muốn. Cái kết có hậu ở thời hiện đại cũng làm cho khán giả thoả mãn, khi mà mọi toan tính, thù hận trở nên vô nghĩa trước tình yêu bất diệt.
HIỀN LƯƠNG; ảnh: N.H