Vang bóng một thời: Thông điệp gìn giữ thiên lương

VHO- Nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987), Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt vở kịch Vang bóng một thời, cảm tác từ tập truyện ngắn cùng tên của ông. Tác phẩm được đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu, mang tới thông điệp: Cái đẹp luôn được tôn vinh như những gì thánh thiện nhất trong những thứ giản đơn tưởng chừng như xưa cũ…

Vang bóng một thời: Thông điệp gìn giữ thiên lương - Anh 1

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự buổi công diễn ra mắt vở động viên các nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc

 Cốt truyện, tình tiết vở kịch được lấy chủ yếu từ ba truyện ngắn: Chữ người tử tù, Chém treo ngành, Những chiếc ấm đất. Quản ngục (nghệ sĩ Văn Hải thủ vai) vốn là tên cai ngục độc ác nhưng lại yêu thích cái đẹp như trà đạo, thư pháp. Trong khi đó, Huấn Cao (nghệ sĩ Anh Tuấn thủ vai) nổi tiếng với tài viết chữ nhanh và đẹp, vì chống lại triều đình mà trở thành tử tù. Vì muốn có chữ của Huấn Cao, Quản ngục đã lệnh cho Viên thư lại (nghệ sĩ Lâm Cương) phải tìm mọi cách, kể cả tra tấn để bắt Huấn Cao viết bằng được. Song dẫu chịu bao đòn roi đau đớn, người tử tù vẫn một mực kiên định không cho chữ, bởi ông quan niệm, chữ chỉ dành cho người xứng đáng có thiên lương cao quý. Dù cận kề cái chết, ông cũng không một lần hối hận về con đường mình đã chọn: “Chết vinh còn hơn sống nhục”!

Đối mặt với Huấn Cao và những tình huống trớ trêu mà vợ (NSND Lệ Ngọc), con trai, con gái và cha vợ phải đối mặt khi mang thân phận là người thân của kẻ cai ngục độc ác, Quản ngục dần được cảm hóa và quyết tâm thay đổi nhân tâm. Cuộc gặp gỡ trong ngục tối trước khi Huấn Cao bị chém đầu là giây phút Quản ngục và người tử tù cùng gặp nhau ở nhận thức về cái đẹp và thiên lương để làm nên “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” - cho chữ trong nhà giam. Cũng chính sự thăng hoa của cái đẹp và thiên lương đã khiến đao phủ Bát Lê (nghệ sĩ Quang Tú) vốn nổi danh với thuật chém đầu người vô cùng sắc ngọt đã không thể xuống tay với Huấn Cao mà chọn lựa kề đao vào cổ mình. Cái kết bi hùng ấy đã để lại nhiều xúc cảm vỡ òa nơi người xem khi điều đẹp đẽ chiến thắng cái xấu xa, thiên lương chiến thắng tội ác.

Vang bóng một thời: Thông điệp gìn giữ thiên lương - Anh 2

 Thiết kế sân khấu của “Vang bóng một thời” đơn giản nhưng ấn tượng

NSƯT Bùi Như Lai cho biết, ông đã chịu nhiều áp lực vì cái bóng vĩ đại của nhà văn Nguyễn Tuân, cố gắng tìm tới tinh thần cốt lõi của tác phẩm. Vốn có nhiều mảng miếng dàn dựng thiên về ngôn ngữ hình thể nhưng ở vở này, đạo diễn ít dùng “chiêu trò” mà tận dụng mọi thủ pháp nghệ thuật phụ trợ để tôn vinh nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sân khấu thiết kế rất đơn giản chỉ với hai song sắt nhỏ đã hóa trại giam hay gia đình quản ngục. Nghệ thuật thư pháp thuần Việt được trang trọng thể hiện ở cả hai không gian này, sự ước lệ trong trang trí thể hiện rất rõ. Đạo diễn Bùi Như Lai đã tìm ra chìa khóa để tạo nên thành công của vở diễn: Tập trung khai thác đến mức cao nhất nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Trang trí, phục trang, âm nhạc cũng theo nguyên lý kinh điển: Tôn nghệ thuật biểu diễn của diễn viên để làm nên một chỉnh thể. Giữa các cảnh, đạo diễn lựa chọn những trang văn hay nhất của nhà văn Nguyễn Tuân để dẫn dắt qua giọng đọc trầm bổng, tạo nét đẹp riêng của những trang sách đã đi vào lịch sử văn học nước nhà.

Dàn diễn viên với những tên tuổi của các nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, Hán Quang Tú, Văn Hải, Lâm Cương, Anh Tuấn… đã rất cố gắng để đạt tới yêu cầu của nhân vật mình thủ vai. Đặc biệt, với vai diễn Huấn Cao, diễn viên Anh Tuấn lợi thế hình thể, đài từ đẹp kèm với đó là chịu khó luyện tập vũ đạo để thể hiện tài viết chữ nổi danh cũng như nét đặc biệt của chất chí sĩ không khuất phục cường quyền. Vang bóng một thời, vở kịch mới nhất vừa được thai nghén trong giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, đã được Sân khấu kịch Lệ Ngọc đưa vào TP.HCM biểu diễn cùng nhiều vở diễn khác để phục vụ khán giả. 

 NGỌC CAO

Ý kiến bạn đọc