Trăn trở “chợ chiều” sân khấu kịch nói
VHO- Tại Hội thảo 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, nhiều nhà chuyên môn nhận định, kịch nói đang lâm vào cảnh “mất trắng khán giả” và đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể, thực tế nhằm “cứu” sân khấu thoát khỏi cơn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử phát triển suốt một thế kỷ qua.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và các nhà quản lý văn hóa, bchuyên gia, nhà nghiên cứu sân khấu tham gia hội thảo
Chẩn đoán “bệnh” của sân khấu kịch nói
Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sân khấu cùng đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật. Những ý kiến tham luận đều đánh giá cao về giai đoạn “hoàng kim” của kịch nói với hàng loạt những tác phẩm “đình đám”, người xem chật kín rạp. Tuy nhiên, ngay vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cũng không tránh khỏi những ưu tư, trăn trở khi ở thời điểm này, sân khấu Việt nói chung và kịch nói nói riêng gặp quá nhiều khó khăn, đặc biệt trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã đi thẳng vào vấn đề: “Kịch - thể loại hàng đầu của sân khấu Việt hiện đại đã mất trắng khán giả. Thử gạt bỏ lý do khách quan về đại dịch Covid-19, xét kịch là thể loại chủ chốt và cách sáng tạo vở diễn với nguyên lý tả thực thì việc mất trắng khán giả là do bản thân kịch đã đánh mất chính bản chất của nó - sự đối thoại với đương thời. Ở sân khấu kịch 5B, hơn một lần phải trả vé vì không có người xem, không đủ tiền trả tiền điện, chủ sân khấu âm tới 4 tỉ đồng phải lấy tiền nhà ra trang trải”.
Vở Ai là thủ phạm của Nhà hát Tuổi Trẻ
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì cho rằng, sân khấu kịch hiện nay là một chuỗi liên hoàn những bất cập. Trước hết, việc thiếu hụt khán giả khiến cho nguồn thu từ việc bán vé gần như không có; chế độ đãi ngộ kém, rất nhiều NSƯT, NSND vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ quá ít ỏi. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng. Điều này cũng khiến cho nhiều khoa đào tạo nghệ thuật sân khấu của các trường đại học khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể sống bằng nghề... NSND Trung Hiếu khẳng định: “Chính những bất cập đó khiến cho sân khấu kịch nói dần mai một trước tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc và đáng lo ngại”.
Là người đứng đầu Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ, bên cạnh yếu tố chủ quan từ các đơn vị nghệ thuật chưa thực sự có hướng đi đúng, còn có nhiều cứng nhắc trong cách tiếp cận khán giả, thì yếu tố khách quan từ sự bùng nổ quá nhanh, quá mạnh của nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng đến việc khán giả đi xem kịch, đặc biệt là kịch chính luận. “Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm nghề nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp”, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết.
Chén thuốc độc”, vở kịch đầu tiên của sân khấu Kịch Việt Nam đã được dàn dựng và biểu diễn trong dịp này
Tìm phương thuốc “đặc trị” cho kịch Việt
Trong bối cảnh khán giả được tiếp cận nhiều phương tiện thông tin, đòi hỏi nghệ sĩ sân khấu phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để dàn dựng những vở diễn đặc sắc, kết hợp hài hòa với các loại hình nghệ thuật và đặc biệt là phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để vừa đảm bảo yếu tố “mãn nhãn”, vừa không mất đi nét đặc trưng của sân khấu kịch. “Chúng tôi hiểu nhu cầu và thị hiếu của khán giả để hoàn thiện mình, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn, không phải để chiều theo thị hiếu khán giả. Những vở diễn của Nhà hát đề cập những vấn đề bức thiết trong cuộc sống”, NSƯT Xuân Bắc nhận định.
Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen của người trưởng thành là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, việc tạo dựng thói quen và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nên bắt đầu từ những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo NSND Trung Hiếu: “Bộ GD&ĐT hằng năm vẫn luôn tích cực tìm tòi, phát triển và trăn trở nhiều về vấn đề cải cách giáo dục. Thiết nghĩ, tại sao không đưa nghệ thuật sân khấu vào chương trình chính khóa? Đây chắc chắn sẽ là một cải cách hiệu quả cao đối với học sinh các cấp”. Trên thực tế, các chương trình trải nghiệm sân khấu kịch nói, văn học, lịch sử… đã được Nhà hát Kịch Hà Nội giới thiệu tới một số trường trên địa bàn Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng, phản hồi tích cực từ Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh và đông đảo học sinh.
Vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam
Trong cơ chế thị trường vô cùng khắc nghiệt, Nhà hát Tuổi Trẻ luôn là một địa chỉ tin cậy mà khán giả trẻ tìm đến để mua vé xem biểu diễn. NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát bật mí: “Chúng tôi đang rất nỗ lực để bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp và thủ pháp hiện đại. Trên sân khấu đã xuất hiện những yếu tố của tạp kỹ, của nghệ thuật video, đưa kịch nói tiếp cận điện ảnh, mỹ thuật biểu diễn, mỹ thuật sắp đặt, những trò chơi dân gian, ca vũ dân gian… Đây là những thể nghiệm và thực nghiệm, góp phần đẩy kịch nói lên một tầm cao mới, theo kịp thời đại và trở thành một nhân tố không thể thiếu của nghệ thuật đương đại”.
Đạo diễn Lê Quý Dương thì cho rằng sự “tụt hậu” rất xa của sân khấu kịch Việt Nam so với sân khấu thế giới là hệ quả của nhiều nguyên nhân, và rất cần một cuộc “cách mạng” để thực sự kích thích những tìm tòi, sáng tạo mới. Trong đó có việc xác định hệ thống quản lý, tổ chức và vận hành đời sống sân khấu trên phạm vi cả nước; mở rộng cơ sở và chương trình đào tạo với việc giới thiệu và ứng dụng vào thực tiễn các trường phái sân khấu tiên tiến trên thế giới; đẩy mạnh giao lưu hợp tác và hội nhập với sân khấu quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài; quy hoạch lại một lần nữa toàn bộ hệ thống nhà hát và cơ sở hạ tầng dành riêng cho sân khấu… Điều đặc biệt cần được ưu tiên là ứng dụng sâu rộng nghệ thuật sân khấu vào học đường, như một hệ phương pháp giáo dục công dân, nâng cao văn hóa sân khấu cho dân trí và đầu tư bền vững cho những thế hệ khán giả tương lai.
Có thể nói, tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu kịch nói Việt Nam với nhiều hoạt động nghệ thuật sôi động là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành nghệ thuật biểu diễn trong việc khởi động hoạt động trở lại bình thường. Hội thảo 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển là một trong những hoạt động nổi bật. Không chỉ nhà tổ chức mà bản thân các đại biểu, những người tham luận cũng đã thể hiện rất rõ tinh thần, trách nhiệm đối với vận mệnh sống còn của một thể loại sân khấu vô cùng quan trọng như kịch nói. Những trao đổi thẳng thẳn và tâm huyết cũng đã phần nào mang lại cho những người làm nghệ thuật sân khấu kịch cũng như công chúng yêu thể loại sân khấu này có nhiều hy vọng, kịch nói sẽ là người đối thoại thân thiết, đáng tin cậy của công chúng Việt Nam thế kỷ XXI.
Quan trọng vẫn là đầu tư tác phẩm có chất lượng cao Bộ VHTTDL đã đưa đề án giáo dục học đường vào Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam, Bộ cũng đang lên kế hoạch để triển khai chương trình lớn để tác phẩm của các nhà hát được phổ biến, lưu diễn trong năm 2022. Đây là những nỗ lực nhằm đưa nghệ thuật sân khấu bám sát hơn với thị trường, đến với khán giả nhiều hơn. Thời gian tới, các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ phải quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là về kịch bản, diễn xuất... Các đơn vị cần đầu tư kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận với những hình thức thể hiện sân khấu mới, tập trung sáng tạo tác phẩm xứng tầm, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu kịch nói để tập trung được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm đầu tư các tác phẩm chất lượng cao... để kịch nói vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển lên tầm cao mới. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG) |
THÚY HIỀN