Tài năng biểu diễn Múa - 2020: Hơi thở cuộc sống đầy ắp qua ngôn ngữ Múa

VHO- Đó là nhận xét của NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của “Tài năng biểu diễn Múa - 2020” vừa có hai đêm tranh tài sôi nổi tại Nhà hát Quân đội, TP.HCM. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 100 thí sinh đến từ các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật và thí sinh tự do cả nước tham dự.

Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTT TP Hà Nội, Sở VHTT TP.HCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Tài năng biểu diễn Múa - 2020: Hơi thở cuộc sống đầy ắp qua ngôn ngữ Múa - Anh 1

Thí sinh tự do Bùi Thanh Ngân gây ấn tượng với tiết mục “Tái sinh”

Sức lan tỏa lớn

Trong hai đêm tranh tài ở TP.HCM (dành cho các thí sinh khu vực phía Nam), khán giả có dịp thưởng thức hơn 30 tiết mục biểu diễn của các thí sinh đến từ các đơn vị: Trường Trung cấp Múa TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch TP.HCM, Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Bình Phước, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Ca múa nhạc Đam San (Gia Lai), Trường Năng khiếu nghệ thuật - TDTT tỉnh Vĩnh Long cùng nhiều thí sinh tự do và thí sinh ở đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, cùng nhau mang đến cuộc thi những tiết mục đặc sắc, mới lạ.

Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng BTC cuộc thi, nghệ thuật Múa đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần và cũng là bộ môn nghệ thuật đang thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cuộc thi lần này đã mở rộng phạm vi đối tượng tham gia và tất cả các đêm thi đều được phát trực tiếp trên kênh Youtube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”, điều này vừa tạo thuận lợi cho khán giả yêu thích nghệ thuật Múa có thể theo dõi tại nhà, vừa là để quảng bá hình ảnh nghệ thuật Múa Việt Nam ra thế giới một cách nhanh chóng, đồng thời cũng nhằm hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch. “Chúng tôi mong rằng thông qua cuộc thi, mỗi thí sinh sẽ có cơ hội thể hiện đam mê, bùng cháy hết mình để tỏa sáng, đây cũng là một trong những thử thách trên con đường chinh phục nghệ thuật mà các nghệ sĩ biểu diễn múa sẽ vượt qua, tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp và gặt gái những thành công trong tương lai, để cùng nhau ghi thêm những trang sử mới cho nghệ thuật Múa Việt Nam”, NSND Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.

“Tài năng biểu diễn Múa - 2020”, bên cạnh những giám khảo là chuyên gia, nghệ sĩ Múa trong nước như NSND Phạm Anh Phương (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam), NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát vũ kịch Việt Nam), ThS Đoàn Phúc Linh Tâm (Trưởng khoa Múa Dân gian dân tộc Trường Trung cấp Múa TP.HCM), BTC đã mời thành phần giám khảo là người nước ngoài như Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan Arthur Kuggeleyn, Biên đạo múa Alexander Tú (Giám đốc nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật SOUL)...

Tài năng biểu diễn Múa - 2020: Hơi thở cuộc sống đầy ắp qua ngôn ngữ Múa - Anh 2

Thí sinh Ngô Thị Quỳnh Giao, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) với tiết mục múa “Mnham” (Dệt)

Thể hiện được những thông điệp của cuộc sống

Đánh giá ban đầu về các tiết mục dự thi khu vực phía Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo NSND Phạm Anh Phương chia sẻ, hơn 100 thí sinh tham gia đều là những bạn trẻ có đam mê cháy bỏng với nghệ thuật Múa, mong muốn được bộc lộ và thể hiện chính mình, muốn tìm hiểu giới hạn của bản thân qua bộ môn nghệ thuật mà họ đã lựa chọn... Đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi chia thành nhiều bảng theo các dòng ngôn ngữ Múa, điều này là một tiến bộ rất lớn, thể hiện tính chuyên nghiệp cao hơn so với các cuộc thi trước đây. Về chất lượng cuộc thi, theo NSND Phạm Anh Phương, tuy chưa thể nói được hết nhưng các tiết mục ban đầu ở khu vực phía Nam đã cho thấy có sự đa dạng về đề tài và nội dung tiết mục thể hiện được những thông điệp của cuộc sống. “Không chỉ là những trích đoạn của múa cổ điển châu Âu, thuộc thể loại khó, mang tính hàn lâm, mà còn có cả những đề tài về cách mạng, văn hóa dân tộc sâu sắc, cũng có những đề tài mang tính tự sự đi vào đời sống, những màn biểu diễn theo phong cách hiện đại rất sinh động, làm mãn nhãn người xem... Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các bạn trẻ đã biết khai thác những chất liệu gần gũi với hiện thực đời sống, đưa hơi thở đương đại vào cuộc thi một cách có đầu tư, có chiều sâu. Chúng tôi cũng đã phát hiện được những nhân tố thực sự tài năng... Sau khi cuộc thi diễn ra khu vực phía Bắc nữa mới có được cái nhìn tổng quan hơn, nhưng trước mắt chúng tôi thấy hài lòng”, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ.

Tại khu vực phía Bắc, các thí sinh sẽ có ba đêm tranh tài, từ ngày 13 đến 15.10, tại Nhà hát Âu Cơ. Theo quy chế, Cuộc thi tổ chức 1 vòng trực tiếp và chia 4 bảng với 4 phong cách múa. Bảng A: Ballet cổ điển châu Âu và Ballet hiện đại (dành cho cá nhân); Bảng B: Đương đại (dành cho cá nhân); Bảng C: Dân gian dân tộc, Dân gian đương đại và truyền thống (dành cho cá nhân, tập thể) và Bảng D: Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ, kỹ thuật, kỹ xảo của các thể loại nhảy múa đương đại như: Hiphop, Popping, Breakdance, Loocking, Wacking…(dành cho cá nhân và tập thể). Thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích các thí sinh đăng ký dự thi các tác phẩm múa mới sáng tác.

“Tài năng biểu diễn Múa - 2020” nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên các tài năng trẻ đã dành nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nghệ thuật Múa trong những năm qua tiếp tục được thể hiện tài năng; là dịp để các diễn viên múa giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ về kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng các tiêu chí của các cuộc thi Múa khu vực và quốc tế. BTC sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc ở các bảng thi. Lễ Tổng kết và trao giải vào ngày 17.10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc