Tái hiện nghi lễ hầu đồng trên sân khấu Cải lương - Xiếc
VHO- Nối tiếp thành công của Cây gậy thần với sự kết hợp giữa Cải lương và Xiếc, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục phối hợp dàn dựng và cho ra mắt tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt mang tên Thượng Thiên Thánh Mẫu.
Ê kíp sáng tạo chia sẻ tại Lễ khởi công dàn dựng tác phẩm
Hai vị đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN và NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN lại có cơ hội khẳng định sự phối kết hợp ăn ý khi chia sẻ những ý tưởng sáng tạo đầy mới lạ ở tác phẩm nghệ thuật này.
Sân khấu hóa những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh
Tại lễ khởi công dàn dựng tác phẩm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ: “Việc tái dựng nghi lễ hầu đồng và hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vô cùng khó đối với nghệ thuật sân khấu, nhưng nhìn vào ê kíp sáng tạo với sự tham gia của hai vị đạo diễn tên tuổi, tôi có nhiều niềm tin vào một tác phẩm đặc sắc, hấp dẫn và mới mẻ. Tôi càng yên tâm hơn khi vở diễn có cố vấn văn hóa tâm linh là TS Bùi Hữu Dược và Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hải Hậu”. NSND Trịnh Thúy Mùi cũng đánh giá cao sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo không mệt mỏi của hai vị đạo diễn, các anh đã làm cho đời sống sân khấu có được một không khí sáng tạo sôi nổi, tạo dấu ấn trong lòng đồng nghiệp và khán giả. “Chúng tôi, những người làm nghệ thuật nói riêng và khán giả nói chung đều mong chờ một tác phẩm nghệ thuật với đầy đủ ý nghĩa là món ăn tinh thần giá trị cao”, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.
Lê Thế Song, tác giả của kịch bản Thượng Thiên Thánh Mẫu, một trong những tác giả sân khấu có nhiều kịch bản dàn dựng nhất trong những năm gần đây chia sẻ, vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh, vị Đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tam Tứ phủ của người Việt. Vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu đưa người xem quay trở về với thời gian lịch sử trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn. Thương xót thế nhân với bao đau khổ loạn ly, chiến chinh và bệnh tật, Mẫu đã ba lần giáng hạ để cứu nhân độ thế, diệt kẻ tà gian, bạo ngược. Những huyền tích về Mẫu đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, vừa thấm đẫm chất thơ, vừa chuyển tải những triết lý nhân sinh cao đẹp. Trong những câu chuyện về Thánh Mẫu, ta thấy hiện lên yếu tố của tư duy cổ tích pha trộn với tư duy thần thoại, mang đậm màu sắc linh thiêng, huyền ảo, đó chính là những chất liệu phong phú giúp cho tư duy sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ được thỏa sức thăng hoa.
Hội tụ những nghệ sĩ tài năng của nhiều loại hình tham gia
Trong vở diễn này, khán giả sẽ lại bắt gặp sự hòa quyện tài tình giữa Xiếc, một nghệ thuật mang tính đương đại - cùng Cải lương, loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc. Từ đó, tính dân tộc và đương đại sẽ đan xen và cộng hưởng cùng nhau để làm nên một tác phẩm sân khấu với những sáng tạo nghệ thuật đích thực cùng những yếu tố mang tính giải trí cao, nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo các thế hệ khán giả, trong đó có những khán giả trẻ. NSND Hoàng Anh Tú sẽ đảm nhiệm phần sáng tác âm nhạc và với vở diễn lần này, anh đối diện với nhiều thách thức vì vừa phải đảm bảo sự đồng điệu của ngôn ngữ thanh âm trong sự tương quan với các thành phần sáng tạo, vừa phải phục vụ đắc lực cho đặc thù riêng của hai loại hình, lại vừa làm toát lên giá trị của nghệ thuật Hát văn, một thành tố tạo nên vẻ rực rỡ và linh thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Phần Hát văn sẽ do NSND Tự Long đảm nhiệm.
Chia sẻ việc mời nhiều gương mặt nghệ sĩ không mấy quen thuộc với sân khấu Cải lương và Xiếc tham gia chương trình, Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: “Chúng tôi muốn hội tụ những nghệ sĩ tài năng của nhiều loại hình tham gia để tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm. Điều quan trọng hơn cả, đó là sự đồng cảm trong khao khát được cống hiến và sáng tạo nghệ thuật giữa tôi, đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng hay các thành viên trong ê kíp sáng tạo như NSND Tự Long; NSND Hoàng Anh Tú; Họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng; Biên đạo múa, NSND Kim Chung... và toàn thể các cán bộ, nghệ sĩ của hai đơn vị”.
Dàn diễn viên tham gia Thượng Thiên Thánh Mẫu sẽ có nhiều cơ hội để vừa biểu diễn vừa tương tác với khán giả. Vở diễn có thời lượng khoảng 120 phút, thêm một lần nữa tôn vinh những giá trị vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc, hướng tới thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật và giải trí của nhiều tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế. Đồng hành với tác phẩm còn có vai trò của Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam, đó là lý do mà Thượng Thiên Thánh Mẫu có thêm cơ hội được phục vụ rộng rãi hơn các đối tượng khán giả trên khắp vùng miền Tổ quốc. Với những tư tưởng mới trong tổ chức biểu diễn và dàn dựng, giới nghệ thuật sân khấu có quyền hy vọng về một bản diễn sân khấu hấp dẫn qua hình tượng Thượng Thiên Thánh Mẫu.
HIỀN LƯƠNG