Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ

VHO- Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đã đi tới gần cuối chặng đường, sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, sự kiện thực sự là một “bữa tiệc” đa sắc màu, thanh âm và thấm đẫm xúc cảm. Đây cũng là dịp để những người làm sân khấu kịch nhìn lại mình để có những bứt phá trên hành trình chinh phục công chúng.

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ - Anh 1

 Vở “Thiên mệnh” của Nhà hát Kịch Việt Nam

 Có thể nói, Liên hoan đã chuyển tải thành công những lát cắt đa diện từ lịch sử, dân gian, dã sử cho đến những vấn đề nóng hổi tính thời sự của đời sống đương đại…

Những cuộc “đối thoại” với đương thời

Trao đổi với Văn Hóa, Phó Chủ tịch phụ trách nghệ thuật kiêm Trưởng ban sáng tác Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Giang Mạnh Hà nhận định: “Những tác phẩm tham dự Liên hoan năm nay đã chứng tỏ ưu thế của thể loại sân khấu tiên phong khi khai thác trực diện nhiều vấn đề của thời cuộc. Tất cả đều toát lên một tinh thần, đó là gửi gắm những thông điệp đầy tính nhân văn, để lại cho người xem những bài học về ứng xử giữa con người với con người, thái độ đối với gia đình, cộng đồng và đất nước”.

Bất ngờ hơn cả là nhiều tác phẩm đã tập trung khai thác đề tài lịch sử, dã sử nhưng lại mang góc nhìn mới với những lý giải mới, chứa đựng tính thẩm mỹ - giáo dục cao và có khả năng chinh phục khán giả hiện đại; có thể kể đến: Thiên mệnh (Nhà hát Kịch Việt Nam), Lau trắng (CLB Sân khấu thử nghiệm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Làm vua (Công ty TNHH Nghệ thuật Sân khấu Lệ Ngọc), Hà Thành chính khí (Nhà hát Kịch Hà Nội)…

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ - Anh 2

Vở Ngược chiều gió của Nhà hát Tuổi trẻ

Câu chuyện lịch sử về mối quan hệ phức tạp của ba nhân vật: Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đã được hai tác giả Nguyễn Đăng Chương và Chu Thơm khai thác, mổ xẻ, hóa giải gọn gàng, ấn tượng. Những câu thoại “đắt giá” của vua Đinh Tiên Hoàng do nghệ sĩ Văn Hải thể hiện đã khiến người xem cảm nhận được sự oai hùng mà giản dị, tình cảm mà quyết đoán, luôn sáng suốt trong hành động, tư duy của nhà vua: “Đặt vạc dầu giữa sân rồng củng cố nền pháp trị, bất cứ kẻ nào phá nước hại dân, dù ở đâu, chức tước gì, dòng dõi gia tộc nào cũng phải nghiêm trị. Làm vua, làm tướng, làm quan muốn thịnh trị vững bền phải đặt ngai vàng vào giữa lòng dân”. Cũng ở câu chuyện lịch sử này, nhưng Lau trắng của tác giả Chu Thơm lại có cách kể chuyện kết nối giữa hiện tại và quá khứ, làm bật lên câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga quyết định trao long bào, đưa Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi để bảo vệ giang sơn, xã tắc. Vở kịch nhẹ nhàng nhưng sâu sắc ở cách diễn và tư tưởng để người xem hiểu hơn về khoảnh khắc chuyển giao lịch sử của đất nước.

Với một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi như Thái sư Trần Thủ Độ, Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam đã chọn lát cắt ca ngợi ông trong vai trò cá nhân quan trọng để hình thành tư tưởng trị quốc an dân của nhà Trần. Một tay ông thu xếp để mở ra một vương triều mới khi nhà Lý đã đến hồi suy vong. Sự xuất hiện của Trần Thủ Độ ở thời điểm này như một tất yếu của lịch sử và được xem là “Thiên mệnh”. Câu nói: “Không thể có vùng cấm cho bất kể ai dám giẫm đạp lên kỷ cương phép nước” đã thể hiện rõ quan điểm “quân pháp bất vị thân” của Trần Thủ Độ. Sau này, khi An Quốc làm phản, ông cũng kiên quyết xử trảm anh trai, không vì thân thích, ruột thịt mà nương tay. Bên cạnh đó, vở kịch cũng cho thấy một Trần Thủ Độ với những quyết định đúng đắn trong việc sử dụng “hiền tài” như tin dùng Trần Quốc Tuấn - người được xem như con của kẻ tội đồ với triều đình. Chính nhờ công lao của Trần Thủ Độ mà sau này Đại Việt có một vị tướng quân lỗi lạc Hưng Đạo Đại Vương.

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ - Anh 3

Vở Tình mẹ của Hội Sân khấu Hà Nội

Có thể nói, dựng một vở kịch lịch sử đã khó, tạo được sức hấp dẫn đối với khán giả lại càng khó hơn, chính cách nhìn cởi mở, hiện đại cùng những sáng tạo nghệ thuật tươi mới đã giúp khán giả hiểu hơn, yêu hơn và trân trọng hơn lịch sử dân tộc.

Một trong những điểm yếu ở nhiều cuộc thi, liên hoan sân khấu những năm trở lại đây đó là còn ít kịch bản đề cập tới những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay. Vì vậy, những vở kịch đương đại đến với Liên hoan lần này tuy không nhiều nhưng cũng đáng được ghi nhận. Có những vở đã phản ánh được những xung đột, những mâu thuẫn tốt - xấu trong cơ chế thị trường, từ đó đề cao giá trị nhân văn, vẻ đẹp đích thực của chân - thiện - mỹ. Có thể ghi nhận ở một số tác phẩm như: Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam), Ngược chiều gió (Nhà hát Tuổi Trẻ), Đường chân trời (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Trái tim thành phố (Nhà hát Công an nhân dân), Hố đen (Nhà hát Kịch nói Quân đội)…

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ - Anh 4

 Vở “Làm vua” của Công ty TNHH Nghệ thuật Sân khấu Lệ Ngọc

Cần nhiều hơn những phép thử

Là một đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ, ông và đồng nghiệp đánh giá cao những nỗ lực, tìm tòi của ê kíp sáng tạo có tác phẩm dự thi lần này. “Các đạo diễn, đặc biệt là các bạn đạo diễn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng đã có nhiều tìm tòi, trăn trở, suy tư, cả những ý tưởng táo bạo để giải mã thành công cho kịch bản và vượt ra khỏi lối mòn của lớp đàn anh, đàn chị đi trước. Thành công của một số tác phẩm tại Liên hoan lần này là sự nỗ lực không chỉ của đạo diễn, tác giả hay ê kíp sáng tạo mà chính là ở sự nhạy bén của các giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật đã mạnh dạn, tin tưởng trao quyền cho giới trẻ dàn dựng tác phẩm đi thi”, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà nhận định.

Nói đến sự thành công của một tác phẩm sân khấu phải kể đến công việc sáng tạo của tác giả kịch bản và đạo diễn. Tác giả cung cấp chất liệu cho câu chuyện, còn đạo diễn là người đưa nó lên sàn diễn, vật chất hóa các ý tưởng thông qua tài năng biểu diễn của diễn viên. Bên cạnh những tên tuổi như: Chu Thơm, Nguyễn Đăng Chương, Xuân Đức, Hoàng Thanh Du… đồng nghiệp cũng ghi nhận một số đạo diễn trẻ đã bứt phá ra khỏi lối dàn dựng quen thuộc để thổi sinh khí mới cho từng vở diễn, như: NSND Trung Hiếu, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Phạm Đỗ Kỷ, Lê Quý Dương, Lê Thuý Nga… Không có quá nhiều những phép thử nổi trội về công tác đạo diễn tại Liên hoan nhưng họ đều đã chứng tỏ được bản lĩnh nghề nghiệp và nắm bắt được ý đồ của kịch bản, giúp cho nghệ sĩ biểu diễn có cơ hội tỏa sáng tài năng.

Bên cạnh công tác biên kịch, đạo diễn thì Liên hoan lần này đã thấy sự trưởng thành của những gương mặt diễn viên trẻ. Họ không chỉ có kỹ năng chuẩn chỉ mà còn thể hiện được tài năng thực sự của chính mình.

Sự trưởng thành của những gương mặt trẻ - Anh 5

Vở Làng song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội

Với vai trò Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, trong xu thế hiện nay, do yêu cầu đổi mới và phát triển của bản thân kịch nói, do đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của khán giả, sân khấu nói chung và kịch nói nói riêng cần giải quyết nhiều vấn đề, thách thức lớn mà trước hết và quan trọng nhất là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, giá trị về nghệ thuật, kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống; đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo khán giả. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần chú ý xây dựng, bồi dưỡng lực lượng trẻ để làm nguồn kế tiếp; đầu tư toàn diện, chú trọng tính sáng tạo và chất nghệ thuật để tạo ra những vở diễn hay, thu hút sự quan tâm của khán giả...

Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 được tổ chức đúng vào thời điểm Sân khấu kịch nói Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Tuy thiếu một bộ phận lực lượng nghệ sĩ sân khấu phía Nam, nhưng sự hiện diện của hơn 600 nghệ sĩ của 14 đơn vị sân khấu kịch nói cùng với 20 vở diễn đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của giới nghề trong thời điểm khó khăn nhất của sân khấu kịch nói riêng và cả ngành sân khấu nói chung. Việc vực lại sức sống cho thể loại kịch sau 100 năm đang là thách thức lớn của sân khấu Việt Nam hiện đại. 

 Các đạo diễn, đặc biệt là các bạn đạo diễn trẻ về tuổi đời, tuổi nghề nhưng đã có nhiều tìm tòi, trăn trở, suy tư, cả những ý tưởng táo bạo để giải mã thành công cho kịch bản và vượt ra khỏi lối mòn của lớp đàn anh, đàn chị đi trước. Thành công của một số tác phẩm tại Liên hoan lần này là sự nỗ lực không chỉ của đạo diễn, tác giả hay ê kíp sáng tạo mà chính là ở sự nhạy bén của các giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật đã mạnh dạn, tin tưởng trao quyền cho giới trẻ dàn dựng tác phẩm đi thi.

(NSND GIANG MẠNH HÀ)

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc