Sự thức tỉnh của lương tri

VHO- Vừa công diễn, vở kịch Nhân thế của Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo sự chú ý khi phản ánh những vấn đề “nóng” như nạn tham nhũng, sự thoái hoá về đạo đức, quan hệ gia đình trong đời sống xã hội hôm nay. Tác phẩm một lần nữa khẳng định dấu ấn của Nhà hát Kịch Việt Nam với chủ trương dàn dựng những tác phẩm hay, chất lượng ở đề tài chính kịch.

Sự thức tỉnh của lương tri - Anh 1

 Cô gái trẻ xinh đẹp đã chọn con đường đi không bình thường để đạt được mục đích của mình bằng mọi giá, bất chấp luân thường đạo lý

Tác giả kịch bản của Nhân thế là TS, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng, đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu. Vở diễn phản ánh chân thực những góc khuất trong xã hội đương đại, nội dung câu chuyện xoay quanh mối quan hệ phức tạp của một gia đình quan chức. Ngọc, cô gái trẻ xinh đẹp, sau khi trải qua nhiều biến cố, khó khăn và chịu sự tủi nhục đã quyết định thay đổi cuộc sống bằng “con đường tắt”. Cô đồng ý kết hôn với Thành - một người khiếm khuyết trí tuệ để đổi lại “quyền cao chức trọng”, của cải vật chất đủ đầy khi được làm dâu của vị quan chức cấp tỉnh. Tuy nhiên, cô không thể ngờ, khi bước chân vào “hào môn” cũng là lúc sa vào cạm bẫy tình ái của ông bố chồng tên Đạt. Ban đầu, phần “người” khiến cô nhận ra mối quan hệ đó là bất luân, trái đạo… nhưng vì mong muốn trả thù cho em trai nên cô đã chấp nhận. Bi kịch cứ thế đẩy lên cao trào khi hàng loạt các biến cố xảy ra. Cô gái trẻ đã chọn con đường đi không bình thường để đạt được mục đích của mình bằng mọi giá, gạt bỏ sang một bên những thứ thuộc về phạm trù đạo đức và luân lý, nhưng cái giá cuối cùng cô phải trả lại rất đắt. Bản thân ông Đạt sau khi trở thành công cụ trả thù cho Ngọc cũng bị đột tử vì những toan tính, căng thẳng.

Vở kịch đề cập tới nạn tham nhũng và sự tha hóa đạo đức của con người, nhưng cái khéo là đạo diễn và ê kíp dàn dựng đã không xoáy trực diện mà thiên nhiều khai thác về triết lý nhân quả để thấy được sự thức tỉnh của lương tri; sự tha hóa về đạo đức khi họ bằng mọi giá phải trả thù; sự tha hóa về nhân cách khi họ dâng cao tham vọng tiền bạc và quyền lực. Khi con người không đủ bản lĩnh thì ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng chỉ cách nhau một bước chân. Bóng tối hay sự tham lam luôn sẵn sàng nhấn chìm mỗi người nếu như chúng ta không biết thế nào là đủ. Đi qua màn đêm của những mưu đồ đen tối, con người ta nhận ra cái giá mình phải trả là quá đắt và mong muốn được xây dựng lại trang đời mới tốt đẹp hơn, để họ nhận ra rằng, bên cạnh vật chất, cuộc sống còn có nhiều giá trị tốt đẹp khác. Đó chính là những điểm sáng, những hy vọng, những điều tích cực mang ý nghĩa nhân văn mà vở diễn gửi gắm đến khán giả.

Sự thức tỉnh của lương tri - Anh 2

 Nhân thế” quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ sáng giá trên sân khấu kịch nói và truyền hình, họ đã thổi hồn cho từng mẫu nhân vật trong vở kịch

Nhân thế là vở diễn thứ hai trong sự nghiệp đạo diễn của NSƯT Kiều Minh Hiếu ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Ngay ở vở diễn đầu tay Điều còn lại, vị đạo diễn trẻ đã chứng tỏ bản lĩnh, dấu ấn, tạo được tiếng vang và mang về cho Nhà hát Kịch Việt Nam Huy chương vàng vở diễn xuất sắc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. Sau 4 năm nung nấu tìm đề tài và kịch bản phù hợp, Kiều Minh Hiếu mới trở lại vai trò đạo diễn ở Nhân thế, được đồng nghiệp và khán giả ghi nhận khi mang tới một vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, kỳ công. Với những pha xử lý và thủ pháp dàn dựng sân khấu ấn tượng, liều lượng được tính toán kỹ lưỡng về ánh sáng, thiết kế sân khấu và cả sự chăm chút cho từng lời thoại của các nhân vật, Nhân thế được ghi nhận là một vở kịch tâm lý xã hội hay. Thêm vào đó, vở diễn quy tụ những tên tuổi nghệ sĩ sáng giá trên sân khấu kịch nói và truyền hình, họ đã thổi hồn cho từng mẫu nhân vật trong kịch, ghi nhận ở những vai diễn như nghệ sĩ Dũng Nam vai ông Đạt, Minh Thu vai Ngọc, Tô Tuấn Dũng vai Dũng, Thu Hà vai bà Hoa…

Sự thức tỉnh của lương tri - Anh 3

NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Nhiều người hỏi vì sao tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để cho ra lò nhiều vở diễn trong 4 năm qua nhưng lại “chững” lại, tôi cho rằng cái này tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Khi mình thích thú, tâm đắc và hào hứng thì mới có nhiều cảm hứng để làm. Ban giám đốc, Hội đồng nghệ thuật và anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam đều thống nhất chung quan điểm là không thể chạy đua theo số lượng vở diễn mà phải dồn tâm huyết lẫn chất lượng cho mỗi vở diễn mình dàn dựng”.

Sự thức tỉnh của lương tri - Anh 4

Thời gian gần đây, lực lượng đạo diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam rất hùng hậu. Nhiều tác phẩm ra đời đã gây được nhiều tiếng vang như: Người tốt nhà số 5 của NSƯT Tạ Tuấn Minh; Đêm trắng của NSƯT Xuân Bắc; Khát vọng của NSƯT Lâm Tùng; Điều còn lại, Nhân thế của NSƯT Kiều Minh Hiếu; Ảo ảnh hạnh phúc của NSƯT Trịnh Mai Nguyên… Một loạt tác phẩm sân khấu do lớp đạo diễn trưởng thành từ Nhà hát Kịch Việt Nam đều được giới chuyên môn đánh giá cao.

Hãy đến và xem những vở diễn chính kịch hay, chất lượng và “ngồn ngộn” chất liệu cuộc sống ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong đó, Nhân thế đã chạm tới trái tim của người xem, để khi ánh đèn khán phòng sáng lên, ai cũng lấy tay lau vội khóe mắt, và thâm tâm ai cũng nhắc nhớ mình hãy sống tốt hơn ngày hôm qua. 

 

HIỀN LƯƠNG; ảnh: KIÊN TRUNG

Ý kiến bạn đọc