Sân khấu xã hội hóa TP.HCM: “Lột xác” từ bên trong

VHO- Sau khoảng thời gian dài “ngủ đông”, các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM đã nhộn nhịp trở lại kể từ tết Nguyên đán 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, người làm nghề vẫn đau đáu những nỗi lo và trăn trở về sự chuyển biến tiếp theo đầy bấp bênh của sân khấu kịch.

Sân khấu xã hội hóa TP.HCM: “Lột xác” từ bên trong - Anh 1

Đa phần các diễn viên của vở “Thành Thăng Long thuở ấy” đều rất trẻ, nhưng họ đã chuyển tải được hồn cốt của sử Việt

 Diễn theo mùa

Trước tình hình sân khấu đang bị tác động nặng nề bởi sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, hoạt động biểu diễn của các sân khấu xã hội hóa đã khó lại càng thêm khó. Theo đó, mỗi suất diễn thường phải bán ra trên 100 vé thì sân khấu mới có thể cầm cự, duy trì được. Thế nhưng, lượng khách tìm đến sàn diễn không ổn định, liên tục trồi sụt khiến nhiều sân khấu phải bù lỗ, các ông bà “bầu” đau đầu tìm hướng đi mới để sân khấu được “sáng đèn”.

Mới đây, tại buổi họp báo Bay trên cánh mỏng của sân khấu Hoàng Thái Thanh, giới nghề đã không khỏi bất ngờ khi nghe tin sân khấu chính kịch này sẽ thay đổi lịch diễn theo mùa. Theo đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh mỗi năm chỉ còn diễn 2 mùa: Mùa Tết kéo dài từ 3 - 5 tháng (diễn 1-2 vở); mùa kịch giữa năm kéo dài từ 2 - 3 tháng (diễn 1 vở). Đại diện sân khấu cũng cho biết thêm, nếu có đơn vị, trường học hợp đồng suất diễn thì họ vẫn sẽ phục vụ. Theo đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội, không chỉ riêng Hoàng Thái Thanh mà nhiều sân khấu kịch khác cũng đang gặp khó khăn. “Do nhiều diễn viên phải tham gia đóng phim, quay quảng cáo để mưu sinh, nên thời gian qua có thời điểm chúng tôi rất khó xếp lịch diễn vì bị động nhân lực, có khi lịch diễn phải gián đoạn khá lâu”, đạo diễn Ái Như chia sẻ. Nhìn nhận chung, có 3 lý do phải thay đổi lịch diễn là: Thiếu trầm trọng kịch bản hay; thiếu diễn viên và không tìm được nguồn khán giả trẻ chịu đến rạp xem kịch.

Hơn một thập kỷ xuất hiện trong làng sân khấu, Hoàng Thái Thanh ghi dấu ấn đẹp trong lòng khán giả và giới chuyên môn bởi sự chăm chút, nghiêm túc, chỉn chu trong từng sản phẩm, để từ đó tạo nên thương hiệu Hoàng Thái Thanh với những vở diễn hướng tới những tiêu chí nghệ thuật, những bi kịch day dứt và mang màu sắc kịch Nam Bộ rất riêng. Để đáp ứng nhu cầu của số đông khán giả đã yêu thích các tác phẩm tiêu biểu, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ có 2 tháng tái diễn 10 vở đặc biệt (từ ngày 7.5 đến 3.7), gồm: 29 anh về, Bông hồng cài áo, Nửa đời hương phấn, Bàn tay của trời, Hãy khóc đi em, Con ma nhà họ Hứa, Tình yêu trời đánh, Sông dài, Bạch Hải Đường, Nửa đời ngơ ngác.

Theo những người trong giới, cách diễn theo mùa không mới và không chỉ riêng có ở Việt Nam, các nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… đều đã áp dụng cách thức này. Chính vì thế, hy vọng sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ mở ra những cơ hội mới cho sàn diễn thành phố.

Hướng tới kịch lịch sử

Nếu như trước đây, nhiều sân khấu vẫn còn ái ngại với việc dựng các vở diễn về lịch sử, thì nay đã quyết định “chi mạnh tay” để tạo lối đi mới, quyết xoay chuyển tình thế khó khăn. Theo đó, tối nay 25.4, vở diễn Thái hậu Dương Vân Nga sẽ ra mắt tại sân khấu kịch Hồng Vân, quy tụ 40 diễn viên trẻ qua sự cố vấn nghệ thuật của NSND Hồng Vân. Trước đó không lâu, cũng tại sân khấu này, vở kịch lịch sử Nỏ thần nói về lòng yêu nước từ câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu, với phiên bản dành cho diễn viên trẻ đã làm say đắm giới mộ điệu.

Cùng với đó, Nhà hát Thế giới trẻ cũng vừa công diễn vở Thành Thăng Long thuở ấy, tạo thành chuỗi kịch lịch sử hướng tới khán giả học đường. Tương tự, sân khấu Lạc Long Quân cũng dàn dựng các vở: Dũng khí Nguyễn Địa Lô, Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng Giang, Ngọn lửa Thăng Long… đầy mới lạ và hấp dẫn. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, khán giả sẽ cảm nhận trọn vẹn cái hồn của các tác phẩm sử Việt một cách chân thật. Không những thế, các tác phẩm lịch sử ấy còn chứa đựng nhiều bài học nhân văn sâu sắc, giúp khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đặc biệt hơn nữa, sức hấp dẫn của kịch lịch sử sẽ khiến người trẻ xóa bỏ định kiến “khô khan” của sử học, từ đó tạo nên một thế hệ thưởng thức nghệ thuật trẻ, tiếp tục duy trì “sức sống” cho lịch sử cũng như sân khấu kịch nói.

Và để có thêm nhiều kịch bản hay về đề tài này, Chi hội tác giả (Hội sân khấu TP.HCM) vừa tổ chức chuyến đi thực tế về nguồn tại các tỉnh miền Trung cho 23 tác giả hội viên. Với điểm đến là các di tích lịch sử quan trọng, chuyến đi nhằm khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho đề tài truyền thống cách mạng đang dần được quan tâm khai thác trở lại trong những năm gần đây. Hội Sân khấu TP.HCM mong muốn các tác giả sẽ có nhiều trải nghiệm sinh động, chân thật để nuôi dưỡng cảm xúc cho những ý tưởng sáng tạo mới, đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm của giới nghề đối với lịch sử dân tộc, cũng vừa là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ, đồng thời khẳng định năng lực sáng tạo của họ.

Để theo kịp xu thế toàn cầu, nghệ thuật nói chung, kịch nói nói riêng phải nỗ lực để linh hoạt hơn, đủ sức cạnh tranh với thị trường giải trí mới và để không bị lạc hậu so với thế giới. Sân khấu cần phải “lột xác” từ bên trong, từ kịch bản đến dàn dựng và đào tạo con người. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc