Sân khấu kịch TP.HCM: Nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ”

VHO- Dịp hè vừa qua, nhiều sân khấu kịch TP.HCM đã có bước chuyển mình đầy tích cực khi các suất diễn đều kín khán giả, thậm chí còn tạo ra cuộc đua “săn vé” không thua gì các show âm nhạc đình đám. Cùng với đó, các ông bà “bầu” cũng bắt đầu có những cuộc dạo chơi mới để tìm hiểu thị hiếu khán giả, nhằm tạo sự đa dạng cho đời sống sân khấu TP.

Sân khấu kịch TP.HCM: Nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ” - Anh 1

 Vở diễn “Mình nói chuyện mình” mang hơi thở hiện đại của kịch thể nghiệm

Gây dựng thương hiệu kịch thiếu nhi

Cao điểm của các hoạt động biểu diễn phục vụ thiếu nhi tại TP.HCM là vào 3 tháng gần đây, khi bên cạnh những chương trình nghệ thuật, các sân khấu cũng mạnh tay đầu tư về quy mô dàn dựng, mang đến những vở diễn mới với thông điệp giáo dục sâu sắc. Nhưng rõ ràng, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của trẻ em đâu chỉ có trong dịp hè, chính vì thế, giới sân khấu đã có nhiều nỗ lực để mang đến sự tươi trẻ, những thay đổi tích cực để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khán giả nhí về lâu dài và dần tạo được thương hiệu.

Theo đó, vào những ngày đầu tháng 6, đã có đến 4 vở kịch thiếu nhi ra mắt tại TP.HCM, có thể kể đến: Ngày xửa ngày xưa, Bí mật trăm đốt tre, Siêu thú tranh tài, Bắc kim thang… Đặc biệt, dù đã gần hết hè, nhưng vẫn có thêm nhiều vở diễn mới được giới thiệu. Để mang đến những “món ăn” tinh thần đa màu sắc, một số sân khấu đã khéo léo lồng ghép chất liệu cổ tích với cốt truyện và nhân vật quen thuộc, kết hợp cùng yếu tố sáng tạo, bất ngờ nhưng vẫn giữ nguyên bài học và thông điệp ý nghĩa. Chính sự vừa lạ vừa quen này đã tạo nên sức hút lớn của hai vở diễn Bí mật trăm đốt tre (Sân khấu nghệ thuật Trương Minh Hùng); Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ).

Không còn đóng khung trong bối cảnh làng quê Việt vốn đã quá quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích, Ve Ve, Chành Chành và Hai cục bướu đã mang đến một không gian thần tiên với 30 nhân vật được tạo hình theo phong cách giả tưởng và gần gũi với khán giả nhỏ tuổi. Vẫn là câu chuyện về đối nhân xử thế, lòng hiếu thảo, sự bao dung, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng ở vở kịch này, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã dẫn dắt các thông điệp tiếp cận người xem theo hướng nhẹ nhàng, thú vị nhất. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn tương tác với các bạn nhỏ bằng các trò chơi cùng phần thưởng khích lệ. Chính vì thế, các suất diễn đều thu hút được đông đảo khán giả nhí đến xem và trải nghiệm.

Cảm tác từ truyện cổ tích quen thuộc, vở kịch Bí mật trăm đốt tre của tác giả, đạo diễn Huỳnh Lập đã khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, với sự đầu tư công phu từ cảnh trí, trang phục tới đạo cụ. Đây là vở diễn mở màn cho chuỗi kịch thiếu nhi Truyện thần tiên tại Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh, quy tụ dàn nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với những màn tung hứng hài hước, dí dỏm. Được biết, ban đầu đơn vị dự kiến chỉ biểu diễn tầm 17-20 suất, thế nhưng vì nhu cầu của khán giả quá lớn nên lịch diễn đã gia hạn liên tục. Đến thời điểm hiện tại, số vé khán giả đặt đã kéo dài đến tháng 10 với tổng cộng gần 40 suất diễn.

Đại diện các sân khấu cho biết, kịch thiếu nhi dự kiến sẽ kéo dài đến Trung thu và một ít suất phục vụ vào dịp Giáng sinh cuối năm. Chính sự đón nhận nồng nhiệt ấy đã cho thấy tín hiệu khởi sắc của bộ môn nghệ thuật này, đồng thời tạo dựng cho TP một thương hiệu giải trí. Đặc biệt, những vở diễn mới hấp dẫn của Sân khấu Trương Minh Hùng hay Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ đã cho thấy sự nỗ lực của những người làm nghề đầy tâm huyết khi biết nắm bắt cơ hội, “biến nguy thành cơ” để đưa sân khấu TP trở lại vị trí vốn có.

Tìm sự mới lạ cho sàn diễn

Không chỉ định vị, tạo thương hiệu mà các sàn diễn cũng bắt đầu dấn thân vào những dòng kịch mới để thêm “gia vị” cho món ăn tinh thần của khán giả. Vừa qua, kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình của đạo diễn Đoàn Khoa chính thức có buổi công diễn tại Nhà hát thực nghiệm thuộc Trường Múa TP.HCM. Ngay trong những suất diễn đầu, vở đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng yêu kịch cũng như giới chuyên môn, bởi câu chuyện rất đời, rất gần gũi và bình dị. Vở diễn quy tụ những tên tuổi kỳ cựu của làng kịch như: NSND Kim Xuân, Hồng Ánh, Quang Thảo và gương mặt trẻ Huỳnh Ly…

Trên nền kịch nói, Mình nói chuyện mình xây dựng câu chuyện gồm 4 tuyến nhân vật chính, điều đặc biệt là các nhân vật đều không có tên. Họ đóng khung trong cuộc sống “bị đánh cắp”, khao khát có người lắng nghe mình nói. Xuyên suốt vở kịch thể nghiệm là những đoạn tự thoại và “không thoại” của các nhân vật, kết hợp cùng ánh sáng và những thủ pháp hình ảnh, âm thanh, giúp đẩy cảm xúc khán giả đi qua nhiều cung bậc. Tuy nhiên, với một dòng kịch còn mới mẻ, việc thu hút được đông đảo khán giả tìm đến sân khấu vẫn còn là một “bài toán” không dễ giải.

Hay mới đây nhất, vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn do nghệ sĩ Chinh Ba dàn dựng đã trình làng tại TP.HCM. Theo chia sẻ của ê kíp, với vở diễn này, khán giả được phép tham gia một cách thoải mái nhất, tựdo chọn điểm quan sát quátrình diễn ởbất cứchỗnào, cóthểứng tác với diễn viên vàthậm chí cũng cóthểlàmột thành tốcủa vởdiễn. Chính sự không phụ thuộc vào không gian diễn xuất, sự tương tác giữa diễn viên với khán giả sẽ lôi kéo họ cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch. Nghệ sĩ Chinh Ba tự tin cho rằng, việc đưa vởkịch phi lý vào diễn tại TP.HCM nhưmột “món lạ” bổsung cho đời sống sân khấu ởmột đô thị năng động, hứa hẹn sẽ làmột nguồn cảm hứng mới để có thể đến gần hơn với khán giả trẻ.

Rõ ràng, để giữ lửa nghề và giữ chân công chúng, sân khấu kịch phải tạo dựng được thương hiệu riêng, bên cạnh đó là đẩy mạnh tìm tòi những đường đi mới và tạo dựng những kế hoạch cho đường dài. Chính những nỗ lực của những người làm nghề tâm huyết sẽ “góp gió thành bão”, để sân khấu từng bước vực dậy. Dù khó, nhưng vẫn luôn quyết liệt! 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc