Sân khấu cải lương tại TP.HCM: Gian nan tìm điểm diễn
VHO- Thiếu sân khấu, thiếu điểm diễn luôn là nỗi lo lắng, trăn trở của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu cải lương. Mới đây, câu chuyện này một lần nữa được soạn giả Hoàng Song Việt và các nghệ sĩ khơi lại với rất nhiều ưu tư tại buổi Đối thoại văn hóa do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở VHTT và Đài Truyền hình TP tổ chức.
Chương trình cải lương phục vụ miễn phí cho người dân tại Nhà hát Trần Hữu Trang vào cuối tuần (ảnh minh họa)
Thông tin về tình hình các sân khấu xã hội hóa trong thời gian gần đây, soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ sự phấn khởi, tuy nhiên cũng không khỏi lo lắng: “Sau thời gian gần như “co cụm” lại vì những khó khăn chung, các sân khấu xã hội hóa có sự kích thích đã “trở mình” mạnh mẽ, đây là những tín hiệu rất đáng mừng nhưng dường như chưa có sự đồng bộ. Anh em nghệ sĩ cải lương chúng tôi đã có cơ ngơi là Nhà hát Trần Hữu Trang được đầu tư khá tốt, tuy nhiên đó mới chỉ là một điểm diễn. Nếu chúng ta không có thêm những điểm diễn khác, thì không có “đất” để cải lương ươm mầm và phát triển”. Theo ông, một tháng nhà hát chỉ có 8 đêm diễn (các thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần), muốn lắm thì cũng phải sau 3 tháng, các nghệ sĩ mới có nơi để biểu diễn lại. Như vậy thì không thể đáp ứng yêu cầu cần và đủ cho các đơn vị xã hội hóa cũng như công lập, đặc biệt là cung không đủ cầu cho mục đích thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Theo một nghệ sĩ, “Ở đây chúng ta không nói rằng cần phải xây dựng những nhà hát có quy mô tầm cỡ như Nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng tôi muốn đề nghị Sở VHTT tổ chức một buổi gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn giữa lãnh đạo Sở với các trung tâm văn hóa, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật để tính toán với nhau xem chúng ta có thể có thêm điểm diễn nào chăng?”. Bàn thêm về câu chuyện này, soạn giả Hoàng Song Việt phân tích: “Ví dụ có một đơn vị biểu diễn ở rạp Hưng Đạo (Nhà hát Trần Hữu Trang) xong thì tuần sau có thể qua biểu diễn ở các trung tâm văn hóa quận, huyện, theo thuật ngữ nghề nghiệp chúng tôi gọi là “chuyển bến”. Nếu chỉ diễn ở rạp Hưng Đạo thì khán giả các nơi xa cũng không thể đến xem được và số lượng vé bán ra cũng không thể tăng thêm. Và nếu như các đơn vị có được điểm diễn thứ 2, thứ 3, thứ 4… để “chuyển bến”, thì họ sẽ có thêm được số lượng khán giả ở các nơi khác, đặc biệt là khu vực vùng ven, ngoại thành”.
Theo các nghệ sĩ, TP đang có chủ trương đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thì nhất thiết phải quan tâm đến vấn đề “cơ ngơi” cho anh em nghệ sĩ có điểm diễn, nếu giải được bài toán này thì họ sẽ có cơ hội tăng suất diễn, thêm thu nhập, từ đó cải lương có điều kiện lan tỏa đi xa hơn, tiếp cận được nhiều hơn với công chúng. Nếu không, chỉ trong thời gian ngắn nữa, cải lương sẽ không còn khán giả… “Tôi nghĩ rằng nếu có được những hoạt động sôi nổi sẽ còn tạo nên sự kích thích và cạnh tranh giữa các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ sẽ hứng khởi lao động sáng tạo, các đơn vị thấy thếsẽ mạnh dạn đầu tư, vậy thì lo gì chuyện cải lương thiếu khán giả. Tôi rất mong muốn điều này được thực hiện sớm để giới văn nghệ sĩ chúng tôi có thêm cơ hội biểu diễn phục vụ nhân dân và có thêm điều kiện để được hoàn thiện mình hơn qua từng tác phẩm, vai diễn, tiến kịp với trào lưu mà các khán giả trẻ đang mong muốn”, một nghệ sĩ chia sẻ.
Trước đó, NSƯT Kim Tử Long cũng bày tỏ về nỗi chật vật khi phải thuê rạp diễn. “Ông bầu” này cho biết, giá thành thuê rạp quá cao trong khi số ghế quá ít thành ra không dám diễn vì… sợ lỗ. “Các đơn vị xã hội hóa luôn phải đi “xin” để có được một mức giá thuê “hữu nghị”. Tôi nghĩ điều đó thật bất công với cải lương. Chúng tôi phải bỏ tiền túi ra đầu tư để các tác phẩm nghệ thuật truyền thống đến được với công chúng. Đó là điều mà Nhà nước đang kêu gọi chúng tôi làm. Nhưng khi chúng tôi làm thì không được ai ủng hộ!”. Ít có cơ hội vào diễn tại sân khấu cải lương chính thống duy nhất của thành phố, “ông bầu” Kim Tử Long phải chọn diễn tại các sân khấu khác với mức chi phí đầu tư quá lớn. Cách đây không lâu, nghệ sĩ này cho biết đã bỏ ra hơn 800 triệu đồng để dàn dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn và được đánh giá rất cao, thế nhưng chỉ sau hai đêm diễn tại Nhà hát Bến Thành, NSƯT Kim Tử Long đã phải quyết định dừng lại vì không chịu nổi chi phí thuê rạp là 45 triệu đồng mỗi đêm. Ngoài ra, mỗi suất tập phải bỏ thêm 10 triệu đồng. Với mức chi này, giá vé phải lên đến 1 triệu đồng mới đủ trang trải mọi thứ, nhưng đó là mức giá không tưởng trong giai đoạn hiện nay, khi mà vé xem kịch nói giá cao nhất chỉ 300 ngàn đồng/suất vẫn khó tìm khán giả.
Thực trạng thiếu sân khấu, thiếu điểm diễn còn dẫn đến một nỗi buồn khác là những nghệ sĩ vì muốn bám nghề phải chấp nhận biểu diễn tại những địa điểm chưa thực sự phù hợp như nhà hàng, quán ăn, sự kiện… Cũng vì thiếu đất diễn mà biết bao kịch bản hay, vở diễn xuất sắc chỉ để đem đi thi, tham gia hội diễn rồi về “đắp chiếu”. Sự khắc nghiệt của thị trường cũng khiến đội ngũ soạn giả cải lương ngày càng vơi dần, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu sản phẩm chất lượng trong tương lai không còn xa nữa.
THÙY TRANG
=