Phải liều lĩnh để vượt qua “vùng cấm”
VHO- Trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Cải lương nói riêng đang ở trong giai đoạn đỉnh điểm của khó khăn thì cái tên đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên lại xuất hiện liên tục trong hàng loạt dự án sân khấu, với những thử nghiệm đầy táo bạo…
Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên
Giải Tác giả xuất sắc tại “Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018”; giải Đạo diễn xuất sắc tại “Liên hoan Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018”; HCB “Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2019”… đã ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của vị đạo diễn, NSND còn khá trẻ này.
PV: Thưởng thức các tác phẩm của anh, ai cũng có thể cảm nhận được những tìm tòi, sáng tạo mang tính thử nghiệm táo bạo, điều gì khiến đạo diễn luôn có động lực “cách tân nghệ thuật” như vậy?
- NSND Triệu Trung Kiên: Nói đến Cải lương, đa số công chúng hôm nay đã mặc định rằng nó đã lỗi thời, không phù hợp với cuộc sống đương đại. Khán giả không sai, vì Cải lương thực sự là như thế, dù đã từng có những giai đoạn huy hoàng tột đỉnh. Vậy để xoay chuyển, hoặc ít ra là từng bước cải thiện tình hình, không còn cách nào khác, Cải lương phải tự thích ứng bằng những cuộc cách tân đúng hướng, đúng với cái tên gọi mà tiền nhân đã khẳng định là đổi mới. Và có lẽ, lúc này chúng ta phải dùng đến chữ “Cách mạng” mới đủ và đúng với tình hình. Trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, Cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả, bởi có quá nhiều sự lựa chọn xứng đáng cho họ. Xem ra, Cải lương chỉ có hai con đường: đổi mới hay là “chết”. Vậy, Cải lương nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung, muốn tồn tại và phát triển thì những người làm nghề phải “động thủ” để tìm cho ra những phương thức khả dĩ, thậm chí phải liều lĩnh vượt qua “vùng cấm” - lằn ranh giới đúng/sai. Cũng có ý kiến cho rằng, ta cứ để nguyên như cũ rồi biết đâu một ngày thị hiếu sẽ quay trở lại. Tôi không bao giờ tin điều này. Đúng là thị hiếu sẽ quay trở lại, nhưng sẽ ở tầng cao hơn. Cái cố hữu sẽ chìm nghỉm, mất tăm giữa hiện thực mênh mông.
Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai”
Như chia sẻ, thì đạo diễn vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thật hài lòng với những tìm tòi, sáng tạo của mình?
- Thứ nhất: Dù đã có ít nhiều thành công, nhưng tôi thấy mình vẫn chưa đủ những điều kiện cho các ước muốn sáng tạo mà một vài trong số đó khá là ngông cuồng. Thứ hai: Vì tôi không còn trẻ. Ít lâu nữa thôi, dẫu cố gắng đến mấy, tôi cũng sẽ không thể có tiếng nói chung với các thế hệ 10X, 11X, những thế hệ là gạch nối tới tương lai. Họ có quyền định đoạt viễn cảnh của nghệ thuật biểu diễn. Nên hiện tại, tôi vẫn đang kiếm tìm cơ hội để thỏa chí. Nhưng tất cả cũng chỉ là nỗ lực xây cái nền cho vững chắc, rồi tìm kiếm những hạt nhân của thế hệ kế cận mà bàn giao lại. Để tiếp cận khán giả, đòi hỏi người đạo diễn phải tự biến hoá để tìm ra những phương thức thể hiện sao cho thật sự hấp dẫn được người xem, mới kéo được người xem đến với mình. Đơn cử như với vở Ngàn năm mây trắng, tôi và NSND Thanh Ngoan đã thử nghiệm ý tưởng phối kết hợp giữa Cải lương với Chèo, Hát Xẩm và Ca Huế trong cùng một vở diễn. Việc kết hợp này đã khiến cho khán giả thích thú. Sự tương phản của các loại hình khi được đặt cạnh nhau đã tôn nhau lên, làm nổi bật những nét đặc sắc riêng có và tạo nên sự phấn khích cho người thưởng thức.
Có bao giờ anh thấy quan điểm thử nghiệm của mình vấp phải sự phản ứng từ người xem, đặc biệt là từ những người làm nghề?
- Rất may là tôi chưa gặp phải những phản ứng như vậy về những thử nghiệm của mình. Từ những vở được nói vui là “bom tấn” như Mai Hắc Đế với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại; vở Hừng đông khi hòa trộn Cải lương với Âm nhạc đường phố 9X trong vở diễn đề tài chiến tranh cách mạng, ở vở diễn này người xem đã chuyển từ hồ nghi sang những xúc cảm đẹp đẽ khi chứng kiến hai thế hệ cách biệt cùng hai nghệ thuật tương phản làm nên vở diễn xúc động về sự hy sinh của những chiến sĩ Cộng sản. Sự tham gia của các bạn trẻ trong ban nhạc đường phố thuộc CLB nghệ thuật HUB đã đưa ngôn ngữ rock, jazz, hip-hop… lên sân khấu cũng đã khiến cho không chỉ khán giả trẻ mà cả những khán giả lớn tuổi vốn quen xem Cải lương truyền thống chấp nhận. Tuy nhiên, để mở rộng đối tượng khán giả đến với những vở diễn thử nghiệm cũng là điều rất khó khăn. Trong nỗ lực đổi mới, tôi dựng Chuyện tình Khau Vai cho Sân khấu Cải lương mới Đại Việt (TP.HCM). Thật vui khi Chuyện tình Khau Vai được trao giải thưởng danh giá “Mai vàng” của báo Người lao động, một giải thưởng rất có ý nghĩa đối với những người làm nghệ thuật.
Được giao nhiệm vụ Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, trong bối cảnh mà sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Cải lương nói riêng đang hết sức khó khăn, anh có cảm thấy lo lắng khi ở cương vị mới?
- Tình hình sân khấu nói chung đang ở đỉnh điểm của khó khăn. Nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đang chịu những áp lực chung giống như nghệ sĩ của các loại hình sân khấu khác. Các cụ ta xưa vẫn nói “cái khó ló cái khôn”, trong suy thoái luôn có mầm mống của phát triển. Lực lượng nghệ sĩ vẫn còn rất hùng hậu và rất yêu nghề, đương nhiên sẽ bằng tài năng, trí tuệ của mình tìm mọi cách để vượt khó. Tôi luôn có niềm tin rằng nghệ thuật truyền thống đủ nội lực để vượt qua khủng hoảng. Cùng xu thế tất yếu là sự tìm lại truyền thống trong ngôn ngữ đương đại sẽ cho ta hy vọng về sự phục hưng của nghệ thuật truyền thống ở một tầm cao mới.
Một môn nghệ thuật không có khán giả đó chính là sự cáo chung. Cho nên, phải tìm mọi cách để có được công chúng mới. Muốn vậy, không thể chọn cách “thúc thủ” mà phải là “động thủ”, liên hồi kỳ trận. Bằng mọi giá, phải trở thành “món ăn hợp khẩu vị” cho các “thực khách” của tương lai. Sẽ là một sự lột xác vô cùng đau đớn... để sinh tồn. (Đạo diễn, NSND TRIỆU TRUNG KIÊN) |
THÚY HIỀN (thực hiện)