Nhận diện rõ nét tình yêu dành cho nghệ thuật Cải lương

VHO- -Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đi qua gần nửa chặng đường với 11 trong tổng số 27 vở đã thi diễn. Vẫn còn sớm để đánh giá chất lượng toàn Liên hoan, nhưng nhìn từ không khí sôi động những ngày qua có thể khẳng định, Liên hoan đã tạo ra được một sân chơi nghệ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp và làm thỏa lòng giới mộ điệu.

Nhận diện rõ nét tình yêu dành cho nghệ thuật Cải lương - Anh 1

 Minh Trờng - Nhã Thy trong “Chân dung ngời mở cõi”

Nếu như Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 diễn ra trong nỗi lo về chủ trương sáp nhập các đoàn nghệ thuật tại địa phương, và trên thực tế, việc sáp nhập đã được thực hiện ở một số tỉnh, thành thì mùa Liên hoan năm nay vẫn ghi nhận không khí tưng bừng và sự đầu tư nghiêm túc của các đơn vị dự thi.

Nghệ sĩ đã chờ đợi Liên hoan từ rất lâu

Ngoài các nhà hát, đoàn nghệ thuật Cải lương, sự tham gia của Hội Sân khấu TP.HCM, Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu và 7 đơn vị Cải lương xã hội hóa là Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt, Công ty TNHH giải trí Kim Ngân, Công ty TNHH giải trí Gia Bảo, Sân khấu Sen Việt, Sân khấu Võ Thị, Công ty TNHH Nghệ thuật Việt Star, Công ty TNHH Sự kiện và giải trí We đã mang đến cho Liên hoan sự tưng bừng và những sắc màu đa dạng.

Năm nay, tuồng sử chiếm ưu thế với những đề tài đặc sắc như Thái sư Trần Thủ Độ, Làm vua (Nhà hát Cao Văn Lầu), Thiên mệnh (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Huyền thoại Gò Rồng Ấp (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Câu hò đất mẹ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Vua Thánh Triều Lê (Sân khấu Sen Việt), Sứ mệnh (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Chân dung người mở cõi (Công ty TNHH Sự kiện và giải trí We), Ngọc sáng Yên Tử (Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh)…

Chân dung người mở cõi (tên gọi khác là Nguyễn Hữu Cảnh) của tác giả Phạm Vũ, được Nguyễn Minh Trường chọn dàn dựng cho kỳ thi tốt nghiệp Đạo diễn sân khấu vào năm 2020. Anh đã nâng cấp vở diễn để mang đến Liên hoan và đảm nhận vai trò kép chính. Trong khi đó, Câu hò đất mẹ, Cơn hồng thủy, Hương tràm… là những vở hoàn toàn mới được các đơn vị dựng để tham dự Liên hoan. Đạo diễn Võ Huỳnh Mơ (Sân khấu Võ Thị) cho biết, Cơn hồng thủy là đề tài xã hội, giống như câu chuyện viễn tưởng đánh thức lương tâm mỗi người khi chúng ta làm sai thì phải sửa sai, đừng để ngày tận thế mới thức tỉnh thì đã muộn…

Theo đạo diễn Quốc Tuấn, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau, vở Hương Tràm nói về đề tài sau hậu chiến, được dàn dựng trong khoảng 40 ngày, với hơn 40 nghệ sĩ, diễn viên tham gia. “Đã 3 năm kể từ lần tổ chức năm 2018, anh em làm nghề mới có dịp gặp lại nhau. Liên hoan là nơi giao lưu, học hỏi và cũng để bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, vì thế, chúng tôi đến đây bằng niềm đam mê được cháy hết mình trên sân khấu”, đạo diễn Quốc Tuấn bày tỏ.

Đồng tình quan điểm này, ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ: “Tôi cho rằng tổ chức Liên hoan năm nay là sự nỗ lực rất lớn của BTC. Phía Nhà hát chúng tôi ngoài việc đưa vở diễn mới, chất lượng đến Liên hoan thì còn lựa chọn một số nghệ sĩ trẻ tham gia để các bạn có cơ hội cọ sát trong một cuộc thi mang tính chuyên nghiệp toàn quốc… Tôi chưa được xem hết các vở diễn, nhưng qua những vở đã thi, tôi đánh giá các đơn vị đã đầu tư, lựa chọn rất công phu, kỹ lưỡng những tác phẩm tốt, đề tài hấp dẫn để cống hiến cho sân khấu và khán giả yêu Cải lương”.

Nhận diện rõ nét tình yêu dành cho nghệ thuật Cải lương - Anh 2

Các khán giả trẻ đến Nhà hát từ sớm để chờ xem vở “Dòng sông đỏ” (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu)

Tình yêu cháy bỏng dành cho Cải lương

Từng được sống trong không khí sôi động của ngày hội Cải lương năm 2018, người dân Long An càng háo hức hơn với lần thứ hai ngày hội Cải lương trở lại. Hầu hết các suất diễn đều đông chật khán giả. Có mặt từ rất sớm để chờ sân khấu mở màn, chú Tư A (73 tuổi), nhà ở Phường 4, TP Tân An cho biết, mình đã coi được 3 vở là Bên dòng Long Khốt (đoàn Long An), Trái tim và Đôi mắt (đoàn Đồng Nai) và Dòng sông đỏ (đoàn Bạc Liêu). “Xem vở nào tôi cũng thích, các nghệ sĩ hát rất hay, tôi sẽ cố gắng thu xếp việc nhà để đi xem thường xuyên hơn”, chú bày tỏ.

Chị Trần Kim Quý (526 Quốc lộ 62, TP Tân An, Long An) hào hứng: “Cả nhà tôi ai cũng mê Cải lương, nhưng vì điều kiện nên chỉ mới được coi vở diễn của Đoàn Cải lương Long An. Năm 2018, nhờ có Liên hoan nên tôi mới được coi nhiều đoàn hát, gặp nhiều nghệ sĩ và biết nghệ sĩ miền Bắc ca Cải lương ngọt ngào không thua gì nghệ sĩ miền Nam. Năm nay thấy lịch có ghi tên nhiều đoàn Cải lương ở TP.HCM về Long An hát, tôi và gia đình sẽ sắp xếp công việc để đi coi cho đã”.

Không chỉ khán giả ở Long An mà một số khán giả các tỉnh cũng háo hức đến với Liên hoan để được coi hát. Cụ Trần Thị Biếc (84 tuổi) được cháu đưa từ Tiền Giang lên Long An cả tuần nay, cụ cho biết: “Tôi mê Cải lương từ nhỏ và lại có con trai làm nhạc công ở một đoàn hát, vì thế, ở đâu có lễ hội mà biểu diễn Cải lương là tôi đều bảo các cháu đưa đi xem”.

Trong khi đó, một số bạn học sinh Trường TDTT Long An cho biết, đây là vở thứ 2 các em được xem sau vở diễn đêm khai mạc. Tất cả đều cho biết rất thích xem các nghệ sĩ biểu diễn Cải lương trên sân khấu, qua đó các em biết thêm lịch sử nước nhà, hiểu thêm truyền thống anh hùng của dân tộc.

Liên hoan năm nay có một khán giả rất đặc biệt là anh Lê Trí Thức, quê ở Ninh Bình và là “fan” của nghệ thuật Chèo, đây là lần đầu tiên anh được xem Cải lương trực tiếp. Nghe bạn bè nói Liên hoan Cải lương được tổ chức tại Long An, anh đã thu xếp công việc để đến đây từ ngày 3.11. Anh chia sẻ: “Từng nghe, xem Cải lương trên truyền hình, nhưng chỉ đến khi được thưởng thức trực tiếp, tôi mới thực sự hiểu hết cái hay cái đẹp của Cải lương và thấy yêu mến hơn bộ môn nghệ thuật truyền thống này”. Anh cho biết sẽ ở lại xem xong đêm bế mạc mới về lại Ninh Bình.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An phấn khởi chia sẻ: “Từ Liên hoan Cải lương 2018, chúng tôi càng nhận diện rõ hơn tình yêu dành cho Cải lương của khán giả. Năm 2021, chúng tôi gửi công văn xin đăng cai tổ chức Liên hoan Cải lương, nhưng vì dịch bệnh nên không thể diễn ra. Năm nay, chúng tôi lại tiếp tục gửi công văn xin đăng ký tổ chức vì tình yêu với Cải lương luôn cháy bỏng. Có thể khẳng định, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách thì Cải lương vẫn mang trong mình sức sống vô cùng mãnh liệt”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc