Nhà hát Kịch Việt Nam: Khơi nguồn dòng chảy nghệ thuật từ nhạc kịch

VHO- Nhận lời mời hợp tác từ Tập đoàn Pacific Ocean Partners (POP) và Trường Đại học Australia Institute of Music (AIM), Nhà hát Kịch Việt Nam đã xây dựng dự án nhạc kịch mang tên Alice in Wonderland. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhà hát Kịch Việt Nam, đồng thời, góp phần định hướng giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cho giới trẻ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực nghệ thuật.

Nhà hát Kịch Việt Nam: Khơi nguồn dòng chảy nghệ thuật từ nhạc kịch - Anh 1
 

 Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ về dự án

Tại buổi lễ công bố dự án, NSƯT Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Năm 2022 là một năm đặc biệt, chúng tôi sẽ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Nhà hát. Bên cạnh rất nhiều công việc để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, chúng tôi cũng không quên những nhiệm vụ quan trọng. Một trong những nhiệm vụ chính là xây dựng các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế và Alice in Wonderland được ra đời với mục đích này…”. NSƯT Xuân Bắc cũng nhận định, Nhà hát có trách nhiệm xây dựng những tác phẩm sân khấu để định hướng và góp phần giúp các bạn trẻ tiếp cận với tinh hoa văn hóa nghệ thuật không chỉ của Việt Nam mà cả của thế giới. Hy vọng, đam mê, nhiệt huyết và sự hào hứng của những nghệ sĩ, diễn viên tham gia Alice in Wonderland sẽ lan tỏa rộng rãi, được công chúng đón nhận và dành nhiều tình cảm cho vở diễn.

Nguyên bản Alice in Wonderland là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng dành cho thiếu nhi của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson, hoàn thành vào năm 1886. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt với nhiều tên gọi khác nhau như: Alice ở xứ sở Thần tiên, Alice lạc vào xứ Thần tiên hoặc Alice ở xứ sở diệu kỳ. Với nội dung đặc sắc, truyền tải nhiều giá trị nhân văn, bài học đạo lý, nguyên tắc sống, Alice in Wonderland đã được chuyển thể sang nhiều loại hình: Phim hoạt hình, phim điện ảnh, phim 3D và nhạc kịch ở nhiều nước trên thế giới.

Vở nhạc kịch Alice in Wonderland quy tụ đội ngũ sản xuất với những tên tuổi nổi tiếng: NSƯT Nguyễn Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật; NSƯT Đặng Châu Anh và nghệ sĩ Nicholas Gentile (Trường Đại học Australian Institute of Music) cố vấn nghệ thuật; Đạo diễn vở nhạc kịch là Lê Diệu My, một gương mặt mới 21 tuổi, là trợ lý của Tổng đạo diễn Trần Ly Ly. Đảm nhận vị trí Giám đốc âm nhạc là nhạc sĩ Trần Quang Duy. Dự án có hai biên đạo múa là Samantha Cruz và Lê Minh Anh…

Nhà hát Kịch Việt Nam: Khơi nguồn dòng chảy nghệ thuật từ nhạc kịch - Anh 2

 Ngay tại lễ ra mắt, những ứng viên tham gia trẻ đã thể hiện rất tự tin và sôi động

Đạo diễn trẻ Lê Diệu My bày tỏ: “Ngày nay, với xu hướng, áp lực “vội lớn” và trưởng thành nhanh, nhiều bạn nhỏ đã bỏ lỡ cơ hội và những giá trị của tuổi thơ. Truyện Alice in Wonderland khuyên các bạn đừng đánh mất sự ngây thơ, hãy học cách yêu thế giới quanh mình, yêu sắc màu và những cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống... Alice in Wonderland do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với POP và AIM là vở nhạc kịch hiện đại, tất cả các yếu tố âm nhạc, vũ đạo và dàn dựng đều rất mới, hứa hẹn đem đến nhiều sự hấp dẫn, bất ngờ cho công chúng”. Theo nữ đạo diễn, Alice in Wonderland có nhiều đất để ê kíp thể hiện khả năng sáng tạo.

Đặc biệt, vở nhạc kịch có lực lượng tham gia là những nghệ sĩ, diễn viên còn rất trẻ, vì vậy BTC sẽ tổ chức casting để tìm ra các vai diễn phù hợp ở cả Australia và Việt Nam. Đây là cơ hội thử vai dành cho tất cả các diễn viên chuyên hoặc không chuyên, từ 14 tuổi trở lên, có đam mê với nhạc kịch. Số lượng nhân vật của vở diễn là 31, gồm cả vai diễn chính và nhân vật quần chúng; số diễn viên cần tuyển là 25 người. Tại Hà Nội, thời gian tuyển chọn diễn viên diễn ra trong 2 ngày 13 - 14.7 tại chính Nhà hát Kịch Việt Nam.

Alice in Wonderland dài 90 phút, sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ tiếng Anh. Dù dựng nhạc kịch không phải là sở trường của Nhà hát Kịch Việt Nam, nhưng các đối tác hợp tác quốc tế đã đặt trọn lòng tin bởi theo đánh giá của họ, Nhà hát với vai trò là “anh cả”, “cánh chim đầu đàn” của sân khấu kịch Việt Nam đã dàn dựng hàng trăm vở kịch có giá trị với nhiều đề tài khác nhau và luôn nhận được sự yêu mến của khán giả. Vì vậy, họ quyết định trao dự án này cho Nhà hát Kịch Việt Nam để cùng thực hiện. Thay vì chọn một dự án kịch nói sở trường, Nhà hát đã thử thách mình với thể loại đang thịnh hành trên thế giới để hướng tới sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo sự hấp dẫn với công chúng đương đại.

Dự kiến, tác phẩm sẽ ra mắt vào tháng 10 tới tại Hà Nội. Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có những đêm biểu diễn miễn phí dành cho đối tượng khách mời đặc biệt, đó là các thầy cô giáo ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để khơi nguồn phát triển nghệ thuật cho giới trẻ ngay từ trên ghế nhà trường. Vở diễn cũng sẽ được đưa đến nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước để phục vụ công chúng. 

THUÝ HIỀN

Ý kiến bạn đọc