"Ngôi nhà trên thuyền" và nỗi đau "da cam"
VHO – Sáng 16.1, Sân khấu Kịch Hồng Vân trở lại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM với vở Ngôi nhà trên thuyền, nội dung về nỗi đau chất độc da cam/dioxin, chuyện tảo hôn và vấn đề môi trường. Đây là vở thứ 2 tham dự Liên hoan của Sân khấu kịch Hồng Vân.
Tuấn Dũng và Hoàng Yến diễn khá tròn vai nhân vật bị khuyết tật vì nhiễm chất độc da cam
Ngôi nhà trên thuyền (tác giả: Vũ Xuân Trang, đạo diễn: NSND Hồng Vân và Vũ Xuân Trang), với sự tham gia của các diễn viên trẻ Hòa Hiệp, Hoàng Thy, Vũ Xuân Trang, Tuấn Dũng, Hoàng Yến, Nguyễn Lê Bá Thắng, Lạc Hoàng Long,…
Chuyện kịch xoay quanh một gia đình bốn người sinh sống trên chiếc thuyền đã cũ ở cù lao nhỏ xứ Cần Thơ sau năm 1975. Lệ và Tình vốn là đôi vợ chồng hạnh phúc, hết mực yêu thương nhau, nhưng di chứng của chiến tranh để lại, Tình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, vì thế cả hai đứa con sinh ra bị tật nguyền. Cô gái lớn tên Phượng nói năng khó khăn vì không có lưỡi. Cậu trai út thì bị khuyết tật, thỉnh thoảng lên cơn động kinh. Từ đó, Tình trở nên chán nản cuộc sống, say xỉn suốt ngày và thường xuyên đánh đập vợ. Theo Tình, sở dĩ các con bị như vậy là do mình, đã không nghe lời Hưng - một người bạn thân khuyên, "Mày đã nhiễm chất độc da cam mà sao còn đi lấy vợ, sinh con để làm khổ họ? Mày có biết chất độc này nó nguy hiểm đến như thế nào hay không?".
Bối cảnh sông nước cù lao được phác họa trên sân khấu
Mặc dù không đồng tình với Tình nhưng Hưng vẫn luôn bên cạnh gia đình Tình, quan tâm giúp đỡ và phụ dạy dỗ hai đứa trẻ. Nhưng sự bất lực, mặc cảm của người đàn ông khiến Tình ghen tuông vô căn cứ với vợ, vốn dĩ trước đây cũng là người mà Hưng yêu thương. Tình buông lời cay nghiệt, anh khiến những đứa con cũng trở nên sợ hãi mình… Câu trách của Hưng cứ đeo bám, khiến Tình luôn dằn vặt, vì anh cũng như bao con người bình thường khác, cũng khao khát tình yêu và mái ấm gia đình, nhưng chiến tranh đã mang đến biết bao bất hạnh…
Một cảnh cao trào của vở kịch khi Phượng bị ép gả để có tiền trả nợ và chữa bệnh cho cha
Còn với Lệ, dù bị chồng đối xử thế nào thì chị vẫn tiếp tục sống và lấy hai đứa con làm động lực cho mình. Sự mạnh mẽ, hi sinh của một người phụ nữ luôn vì chồng, vì con cuối cùng đã chiến thắng số phận, vợ chồng hiểu nhau và ngôi nhà trên thuyền không còn chòng chành, hạnh phúc đã trở lại với gia đình.
Chiến tranh đi lùi xa nhưng những di chứng quái ác của chất độc màu da cam còn truyền qua bao thế hệ. Chuyện kịch với một bối cảnh duy nhất trên thuyền và những con người đang mang trong mình tận cùng của nỗi đau, nghèo và bệnh tật, nhưng luôn mang trong mình tinh thần lạc quan, vươn lên trong cuộc sống… Xem Ngôi nhà trên thuyền, khán giả một lần nữa khóc – cười cùng nhân vật, thấu hiểu nỗi đau chiến tranh và trân quý những giá trị của hòa bình, của hạnh phúc gia đình.
Phân đoạn cuối của vở cho người xem một niềm lạc quan vào giá trị của hạnh phúc, của gia đình sẽ vượt qua tất cả nỗi đau
Đây là một đề tài khá khô khan, mang màu sắc lạ so với gu kịch bấy lâu nay của Sân khấu kịch Hồng Vân. Kịch bản gọn gàng, có nhiều mảng miếng hài hước làm cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, tạo được điểm nhấn tại Liên hoan. Tuy nhiên, vở vẫn còn một vài hạt sạn nhỏ, một số chi tiết còn bỏ lửng, chưa được xử lý thấu đáo khiến vở kịch chưa thật sự hoàn hảo.
Sau Liên hoan, Ngôi nhà trên thuyền sẽ trở lại phục vụ khán giả vào mùng 1 và mùng 4 Tết Nguyên đán (ngày 1 và 4.2.2022).
TÙNG THƯ