Nghệ thuật biểu diễn truyền thống: “Mỏ vàng” của công nghiệp văn hóa
VHO - Sở hữu kho tàng vô giá với đa dạng các hình thức, thể loại, nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã làm giàu thêm nền văn hóa Việt độc đáo, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và thu hút khách du lịch. Tuy vậy, vẫn có nhiều thách thức đặt ra trong khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm đưa lĩnh vực này phát triển một cách bền vững, trở thành mũi nhọn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước.
Cần giải pháp khai thác thế mạnh của nghệ thuật biểu diễn truyền thống Ảnh: ITN
Kho tàng giàu có về nghệ thuật biểu diễn truyền thống
Bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời đã giúp Việt Nam có nền nghệ thuật truyền thống phong phú và đa dạng. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, phản ánh những giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán của dân tộc. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thời gian vừa qua, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đã được phục hồi, gìn giữ, phát huy và luôn giữ vai trò quan trọng trong các chương trình quảng bá, giới thiệu văn hóa địa phương, quốc gia.
Cũng như các quốc gia châu Á, việc khai thác nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch cũng đang được các tỉnh, thành của Việt Nam thực hiện khá tốt. Qua đó, giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống, đất nước, con người trên dải đất hình chữ S. Chẳng hạn, thời gian qua, bên cạnh hoạt động biểu diễn của các nhà hát, nhiều địa phương cũng đưa nghệ thuật truyền thống ra đường phố phục vụ du khách như biểu diễn Tuồng, Hát văn, Chèo, Xẩm… tại Hà Nội; đưa Tuồng xuống phố tại Đà Nẵng; biểu diễn Múa lân, Hát bội, Đờn ca tài tử... tại TP Hồ Chí Minh.
Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam còn là nguồn cảm hứng vô tận, nền tảng cho sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật biểu diễn hiện đại. Nhiều chương trình trên nền di sản dân gian đã được đưa tới công chúng trong thời gian gần đây như: Teh Dar - khai thác văn hóa Tây Nguyên, thu hút người xem với kỹ thuật xiếc tre và nhào lộn mạo hiểm, cùng âm sắc nhạc cụ dân tộc đầy mê hoặc; Tinh hoa Bắc Bộ tái hiện những giá trị văn hóa Đồng bằng sông Hồng cổ xưa một cách sinh động, chân thực và thêm hấp dẫn với âm nhạc truyền thống và những màn đối đáp Quan họ, biểu diễn Múa rối…
Mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng theo nhiều chuyên gia, lĩnh vực này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các hình thức giải trí hiện đại, chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu khán giả. Bên cạnh đó, sự thiếu đầu tư trong giáo dục và đào tạo nghệ sĩ truyền thống có thể tạo ra khoảng trống trong việc duy trì và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Việc thiếu nguồn lực tài chính, hỗ trợ và quảng bá cũng đang là một bài toán chưa có lời giải thỏa đáng…
Chương trình biểu diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”
Tăng cường kết nối, nâng cao nhận thức
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) cho biết: Trung tâm đã có nhiều chương trình đưa Xẩm, Chèo, Tuồng… tới công chúng trong nước và khách du lịch. Tuy nhiên, hành trình này cũng gặp không ít hạn chế phải đối diện như bài toán vòng đời sản phẩm; thị hiếu khách hàng; nguồn nhân lực không đủ đáp ứng cho các đơn vị; sự bồi đắp tri thức, kiến thức văn hóa nghệ thuật và sân khấu cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ còn thiếu hụt...
Tập trung vào việc khai thác nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong phục vụ du lịch, TS Nguyễn Thu Thủy, Giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các ngành cần ngồi lại với nhau để tạo ra sự kết nối và những sản phẩm không chỉ hướng tới du khách quốc tế mà cả khán giả trong nước. “Câu chuyện kết nối luôn được nhắc đến khi phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Bởi, nếu chỉ có ngành Văn hóa, thì việc phát triển này sẽ rất khó khăn. Ở đây chúng ta cần có sự kết nối giữa Văn hóa - Du lịch để tạo dựng các sản phẩm có thể “đóng gói” các loại hình, không chỉ là nghệ thuật truyền thống mà cả các loại hình khác cũng như các ngành dịch vụ để tăng khả năng tiếp cận của du khách. Hiện nay, việc các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, phát triển du lịch đêm cũng gia tăng không gian để nghệ thuật biểu diễn có cơ hội được tỏa sáng. Bên cạnh sự kết nối giữa ngành Văn hóa và Du lịch, cần cả sự kết nối giữa ngành Văn hóa và Giáo dục, để có thể có những hoạt động nuôi dưỡng lòng yêu nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ…”, TS Nguyễn Thu Thủy nhận định.
Hiện đã có sự khai thác đơn lẻ từ các doanh nghiệp có tầm nhìn hướng tới văn hóa, nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, cơ quan quản lý cần đưa ra và có những quy định, hướng dẫn phù hợp, có cơ chế thúc đẩy nghệ thuật, kết nối không gian sáng tạo, kết nối nghệ sĩ, nghệ nhân, hỗ trợ về cơ chế xin cấp phép sự kiện, chia sẻ thông tin về không gian nghệ thuật biểu diễn… Sự kết nối như vậy sẽ giúp chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm để cùng phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống.
Một số ý kiến cũng lo ngại việc đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống vào công nghiệp văn hóa sẽ không phù hợp theo nhiều tiêu chí… TS Nguyễn Thị Thu Thủy góp ý: “Cần nâng cao nhận thức để mọi người hiểu, nhìn ra giá trị của các hình thức văn hóa, của nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Ngoài tiến hành biểu diễn, phục dựng, cần có những người làm công tác thu thập tư liệu để đầu tư bài bản, chuyên nghiệp khi khai thác di sản, tạo ra sản phẩm phục vụ công chúng đương đại; đồng thời có thể giới thiệu, giảng dạy để lan tỏa giá trị của các loại hình này tới khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Khi có sự hiểu biết đầy đủ từ phía những người thực hành di sản, người tổ chức biểu diễn cũng như công chúng, rào cản của lĩnh vực này sẽ dần dần được dỡ bỏ”.
TRUNG NGHĨA