Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên

VHO - Sân khấu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tối qua 9.1 thật sự tưng bừng bởi sự xuất hiện của vở diễn Câu hò đất Mẹ - tác phẩm dự thi Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021 tại TP.HCM. Sự kiện càng có ý nghĩa hơn khi vở được công diễn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Học sinh - sinh viên Việt Nam 9.1.

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 1

Nghệ sĩ Như Huỳnh trong hình tượng Nguyễn Thị Minh Khai

Khắc họa thành công hình tượng nhân vật lịch sử

Vở kịch Câu hò đất Mẹ (tác giả: Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: Hoàng Duẩn) là câu chuyện kịch khắc họa hình tượng nghệ thuật của hai chiến sĩ cộng sản trẻ Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong. Chuyện kịch là những khoảnh khắc gây cấn, ác liệt nhất của hai anh hùng dân tộc ưu tú, đại diện cho lớp trí thức trẻ thời ấy, khi đứng trước ranh giới của sự tử sinh, đã thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất… Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Có thể nói, đề tài chiến tranh - cách mạng luôn là thử thách đối với người làm sân khấu, bởi tác phẩm phải làm sao khắc họa hình ảnh những tượng đài lịch sử, chuyển tải thông điệp đến người xem qua ngôn ngữ nghệ thuật là điều không dễ dàng. Với Câu hò đất Mẹ, một câu chuyện lịch sử cách mạng được kể lại bằng ngôn ngữ kịch nói đã thể hiện được sự sáng tạo, tinh tế và đặc biệt là rất dung dị, gần gũi với đời sống của những khán giả hôm nay…

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 2

Bài thơ thể hiện sự kiên cường của nữ anh hùng được viết bằng máu trong chốn lao tù

Về cơ bản, tác phẩm vẫn trung thành với nguyên mẫu hình tượng các nhân vật lịch sử, nhưng cái thành công của tác phẩm còn nằm ở việc khai thác khía cạnh tâm lý các nhân vật. Mạch kịch được khai thác từ những tình cảm thiêng liêng, sâu lắng và cả lãng mạn nhất trong mỗi con người. Nguyễn Thị Minh Khai bị tòa án thực dân Pháp kết án tử hình khi vừa 31 tuổi. Trước giờ thi hành án tử, lắng lòng, chị nhớ quê hương; nhớ mẹ; nhớ đứa con bé bỏng chỉ một tháng tuổi đã phải rời bầu sữa để mẹ đi làm cách mạng. Chị nhớ chồng, cũng là người đồng chí, người chỉ huy – anh Lê Hồng Phong – tình yêu thương đôi lứa quyện hòa với tình yêu đất nước, quê hương. Chị nhớ những người đồng đội vì lý tưởng cách mạng đã cùng sẻ chia gian khổ, hy sinh… Qua Câu hò đất Mẹ, người xem có được góc nhìn toàn diện hơn về các anh hùng dân tộc. 

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 3

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 4

Những trường đoạn xúc động khi mô tả tình cảm thiêng liêng với mẹ, với đứa con thơ bé bỏng của nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đảm nhận vai diễn nặng ký này là nghệ sĩ trẻ Như Huỳnh. Cô đã thể hiện thành công hình tượng nhân vật Nguyễn Thị Minh Khai. Độ tuổi tương đồng, nét đẹp hiện đại, đôi mắt to tròn cùng khả năng diễn xuất nội tâm tốt, đầy thần thái, Như Huỳnh đã lột tả gần như trọn vẹn hình tượng người nữ anh hùng. Ngoài diễn xuất giỏi, Như Huỳnh vốn là nghệ sĩ cải lương, nên cô đã thể hiện quá ngọt ngào những đoạn ru, hò, làm cho tác phẩm trở nên mềm mại, dễ đi vào lòng người hơn. Bên cạnh đó, vũ đạo tốt đã giúp Như Huỳnh thể hiện thành công những cảnh bị tra tấn khốc liệt, tạo hình ảnh vừa đẹp mà mang tính ước lệ cao trên sân khấu. Ở những cao trào này, biên đạo múa Vĩnh Khương đã thể hiện xuất sắc… 

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 5

Những ký ức của chị Minh Khai với người chồng, cũng là người đồng chí - anh Lê Hồng Phong (do Võ Tấn Phát thể hiện)

Một khác biệt của Câu hò đất Mẹ so với các vở thông thường là phần thiết kế sân khấu. Với sự hỗ trợ của màn hình LED và nhóm múa VHS, cả vở kịch dài 105 phút không cần phải thay đổi cảnh trí mà vẫn thể hiện đầy đủ nội dung tác phẩm muốn thể hiện, từ cảnh nhà tù giam giữ phạm nhân, treo phạm nhân lên tra tấn, khung cảnh trường Đại học Phương Đông vui tươi hiện đại hay cảnh miền quê Việt thân thương, đượm buồn… Với thiết kế sân khấu đa năng này đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian chuyển cảnh, đặc biệt là khán giả và cả diễn viên sẽ không bị đứt quãng cảm xúc khi mà tình tiết được diễn tiến liên tục, khiến người xem cuốn hút hơn. 

Ngoài hai nhân vật chính, dàn diễn viên phụ trong các vai người mẹ, chị Hai, mật thám, cai ngục, lính… tuy xuất hiện không nhiều nhưng đều được khắc họa rõ nét, diễn tròn trịa phân đoạn của mình. Từng lời thoại của các nhân vật được chọn lọc kỹ lưỡng, “chắc tay”, khiến vở diễn vừa đủ dung lượng, không dàn trải, lê thê. Tác phẩm còn ấn tượng bởi sự sự kết hợp giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, dân gian và đương đại, đặc biệt là những chất liệu đặc trưng của âm nhạc dân gian Việt Nam như hát ru, hò Ví, Giặm, hát Bội được hòa trộn có chọn lọc, tiết chế vừa đủ đã phát huy tác dụng nâng đỡ cảm xúc cho diễn viên và khơi gợi tình cảm nơi khán giả.

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 6

Hình ảnh khói lam chiều và những quang gánh, hàng trầu cau nơi 18 thôn vườn trầu Bà Điểm, Hóc Môn hiện về trong ký ức hai người chiến sĩ xa xứ

"Kịch phải thật trẻ và đời"

Được biết, ngoài một số diễn viên chuyên nghiệp, vở có sự tham gia của giảng viên và sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Chia sẻ vấn đề này, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết, “Câu hò đất Mẹ bên cạnh là một tác phẩm được dàn dựng công phu để tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021, thông qua đây, chúng tôi muốn vở kịch phải mang dấu ấn của sinh viên. Do vậy, không chỉ tham gia diễn xuất, các sinh viên còn trực tiếp thực hiện nhiều vai trò, từ cảnh trí, âm nhạc, hậu trường, trang phục, kỹ thuật, ánh sáng… Ngoài ra, quá trình làm việc với ê kíp là các diễn viên chuyên nghiệp sẽ giúp sinh viên có cơ hội học hỏi, tăng cường kỹ năng thực tế nghề nghiệp, hỗ trợ rất nhiều cho các em trong quá trình học tập và làm nghề sau này, đó là lý do chúng tôi muốn có sự phối hợp giữa diễn viên chuyên nghiệp và các sinh viên Nhà trường”. Theo đạo diễn, trong quá trình tập luyện, ê kíp vở kịch, bao gồm cả diễn viên và sinh viên đã trực tiếp đến di tích lịch sử quốc gia Ngã Ba Giòng ở Hóc Môn, TP.HCM, nơi thực dân Pháp đã bắt và xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa. Qua đây, để các bạn được hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về hình tượng nhân vật mà mình đang hóa thân, từ đó luôn có ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc hơn.

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 7

Câu hò đất Mẹ trên sân khấu Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với sự tham gia của sinh viên và giảng viên Nhà trường

Đạo diễn Câu hò đất Mẹ cũng chia sẻ thêm, đối tượng khán giả mà vở kịch hướng đến là sinh viên, do đó mặc dù kịch cách mạng nhưng cách xây dựng cũng phải thật trẻ và đời để chính các bạn có thể thấy được chính mình trong những tấm gương của người đi trước. “Thời nào cũng có những người trẻ và những người trẻ yêu nước bằng cách này hay cách khác. Dù là những anh hùng hiên ngang bất khuất trước quân thù thì họ vẫn có một thời tuổi trẻ biết yêu, biết sống hết mình cho lý tưởng và đó là mạch nối đồng điệu với giới trẻ hôm nay”, đạo diễn Hoàng Duẩn bày tỏ.

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 8

TS Trịnh Đăng Khoa (Hoàng Trịnh), Trưởng khoa Quản lý văn hóa - nghệ thuật trong vai lính, trong một phân đoạn gần cuối vở

Câu hò đất Mẹ với sự tham gia của Như Huỳnh (vai Nguyễn Thị Minh Khai), Võ Tấn Phát (Lê Hồng Phong), Bảo Trí (mật thám), Kim Tuyết (chị Hai), Cẩm Linh (bà mẹ), Mai Dũng (cai ngục), Hoàng Trịnh (lính), Minh Trọng (lính) và các sinh viên. Chỉ đạo nội dung: Lương Văn Nhiền, chỉ đạo thực hiện: Nguyễn Thế Dũng. Đây là tác phẩm thuộc dự án liên kết hợp tác giữa Khoa Quản lý văn hóa - nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM với Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Phiêu Linh. 

Mang sân khấu Kịch nói đến với sinh viên - Anh 9

Ê kíp thực hiện chương trình

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong vai trò chỉ đạo thực hiện tác phẩm cho biết, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương gắn Nhà trường với xã hội, lý luận song song thực hành, gắn phục vụ nhiệm vụ chính trị và cộng đồng… Nhà trường luôn tạo điều kiện để các giảng viên và sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, làm hành trang vững chắc để hỗ trợ nhiều hơn cho các em trong quá trình học tập cũng như công việc sau này khi ra trường. “Lần này vở kịch biểu diễn dự thi tại trường với mong muốn các sinh viên có thêm cơ hội thực hành việc tổ chức một sự kiện quy mô lớn, để qua đó được học tập cách làm việc chuyên nghiệp, đồng thời, cũng là cơ hội để người dân tại địa phương được thưởng thức một chương trình văn hóa – nghệ thuật, sau thời gian dài dịch bệnh vừa qua”. 

Được biết, Câu hò đất Mẹ là tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Sau Liên hoan, vở sẽ đi biểu diễn tại một số trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc