Liên hoan Tân cổ giao duyên và Chặp cải lương TP.HCM: Lộ diện nhiều gương mặt trẻ triển vọng
VHO- Liên hoan Tân cổ giao duyên và Chặp cải lương các xã nông thôn mới TP.HCM năm 2023 vừa chính thức khép lại tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông (VH,TT&TT) huyện Nhà Bè. Liên hoan do Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức, dành cho thành viên các CLB Đờn ca tài tử - Cải lương xã, thị trấn của trung tâm VH,TT&TT các huyện ngoại thành; diễn viên chuyên và không chuyên là thành viên nòng cốt phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.
Theo BTC, Liên hoan là sự kiện văn hóa góp phần quan trọng trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới của TP, là cơ hội để các giá trị nghệ thuật dân tộc lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc cổ truyền Đờn ca Tài tử và Cải lương Nam Bộ. Sự kiện cũng nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa - văn nghệ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Đây còn là dịp giúp các xã giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức phong trào hoạt động văn hóa - văn nghệ tại địa phương.
Món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP
Tân cổ giao duyên và Chặp cải lương TP.HCM năm 2023 quy tụ gần 100 nhạc công và diễn viên múa của các đơn vị Trung tâm VH,TT&TT thuộc 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM, với 15 tiết mục Tân cổ giao duyên và 5 Chặp Cải lương, nội dung kịch bản phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống ở vùng nông thôn mới, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Theo đó, các bài dự thi tập trung nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi quê hương, đất nước, con người Việt Nam; ca ngợi công lao của những bậc tiền nhân, những người có công khai sáng và phổ biến nghệ thuật Đờn ca Tài tử - Cải lương Nam Bộ; phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nhân dân TP… Nêu bật những thành tựu về phát triển văn hóa, an sinh xã hội, thành tựu xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM và đất nước. Trong đó, phản ánh sâu sắc quá trình đổi mới; cổ vũ, phát huy những truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình hạnh phúc, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết, phong trào thi đua yêu nước…
Nội dung các bài dự thi còn tập trung phê phán thói hư, tật xấu đang diễn ra trong đời sống xã hội như: Tệ nạn rượu chè, cờ bạc; mê tín dị đoan; tàn phá môi trường; thiếu ý thức trong xây dựng gia đình hạnh phúc; chưa chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo; hệ lụy mặt trái của công nghệ…
Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa TP.HCM, Trưởng BTC Liên hoan bày tỏ: Tân cổ giao duyên và Chặp Cải lương là những sáng tạo độc đáo đặc trưng của vùng Đồng bằng Nam Bộ, được đông đảo người dân miền Nam ưa chuộng suốt mấy thập niên qua. Đối với người dân TP.HCM, Tân cổ giao duyên và Chặp Cải lương được coi như tiếng nói, hơi thở, vì nội dung, đề tài khai thác của các loại hình này rất đa dạng và phong phú; phản ánh, đề cập nhiều vấn đề đang diễn ra trong hiện thực cuộc sống thông qua giai điệu âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu của diễn viên.
Đến nay, Tân cổ giao duyên và Chặp Cải lương vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP, nhất là bà con ở các huyện ngoại thành. Tân cổ giao duyên và Chặp Cải lương đã từ thôn quê chinh phục được thành thị, để rồi từ thành thị tỏa rộng trở về khắp thôn quê.
Một tiết mục thi diễn tại Liên hoan
Phát lộ những tài năng kế thừa, gìn giữ giá trị tốt đẹp của cha ông
Hội đồng Ban Giám khảo Liên hoan năm nay gồm có nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, tiến sĩ - nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn và soạn giả Đức Hiền.
Đánh giá về chất lượng Liên hoan, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, Trưởng Ban Giám khảo cho biết, đa phần nội dung tiết mục trong các chương trình nghệ thuật thi diễn đều phù hợp với tiêu chí, quy định của BTC. Một số đơn vị đầu tư dàn dựng chặp Cải lương khá công phu, mang tính chuyên nghiệp từ các công đoạn biên tập, chọn lựa kịch bản; thủ pháp dàn dựng của đạo diễn trong việc xử lý đường dây kết nối các tuyến nhân vật, xử lý âm thanh và ánh sáng; cảnh trí, đạo cụ, phục trang…
Liên hoan lần này xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng, hứa hẹn là những tài năng, là thế hệ kế thừa góp phần bảo vệ và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống mà thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng hơn một thế kỷ qua.
“Bên cạnh đó, Liên hoan còn tồn tại một số vấn đề cần lưu ý: Vài đơn vị chưa bám sát thể lệ, quy định nên biên tập và dàn dựng chương trình chưa phù hợp với tiêu chí, tính chất của Liên hoan. Một số giọng ca và ngón đàn trình diễn thiếu tự tin; các kỹ thuật luyến láy, buông hơi, nhả chữ của người thể hiện bài hát chưa đạt mức điêu luyện, nhuần nhuyễn nên chưa chạm đến trái tim của người thưởng thức. Một số nghệ sĩ thể hiện vai diễn thiếu cảm xúc, không chân thật, chưa đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu”, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng nhấn mạnh.
Khép lại Liên hoan năm nay, BTC đã trao 5 giải thưởng Chặp Cải lương và 10 giải thưởng Tân cổ giao duyên, cùng với đó là 10 giải thưởng phụ cho các cá nhân và đơn vị tham gia Liên hoan: 3 giải Diễn viên xuất sắc, 5 giải Diễn viên triển vọng, 1 giải Dàn nhạc đệm Chặp Cải lương hay và 1 giải Đạo diễn dàn dựng chương trình ấn tượng.
Ở thể loại Đơn ca và Song ca, HCV được trao cho Trung tâm VH,TT&TT huyện Cần Giờ. Ở thể loại Chặp Cải lương, Trung tâm VH,TT&TT huyện Củ Chi đoạt giải thưởng cao nhất.
THÙY TRANG