“Lá đơn thứ 72”: Thành công khi xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu kịch
VHO-Vở kịch Lá đơn thứ 72 vừa được Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối qua (2.5). Qua tác phẩm, một lần nữa khẳng định thêm một dấu ấn của Sân khấu Lệ Ngọc với chủ trương dàn dựng những tác phẩm hay, chất lượng ở những đề tài chính kịch. Đặc biệt, lần này là tác phẩm về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đề tài khó, bởi lẽ hình ảnh của Bác đã trở nên quá quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam, để có tác phẩm ghi dấu ấn mới, hấp dẫn và thuyết phục người xem đòi hỏi đầu tư công sức kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, dàn dựng đến diễn xuất ...
Hình tượng Bác Hồ được xây dựng thành công trong tác phẩm
Lá đơn thứ 72 được viết theo tư liệu có thật của Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao, người đã từng giải mã nhiều vụ án oan thấu trời xanh. Trong đó có vụ án oan sai của ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người. Mang trọng tội là kẻ chủ mưu giết người, dù không mấy hy vọng nhưng liên tục trong suốt 8 năm trời trong trại cải tạo ông Chồi không ngừng làm đơn kêu oan gửi tới Bác Hồ. Lúc bấy giờ khoảng năm 1966, Hồ Chủ tịch cho thư ký Vũ Kỳ chuyển cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao một lá đơn kêu oan của ông Đỗ Văn Chồi với lời nhắn: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm. Bác yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải giải quyết việc này rồi báo cáo kết quả cho Bác biết”- Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó vụ án oan sai của ông Đỗ Văn Chồi đã được minh oan.
Từ câu chuyện có thật này, tác giả Hoàng Thanh Du đã viết kịch bản Lá đơn thứ 72 cùng với sự góp sức dàn dựng của NSND Lê Tiến Thọ (đạo diễn), NSND Vương Duy Biên (Thiết kế sân khấu) cùng các nghệ sĩ quen thuộc đã tạo dựng nên thương hiệu của Sân khấu Lệ Ngọc: Nghệ sĩ Văn Hải vai Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc vợ Đỗ Minh, Anh Tuấn vai Đỗ Minh, NSƯT Hoàng Tùng vai Vũ Kỳ, Hán Huy Bách vai Viện trưởng, Lê Chí Kiên vai giám thị trại giam, Lâm Cương vai Tùng, cán bộ điều tra, Công Phùng vai Dư, cán bộ điều tra…
Hoạ sĩ, NSND Vương Duy Biên đã đưa ra một hình thức sân khấu đẹp và linh hoạt
Một trong những cảnh xúc dộng trong kịch
Lá đơn thứ 72 được dàn dựng có nghề và khá tỉ mỉ, kỹ lưỡng tới từng chi tiết. Khi chuyển nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi vào kịch bản, tác giả đổi tên nhân vật là Đỗ Minh. Với thân phận phạm nhân số 003, Đỗ Minh đã nhẫn nại tự kêu oan cho mình, qua những lá thư gửi đến vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Có chi tiết rất đặc biệt được khai thác đó là việc mặc dù bị khai trừ khỏi đảng khi vào tù nhưng Đỗ Minh vẫn chấp hành rất tốt các quy định của trại giam, năm nào cũng thiết tha dành số tiền ít ỏi mà bản thân có được để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Chính chi tiết này Bác Hồ đã khẳng định một đảng viên còn niềm tin mãnh liệt vào Đảng như thế, rất có thể anh ta bị oan thật nên đã yêu cầu điều tra lại.
Quan điểm của Bác Hồ về vấn đề người dân kêu oan trong Lá thư thứ 72 được trình bày khá rõ ràng: "Chuyện của một con người là nhỏ sao? Không có việc nhỏ, chỉ có bàn tay nhỏ, cách nghĩ nhỏ. Hạt cát có nhỏ không, nhưng vào mắt, vào mũi, vào một cỗ máy thì sẽ ra sao? Một con người càng không phải là một hạt cát. Chuyện của một con người nhưng liên quan đến công lý của một đất nước. Nếu thấy cần thiết thì phải cho mở phiên tòa lại. Phải cử những chuyên viên giỏi, điều tra kỹ lưỡng và không được quan liêu. Vì nếu công dân thực sự bị oan thì đó là lỗi của chúng ta... Một ngày tù dài lắm. Nếu bị oan ức thì thật kinh khủng". Đồng thời, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: "Pháp luật phải tìm cho ra được nguyên nhân, cắt nghĩa được các hoạt động phạm tội để ngăn cản" (lời thoại của nhân vật trong kịch). Đoạn kết có hậu của Lá thư thứ 72 là phạm nhân Đỗ Minh được giải oan trong niềm vui sướng tột bậc.
Huy động trí lực của các “lão làng” sân khấu
Bỏ qua lối thiết kế sân khấu rườm rà, hoạ sĩ, NSND Vương Duy Biên đã mang tới một thiết kế ước lệ khá ấn tượng, chỉ cần vài tấm pano di chuyển được trên sân khấu nhưng lại tạo biến hoá khôn lường. Khi là nhà tù, khi lại là trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hay trong bệnh viện… Ngay khi mở màn, người tù Đỗ Minh đã mở toang ra hai cánh cửa để kêu oan, rồi khi cán cân giữa người bị oan và sự quan liêu của viên cán bộ điều tra, những tấm pano lại trở thành bức tường rào đấu tranh giữa hai tuyến nhân vật, tạo nên sự căng thẳng đầy kịch tính. NSND Vương Duy Biên thổ lộ: "Một sân khấu tư nhân mà dám đầu tư một vở mang tính chính luận như Lá thư thứ 72 thì thực sự rất đáng ủng hộ. Chính vì hiểu rằng đầu tư kinh phí dàn dựng đối với đơn vị xã hội hoá là khó khăn, nên tôi đã không đưa ra những bối cảnh quá hoành tráng và tốn kém, vì sợ họ không kham nổi. Tôi cố gắng đưa ra những xử lý về trang trí mỹ thuật để tăng tính ước lệ phù hợp với sàn diễn quy mô vừa phải. Tôi cũng rất thích thông điệp của vở kịch này, nên tôi khá hào hứng khi góp tay với ê-kip thực hiện. Đặc biệt, tôi đặt ra tiêu chí bối cảnh Bác Hồ xuất hiện phải thật giản dị mà thật trang nhã, mới toát ra được phong thái lãnh tụ quan tâm đến số phận mỗi người dân". Chính vì phải “liệu cơm gắp mắm” cho một sân khấu tư nhân mà NSND Vương Duy Biên và đạo diễn đã tìm ra chiếc chìa khoá thiết kế sân khấu vô cùng ấn tượng.
Ngay cả những nhân vật phụ cũng được đạo diễn chăm sóc để tạo nên những tính cách riêng
Khán giả nô nức vào xem kịch
Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín không còn một ghế trống
Với đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ, không ai nghi ngờ khả năng dàn dựng của ông trên sân khấu tuồng với hàng loạt những tác phẩm lớn cho loại hình nghệ thuật này. Nhưng khi bước sang dàn dựng cho sân khấu kịch nói, ông cũng đã tạo nên bất ngờ với lối dàn dựng chỉn chu, gọn gàng và vô cùng thú vị. Có nhiều cảnh diễn đắt, tạo sự xúc động đôi với người xem như cảnh vợ chồng tù nhân Đỗ Minh gặp nhau, khao khát được tự do, được trở về với gia đình, với vợ con là điều mà ai cũng cảm nhận chỉ qua vài lời thoại và hành động của nhân vật trong kịch. Hoặc khán giả cũng cảm thấy tâm trạng lo lắng của người đứng đầu đất nước khi vi hành về địa phương, trực tiếp chứng kiến cảnh cán bộ ở địa phương nơi vợ con người tù Đỗ Minh chèn ép họ. Và cái kết khi mọi nút thắt được ở cái kết có hậu, cảnh các cháu thiếu nhi quây quần bên Bác Hồ cùng các nhân vật trong kịch đã mang lại sự phấn chấn vào niềm tin công lý rồi sẽ chiến thắng.
Lá đơn thứ 72 ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sân khấu Lệ Ngọc đã thực sự mang tới cho công chúng một tác phẩm đặc biệt, khắc hoạ rõ nét hình tượng Bác – Người cha già luôn hết lòng vì dân, luôn gần dân và quan tâm tới cả những người yếu thế nhất; hướng đến vận động mọi người cùng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra vở kịch cũng nói lên chân lý hi vọng công lý luôn ở cuối con đường dù khó khăn đến mấy cũng được soi sáng.
THUÝ HIỀN, Ảnh: KIÊN TRUNG