Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời

VHO- Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức đã khép lại với sự kiện bế mạc Gala tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói. Đến dự chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan và nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu...

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho 7 tập thể đã có nhiều đóng góp cho thành công của Tuần lễ kỷ niệm

 Những hoạt động sôi nổi trong tuần lễ kỷ niệm đã để lại cảm xúc và ấn tượng khó quên đối với công chúng nói chung và những người làm nghệ thuật nói riêng...

Gặp lại những “người hùng” một thuở

Chứng kiến hình ảnh lớp nghệ sĩ trẻ dìu những bậc cao niên như Nhà nghiên cứu phê bình lý luận, PGS Tất Thắng; Họa sĩ, NSND Doãn Châu; Đạo diễn, NSND Hoàng Quân Tạo… bước lên sân khấu nhận tri ân tại Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói, không ai là không rưng rưng xúc động và bồi hồi khi nghĩ về những tên tuổi đã từng “tung hoành ngang dọc” mang lại cho sân khấu nói chung, kịch nói Việt Nam nói riêng những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian.

Họa sĩ, NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, được mệnh danh là “phù thủy” của mỹ thuật sân khấu với gần 400 vở diễn, trong đó có hàng loạt những vở kinh điển như Hà My của tôi, Đỉnh cao mơ ước, Sống mãi tuổi 17, Rừng trúc, Vua Lia… Ông chia sẻ: “Tôi được giới làm nghệ thuật gọi là “từ điển sống” của sân khấu kịch nói, bởi lẽ tôi đã được tiếp cận với kịch từ năm 11 tuổi. Rất vinh dự khi nói rằng, tất cả các vở kịch nổi tiếng mang lại tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam tôi đều được tham gia, được đóng các vai diễn và làm việc với những nghệ sĩ ở thế hệ thứ nhất, thứ hai như: NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Trúc Quỳnh, NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Doãn Hoàng Giang, Quang Thái… Nhìn lại quá khứ hào hùng mà các thế hệ nghệ sĩ kịch nói đã cùng nhau bồi đắp, xây dựng, tạo nên vị thế là thể loại sân khấu mũi nhọn, tôi rất tự hào và xúc động. Tôi còn nhớ, cũng chính tại Nhà hát Lớn, một đạo diễn Mỹ đã nói với tôi: “Nền kịch nói Việt Nam không thua kém bất cứ một nước nào trên bản đồ thế giới”. Đã có lúc sân khấu kịch huy động tới 300 nghệ sĩ của 5 nhà hát kịch nói hàng đầu để dựng vở Bài ca Điện Biên, một tác phẩm vĩ đại, đáng tự hào”.

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 2

 Một cảnh trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của cố tác giả Lưu Quang Vũ được biểu diễn trong Tuần lễ kỷ niệm

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Bộ VHTTDL và Hội đứng ra tổ chức sự kiện ý nghĩa cho một thể loại sân khấu như kịch nói. Tuần lễ kỷ niệm không chỉ là dịp tri ân công sức, đóng góp của các bậc tiền bối của kịch Việt mà còn biểu thị mong muốn vực dậy nền sân khấu sau đại dịch Covid-19. Những tràng pháo tay vang dội cổ vũ của khán giả cho thấy sân khấu kịch vẫn cuốn hút người xem nếu như có những tác phẩm hay, có giá trị”.

Bên cạnh những “cây đa, cây đề” thì các gương mặt trẻ như Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Diễm Hương… cũng thu hút sự chú ý của khán giả bởi sự góp mặt của họ trên các bộ phim truyền hình đang rất hot. Thanh Sơn tâm sự: “Khán giả biết đến tôi ở các vai diễn trong phim truyền hình, nhưng tôi vẫn luôn khẳng định và muốn mọi người biết đến với vai trò là diễn viên kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Nghệ sĩ hôm nay có rất nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của mình, không chỉ ở trên sân khấu mà còn trong các lĩnh vực khác như điện ảnh, truyền hình... Nhưng tôi mong khán giả hãy đến và xem chúng tôi biểu diễn trực tiếp trên sàn diễn của nhà hát”.

Trách nhiệm của người làm nghệ thuật hôm nay

Tuần lễ kỷ niệm là dịp để những người làm sân khấu kịch hội ngộ, giao lưu, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn và cùng tìm ra những hướng phát triển mới. Tại Hội thảo 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển, giới chuyên môn đều có chung nỗi lo “mất trắng khán giả” và đã có nhiều đề xuất được đưa ra, hy vọng sẽ “cứu” sân khấu thoát khỏi cơn khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử phát triển 100 năm qua.

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 3

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 4

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 5

Kịch nói Việt Nam: Phải là “người đối thoại” xứng đáng với đương thời - Anh 6

Niềm vui của nghệ sĩ sân khấu kịch nói khi được gặp gỡ

Ai cũng biết, muốn có một tác phẩm sân khấu hay trước tiên phải có kịch bản hay, vì vậy, vai trò của tác giả kịch bản là vô cùng quan trọng trong mắt xích sáng tạo. Tác giả Nguyễn Đăng Chương, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, một trong những cây bút sung sức nhất hiện nay nhận định: “Sân khấu kịch nói đang bị khủng hoảng cả về lượng và chất. Vì sao khán giả quay lưng lại với sân khấu kịch nói, bản thân những người làm nghệ thuật phải tự tìm được lời giải cho mình. Nhiều tác giả đã không lăn lộn vào đời sống, không lý giải được mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại, không đọc được nỗi đau và nói lên ý chí của con người hôm nay. Rõ ràng, kịch nói đang rời xa những vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra sôi nổi hằng ngày, hằng giờ trong xã hội. Một thời gian dài, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sân khấu kịch nói thiếu sự định hướng. Chủ trương, đường lối phát triển rất rõ nhưng từ đường lối đến thực tiễn lại khác xa nhau, nhất là khi cuộc sống đang liên tục thay đổi. Tác giả cũng cần những “bệ đỡ”, chính là sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghệ thuật. Kịch bản hay đề cập tới vấn đề thời sự gai góc của xã hội đương đại thì lại sợ đụng chạm… và rốt cuộc là né tránh. Tôi đã có lúc phải tự rút kịch bản vì có những chi tiết, những câu tuyên ngôn thể hiện tư tưởng mình tâm đắc nhưng lại bị yêu cầu cắt gọt đi…”.

Đồng quan điểm, tác giả Chu Thơm nhận định: “Tôi vẫn hay đùa rằng, sân khấu sao lắm kịch bản thế, tác giả nhiều thế… Vậy mà sao để có một vở diễn hay, có đời sống dài bằng những đêm diễn lại khó đến vậy? Nếu chỉ viết và dựng và rồi để “xếp kho” thì đừng nên làm vì tiền dàn dựng là công sức của nghệ sĩ, của nhân dân… Tôi cho rằng, muốn nghệ thuật phát triển thì người làm nghệ thuật phải có cái tâm sáng”.

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đi thực tế tại các nhà hát ở các nước khác thì ngỡ ngàng bởi sự hiện đại của nhà hát cũng như trang thiết bị của họ đảm bảo cho những người làm nghệ thuật một môi trường sáng tạo vô cùng lý tưởng. Chúng ta đang thiếu thốn không chỉ là trang thiết bị, nhà hát mà ngay từ chế độ, chính sách cũng còn rất nhiều bất cập và quá lỗi thời”.

Khép lại 100 năm tuổi cho sân khấu kịch nói, những người làm nghệ thuật sân khấu chung, nghệ sĩ kịch nói nói riêng vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Vì sao sân khấu kịch nói đánh mất đi vai trò là thể loại xung kích của sân khấu nước nhà? Vì sao không thể tìm ra những phương thức hoạt động mới để thoát khỏi “bầu sữa bao cấp”? Vì sao đội ngũ tác giả sân khấu thừa về “lượng” nhưng thiếu về “chất”? Trong xu thế hiện nay, do yêu cầu đổi mới và phát triển, do đòi hỏi ngày càng cao từ nhu cầu thưởng thức của khán giả, bản thân những người làm nghệ thuật sân khấu phải nghiêm túc đánh giá và chủ động thay đổi tư duy từ cách tiếp cận khán giả cho tới việc định hướng xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Đúng như lời chia sẻ của vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi, mong rằng sân khấu kịch nói sẽ vượt qua thách thức, lấy lại hy vọng và sự phấn khích để trở thành “người đối thoại” xứng đáng với đương thời. 

  Tại lễ Bế mạc, BTC đã vinh danh, tri ân 10 nghệ sĩ lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Bộ VHTTDL đã trao bằng khen của Bộ trưởng cho 7 tập thể: Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Sân khấu Lucteam, Sân khấu Lệ Ngọc, Trung tâm Sân khấu và Phát triển và 18 cá nhân đã có nhiều nỗ lực cho thành công của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói.

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc