Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2023
VHO - Tối qua 27.10 đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 (Vietnam Dance Week 2023) tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Chương trình có sự tham dự của các đại biểu trong nước và quốc tế, các thế hệ nghệ sĩ múa Việt Nam tiêu biểu và công chúng yêu nghệ thuật múa.
Khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2023
Tuần lễ múa Việt Nam 2023 với chủ đề Hội tụ và tỏa sắc tương lai do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM, Ban Quản lý Công viên Thống Nhất Hà Nội… tổ chức.
Tuần lễ Múa Việt Nam năm 2023 được tổ chức từ 19 - 21.10 tại TP.HCMvà từ 25 - 29.10 tại Hà Nội, gồm các nội dung chính: Cuộc thi múa dân gian các dân tộc Việt Nam dành cho các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc; Liên hoan Múa Việt Nam - quốc tế dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật múa trong và ngoài nước; ra mắt và phổ biến Vũ điệu tay trong tay - Hand in Hand - vũ điệu mang tính đại chúng nhằm lan tỏa tới đời sống của nhân dân.
Phát biểu khai mạc, TS, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, Tuần lễ Múa Việt Nam là dịp để những nghệ sĩ múa, những nhà biên đạo múa, huấn luyện múa có cơ hội gặp nhau, so tài, giao lưu, gắn kết, tìm ra hướng phát triển và các mô hình hoạt động hiệu quả, nhằm lan tỏa vị trí, vai trò của nghệ thuật múa trong đời sống xã hội hôm nay.
Đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho công chúng - những người yêu nghệ thuật múa được tham gia vào một sân chơi chuyên nghiệp, nhằm khám phá vẻ đẹp của chuyển động cơ thể qua sự sáng tạo nghệ thuật; thưởng thức, đánh giá nghệ thuật múa qua các tác phẩm múa được trình diễn trên sân khấu.
Tuần lễ Múa là dịp để những nghệ sĩ múa, những nhà biên đạo múa, huấn luyện múa có cơ hội giao lưu
“Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 chính là bước tiến trên hành trình lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa vào đời sống và góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng xã hội. Từ đây, tạo ra những góc nhìn nhiều chiều, những hướng đi mới và cho công chúng thấy được sự đa dạng các hình thức sáng tạo nghệ thuật múa, trong đó lấy nhu cầu của chính công chúng làm trọng tâm để tạo ra những chương trình, những sân chơi hấp dẫn hơn, gắn với thực tiễn phong phú, sôi động ngay trong chính cuộc sống xã hội", NSND Phạm Anh Phương nhấn mạnh.
Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực – Ban Chỉ đạo Liên hoan Tuần lễ Múa Việt Nam khẳng định, Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 là cơ hội để ngành Múa giới thiệu và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ múa và những người yêu nhảy múa, lan tỏa sâu rộng nghệ thuật múa vào trong đời sống xã hội, tôn vinh nghệ thuật múa dân gian dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển văn hóa nghệ thuật như một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Thông qua đó, tìm kiếm cơ hội hợp tác và tìm ra những mô hình hoạt động hiệu quả, những hướng phát triển mới cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật múa Việt Nam.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 được khởi động từ tháng 7.2023, nhận được sự hưởng ứng của gần 500 thí sinh, trong đó có các nghệ sĩ quốc tế đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ... Đặc biệt, trong lần đầu tổ chức Tuần lễ Múa Việt Nam, ngoài việc dành cho các nghệ sỹ chuyên nghiệp, công chúng yêu nghệ thuật múa trong và ngoài nước, ở nhiều độ tuổi từ thiếu nhi đến người cao tuổi, thì còn mở rộng đến các đối tượng là các nhà nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình… tham gia.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm được thí sinh mang đến Tuần lễ Múa Việt Nam khá đa dạng về đề tài, ý tưởng như phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, anh hùng cách mạng, tình yêu gia đình, lứa đôi và những quan hệ xã hội trong đời sống đương đại. Hình thức, thể loại thể hiện tác phẩm cũng rất phong phú với đủ các dòng nghệ thuật: Ballet, neo classic, dân gian, dân tộc, truyền thống, đương đại, hiphop pop dance, jazz...
Đặc biệt, qua kỳ thi này, Ban tổ chức nhận thấy rằng có rất nhiều hình thức, thể loại nhảy múa mới với nhiều phong cách nghệ thuật khác biệt đang dần lộ diện. Và hơn nữa, thông qua hình thức dự thi trên nền tảng số, chúng ta cũng nhận thấy rằng việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng kĩ thuật, kĩ xảo vào khâu sản xuất, cắt dựng, dàn dựng video, clip trong sáng tác, xây dựng tác phẩm múa để tạo ra những hình ảnh sinh động, đẹp mắt tạo hiệu ứng đắc dụng trong khâu quảng bá, lan tỏa nghệ thuật múa đến với công chúng thưởng thức trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Lan tỏa nghệ thuật Múa đến với công chúng
Song song với Tuần lễ Múa Việt Nam, Cuộc thi Múa dân gian dân tộc cũng đồng thời được Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức. Khác với tiêu chí dự thi của thí sinh tham dự liên hoan, các thí sinh tham gia Cuộc thi Múa dân gian dân tộc không phải đóng phí dự thi nhưng phải là những biên đạo, nghệ sĩ hoạt động múa chuyên nghiệp. Thêm vào đó, đối với những biên đạo là hội viên Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam còn được hỗ trợ một phần chi phí sáng tác, dàn dựng... Tuy nhiên, theo đánh giá của BTC, nhìn vào số lượng tác giả dự thi ở cả hai miền Nam, Bắc chưa tới 40 tác giả - một số lượng khá ít ỏi so với lượng thí sinh tham dự Liên hoan. Đây là điều khiến nhiều nhiều nhà nghệ thuật cảm thấy muộn phiền. Điều này cũng đặt ra nhiều mối băn khoăn: Vì sao các biên đạo múa e dè mảng sáng tác về múa dân gian dân tộc mà lại hào hứng với mảng múa đương đại; vì đâu dân gian dân tộc được coi là cội nguồn văn hoá lại đang bị các biên đạo múa lơ là, xem nhẹ và phải phải chăng múa dân gian dân tộc không còn sức hấp dẫn với khản giả?… Có lẽ đây cũng là vấn đề khiến Ban tổ chức – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận và bàn thảo để tìm phương hướng thúc đẩy nhằm phát triển mảng sáng tác múa dân gian dân tộc trong nhiệm kỳ tới.
THANH NGỌC; ảnh: HÀ VƯƠNG