Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao: Người đau đáu với sự nghiệp múa rối đã ra đi
VHO - Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đã ra đi ngày 27.11.2022. Ông sinh ngày 28.4.1942 tại Hà Nội. Với 80 năm của cuộc đời và 40 năm nhiệt huyết, lăn lộn với Nhà hát Múa rối Việt Nam nói riêng và sự nghiệp múa rối cả nước nói chung, đạo diễn, hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao đã để lại một tấm gương trong sáng về sự say mê, yêu nghề, hết lòng hết sức vì nghề.
Là một nghệ sĩ sinh ra trong một gia đình truyền thống văn hoá, có bố là lớp hoạ sĩ Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng Ngô Mạnh Quỳnh, đạo diễn, hoạ sĩ Ngô Quỳnh Giao, mang trong mình dòng máu nghệ thuật, say mê nghệ thuật và rồi cơ duyên đã đưa ông đến với Đoàn Nghệ thuật Múa rối Trung ương (nay là Nhà hát Múa rối Việt Nam). Tiếp đó, ông được lựa chọn đi đào tạo bài bản về nghệ thuật múa rối ở Cộng hoà Séc (năm 1967 - 1972).
Tốt nghiệp ở Séc về với mong muốn đem làn gió mới cho nghệ thuật múa rối Việt Nam, ông say sưa làm việc, cống hiến… và tác phẩm đầu tiên gây được tiếng vang sau thời kỳ du học là Mây và Ly - với một lối tạo hình mới mẻ, ấn tượng, cộng với kỹ thuật rối dây rất lạ lẫm đối với những người làm múa rối thời đó… Tiếp đó, ông đã tham gia một loạt các tác phẩm: tạo hình vở Nùng Phai - Gau Dự, dàn dựng vở Câu chuyện năm 2000 ... Mỗi tác phẩm là một sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo khác nhau nhưng đầy hiệu quả và ấn tượng.
Đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao
Hơn 4.000 con rối từ hai bàn tay ông đã được hạ sinh ra đời chỉ bằng phương pháp thủ công, không loại máy móc nào hỗ trợ. Máu “họa sĩ” đã chảy trong huyết quản của ông từ tấm bé. Cha ông, họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh chính là người đã gây dựng nên gánh múa rối đầu tiên ở Hà Nội, sử dụng phương pháp biểu diễn rất độc đáo có tên gọi là: “Điện rối”. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất đó chính là phương pháp vừa biểu diễn rối, vừa bật băng ghi âm đối thoại thu sẵn, bắt chước cách thức lồng tiếng trong điện ảnh. Hồi đó, máy ghi âm còn chạy bằng cách quay dây kim loại, những ngày tháng giúp bố quay dây thép rối tung rối mù, những ngày ôm con rối đi ngủ vạ vật, những buổi chiều mặt lem nhem giúp bố tô vẽ gương mặt rối, Quỳnh Giao đã mê mẩn rối lúc nào không hay. Đối với ông, rối không đơn giản là vật vô tri vô giác, mà còn là những người bạn.
Ngoài chăm lo cho sự nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương, ông còn quan tâm đến sự phát triển của các đoàn rối, nhà hát múa rối cả nước. Từ những năm 80 của thế ký trước, ông đã dựng Tấm Cám cho đoàn Múa rối Hà Nội (nay là Nhà hát múa rối Thăng Long) và mang đi nước ngoài biểu diễn rất thành công, rồi dựng các chương trình cho đoàn Múa rối TP. Hồ Chí Minh… Ông dành nhiều sự quan tâm, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa rối truyền thống, đã lăn lội các phường múa rối Nam Chấn (Nam Định), Nguyên Xá (Thái Bình), Đào Thục (Hà Nội) và một cột mốc đáng nhớ là năm 1984, ông đã có công rất lớn, cùng đồng nghiệp biên tập và đạo diễn Chương trình rối nước cổ truyền (Gồm 16 trò cổ sưu tập từ các phường rối địa phương), trở thành một chương trình tiêu biểu cho rối nước cổ truyền Việt Nam giới thiệu trong chuyến lưu diễn đầu tiên trong lịch sử múa rối nước Việt Nam ở Tây Âu (tháng 2.1984), và cho đến nay, về cơ bản, đây vẫn là chương trình mẫu mực để các nhà hát múa rối khai thác biểu diễn phục vụ công chúng và là món đặc sản yêu thích của du khách nước ngoài.
Khi thôi công tác, ông vẫn đam mê, vẫn dành cho múa rối một tình yêu không thay đổi…, vẫn sáng tác, dàn dựng cho nhà hát và các đơn vị khác như Báu vật rừng xanh, Truyện cổ Andersen(Nhà hát múa rối Việt Nam), Chương trình rối nước (Đoàn múa rối TP. Hồ Chí Minh)… Trong đó phải kể đến Truyện cổ Andersen là một thể nghiệm lớn thành công - đó là rối nước đã chuyển tải rất sinh động một chuyện cổ tích nước ngoài bằng ngôn ngữ rối nước Việt Nam.
Truyện cổ Andersen của Nhà hát Múa rối Việt Nam là một trong những tác phẩm thể nghiệm thành công của đạo diễn, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao
Ông luôn dành tình yêu và phấn đấu không ngừng cho Nhà hát múa rối Trung ương - nơi ông đã dành cả cuộc đời, sự nghiệp để gắn bó. Từ một hoạ sĩ, rồi đạo diễn, Phó Giám đốc (1984), năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát (1991 - 2002), ông làm việc trách nhiệm và sáng tạo với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Nhà hát cũng như cho ngành múa rối Việt Nam. Vào những thời điểm đó, những quyết định, những chỉ đạo của ông thường là những đột phá, những thay đổi, cách tân… với mong muốn đem đến những diện mạo mới mẻ hơn, lớn lao hơn cho những quan niệm về nghệ thuật múa rối - đặc biệt là nghệ thuật tạo hình. Và ông đã khẳng định mình là một nghệ sĩ tài năng của ngành múa rối Việt Nam.
Trong làm việc, ông luôn trách nhiệm và tận tình. Đặc biệt với lớp trẻ, ông dành sự yêu thương và quan tâm hết mình, ông bảo ban dạy dỗ, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ kế cận vô tư, trong sáng… Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, họa sĩ, NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, người chấp bút viết điếu văn chia buồn chia sẻ : Chúng tôi, những đồng nghiệp của họa sĩ Ngô Quỳnh Giao luôn yêu và coi anh ấy như người anh lớn, một nghệ sĩ rất mực tình cảm, hồn nhiên, vô tư với nghề và với anh em, bạn bè; một tấm gương lao động hết mình, không màng danh vọng, cũng chẳng quan tâm đến một tấm huân, huy chương cho mình! Nhưng anh lại có tất cả, tình cảm quý trọng, yêu mến của anh, chị, em, bạn bè, đồng nghiệp dành cho anh. Chúng tôi luôn học được ở anh nhiều điều trong cuộc sống cũng như trong công việc, sự rộng lượng, vị tha và luôn gắng sống cho tử tế như anh thường nói”.
Lễ viếng họa sĩ Ngô Quỳnh Giao từ 13h15' đến 14h00', ngày 29.11.2022 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - Số 5, Trần Thành Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang: 14h00 cùng ngày. |
THÚY HIỀN