Bước chuyển mới về tư duy trong sáng tác và dàn dựng
VHO- Liên hoan nghệ thuật sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” mới đi được 1/3 chặng đường nhưng đã cho thấy những góc nhìn đa chiều, mới mẻ về cách dàn dựng cũng như bước tiến mạnh mẽ về tư duy trong sáng tác kịch bản của những người làm nghệ thuật sân khấu đương đại.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa cho thầy và trò Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sau vở diễn “Tái sinh”
Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức thành công ba kỳ Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND, với định kỳ 5 năm/ lần. Liên hoan cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng, phát hiện, tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật.
Một đề tài nhiều góc nhìn khác nhau
Có thể thấy, khai thác đề tài về người chiến sĩ CAND là mảnh đất vô cùng màu mỡ và phong phú cho những người làm nghệ thuật sân khấu, đó là lý do hình ảnh các chiến sĩ tình báo, an ninh, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra… đều được đưa vào trong các tác phẩm và góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về lực lượng CAND trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều thú vị là có đến 2/3 tác phẩm dự thi (tính đến 21.7) khai thác về đề tài ma túy, đó là các vở: Vẫn sống của Nhà hát CAND, Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi trẻ, Thầm lặng những chiến công của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Lằn ranh của Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, Hải Âu trắng của Đoàn Kịch nói Nam Định, Tái sinh của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội... Các vở diễn cùng tôn vinh hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trên mặt trận cam go này, nhưng mỗi vở diễn lại mang đến một “màu sắc” khác nhau. Cũng dễ hiểu vì trên thực tế vài năm trở lại đây, nhiều chuyên án lớn về phòng, chống ma túy thành công đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Không chỉ dừng ở hoạt động chống tội phạm mà nghệ thuật với góc nhìn rất riêng đã khai thác cả mảng phía sau với những điều giản dị đời thường, những hy sinh, mất mát của các cán bộ, chiến sĩ và cả thân nhân của họ.
Đã có rất nhiều nước mắt tuôn rơi khi chứng kiến những giây phút hy sinh anh dũng của người chiến sĩ CA trên sân khấu. Trong số đó có cả những nhà báo chuyên theo dõi sân khấu, vốn là những khán giả có phần khó tính. Nhà báo Ngô Bá Lục (Tạp chí Sân khấu) chia sẻ: “Lâu lắm rồi mới được xem một vở kịch khiến mình nghẹn ngào, đó là Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhìn tổng thể, một vở diễn về Công an nhưng lại mang nhiều câu chuyện xã hội, kịch bản rất hay qua bàn tay đạo diễn tài ba cùng sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên đã khiến vở kịch lôi cuốn từ đầu đến cuối, không có cảnh thừa, không có giây “chết”, như một dòng sông êm đềm ban đầu rồi nhanh dần và khi cuối là ào ào thác lũ, đẩy cảm xúc của khán giả lên đến nghẹt thở...”.
Đêm diễn 20.7, vở Tái sinh của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng tạo nhiều bất ngờ đối với người xem. Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai đã rất xuất sắc khi dàn dựng vở với dàn diễn viên trẻ đang là sinh viên năm thứ 2, thứ 3 của Khoa Sân khấu. Tác phẩm đề cập về cuộc đấu tranh không khoan nhượng của lực lượng công an với các loại tội phạm. Trong cuộc chiến sinh tử đó, bên cạnh sự mưu trí dũng cảm, người chiến sĩ Công an phải thực sự có bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ để vượt qua những thế lực vô hình “chống lưng” cho các đối tượng tội phạm. Và, để công lý được thực thi, những cán bộ chiến sĩ ấy đã dâng hiến cả tuổi trẻ, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình vì sự bình yên của xã hội. Tái sinh được dàn dựng với phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, mạnh. Sự hiện diện của đội ngũ nghệ sĩ trẻ trung kết hợp với những cảnh diễn hình thể, ánh sáng và hiệu ứng của “visual” là những yếu tố được kỳ vọng sẽ tạo sự độc đáo, hấp dẫn và thu hút khán giả.
Sân khấu ra quân hùng hậu...
Có tới 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước tham gia Liên hoan với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch. Bên cạnh những đạo diễn “lão làng” như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Trần Ngọc Giầu... thì Liên hoan cũng thu hút những đạo diễn trẻ, mới và cũng đang là những cái tên sáng giá, đầy tiềm năng như: NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Bùi Như Lai, NSƯT Đào Quang, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Lê Nguyên Đạt...
Có thể thấy những năm qua, ngành Công an đã rất chú trọng tới việc đầu tư cho sáng tác kịch bản về đề tài ngành qua việc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi hằng năm, đó là lý do mà nguồn kịch bản tại Liên hoan rất dồi dào và thu hút những tên tuổi sáng giá như: Nguyễn Đăng Chương, Lê Thu Hạnh, Chu Thơm, Hữu Ước, Lê Chí Trung, Lê Quý Hiền, Nguyễn Quang Vinh, Vương Huyền Cơ... và cả những cái tên mới như Nguyễn Toàn Thắng, Triệu Trung Kiên, Đỗ Đức Trung, Nguyễn Thị Nguyệt...
Số lượng 15/33 vở tham gia Liên hoan là Chèo, Kịch hát, Cải lương cho thấy sức hấp dẫn của mảng đề tài này đối với sân khấu truyền thống, mặc dù đây không phải là sự lựa chọn dễ dàng. Các đạo diễn đã tận dụng thế mạnh về chất trữ tình, tự sự để dàn dựng những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, dũng cảm, những mất mát của người chiến sĩ CAND trong cuộc đấu tranh phòng chống tội ác, những câu chuyện của nội tâm, của sự đấu tranh giằng xé giữa tình yêu, tình đồng đội, tình mẫu tử… Có thể ghi nhận ở một số vở như Bão ngầm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Vòng xoáy của Đoàn ca kịch Quảng Nam.
Nhìn vào sự đầu tư kỹ lưỡng cũng như chất lượng nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan ở chặng đầu, cho thấy ở chặng sau, Liên hoan sẽ còn mang lại nhiều bất ngờ hơn nữa cho khán giả. Chờ đợi và khao khát được xem những tác phẩm chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống đương đại là kỳ vọng đầy khả quan của những người yêu sân khấu đối với các tác phẩm nghệ thuật tham dự Liên hoan lần này.
THÚY HIỀN