Ấn tượng nàng Kiều trên sân khấu cải lương
VHO- Tối 23.11, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã ra mắt vở Nguyễn cầm ca- Kiều do nhà văn Nguyễn Hiếu cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và tặng hoa động viên các nghệ sĩ ngay sau buổi biểu diễn. Mặc dù thời gian gần đây, Truyện Kiều đã được khai thác ở nhiều loại hình trên sân khấu nhưng Nguyễn cầm ca - Kiều vẫn mang tới một dấu ấn đặc biệt.
Sân khấu của Nguyễn Cầm ca - Kiều được thiết kế ấn tượng
Khao khát để nàng Kiều được hạnh phúc…
Đây là lần thứ 3, nhà văn Nguyễn Hiếu đặt bút viết kịch bản cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ở hai bản diễn trên sân khấu kịch với Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam và Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (viết chung cùng NSƯT Lê Chức), nhà văn Nguyễn Hiếu đã chứng tỏ được bản lĩnh sáng tác khi mang tới những cách nhìn mới, gửi gắm những thông điệp riêng từ Truyện Kiều. Lần này, nhà văn lại tiếp tục tái xuất với bản diễn Nguyễn cầm ca – Kiều trên sân khấu Nhà hát Cải lương Việt Nam với sự hợp sức của một ê kíp sáng tạo tài năng : Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, chuyển thể cải lương: NSƯT Phan Ngọc Chi, âm nhạc : NSND Hoàng Anh Tú, Thiết kế mỹ thuật: Nguyễn Hoàng Phong…
Cách xử lý diễn xuất nhân vật đối với nghệ sĩ rất tinh tế
Nói về Nguyễn cầm ca – Kiều do đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng, tác giả vở, nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ: “Tôi đã có một sự phối hợp rất ăn ý với nữ đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai. Đạo diễn đã đề nghị tôi khai thác sâu vào cái tứ tiếng đàn và âm nhạc trong Truyện Kiều. Cuộc đời truân chuyên của Kiều được thể hiện qua mỗi lần tiếng đàn của Kiều cất lên. Tiếng đàn của Kiều khi bên Kim Trọng thì vô cùng trong sáng; bên Thúc Sinh thì bức bối nhầy nhụa ; bên Hồ Tôn Hiến thì day dứt… Tôi đặc biệt thú vị khi tiếng đàn của Kiều đã đánh thức Từ Hải đang chết đứng để ôm ấp, che chở thương xót cho sự nông nổi của Kiều. Đạo diễn đã khai thác được chất đa cảm phù hợp với sân khấu cải lương”.
Trong Nguyễn Cầm Ca – Kiều, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã có nhiều những xử lý vô cùng tài hoa khi mang tới một tư duy cũng như dàn dựng hiện đại. Có thể nói, đạo diễn và các nghệ sĩ của sân khấu cải lương đã thể hiện những ưu thế nổi trội của nghệ thuật cải lương, đặc biệt là tận dụng chất thơ vốn dĩ đã rất gần với cải lương của tác phẩm. Với một thiết kế sân khấu không hề rườm rà, phức tạp, chủ đạo là 4 cây đàn thấp thoáng với tạo hình tượng trưng cho những chi tiết đẹp nhất trên cơ thể của người phụ nữ để tạo nên những khoảng không gian khác nhau trong từng phân cảnh.
Không ầm ĩ đánh ghen, Hoạn Thư trong vở khiến đối phương phải tự rút lui
Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết sở dĩ đạo diễn lấy cái tứ là cây đàn và âm nhạc chính từ trong một tài liệu nghiên cứu âm nhạc Truyện Kiều của GS Trần Văn Khê, cung đàn bạc mệnh trong Truyện Kiều, mỗi lần một cảnh ngộ thì tiếng đàn, bản đàn của Kiều luôn mang một âm điệu bi thương. Chính vì vậy sân khấu của Nguyễn Cầm ca – Kiều tràn ngập những biểu tượng về cây đàn. Một xử lý khá táo bạo và thành công của đạo diễn đó là để cho Từ Hải sống lại vào đoạn kết của vở khi tiếng đàn của nàng Kiều đã khiến Từ Hải không còn “chết đứng” mà từ từ ngồi xuống, ôm lấy nàng Kiều. Phần kết lửng dừng ở đó chính là mục đích mong muốn Kiều được chở che, bảo vệ, yêu thương. “Quê gốc của tôi chính ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là quê hương của cụ Nguyễn Du. Ngay từ nhỏ những câu thơ Kiều và câu chuyện trầm luân của nàng Kiều đã thấm sâu vào kí ức của tôi. Ngay từ khi biết cảm nhận Truyện Kiều cho tới sau này khi theo con đường nghệ thuật, tôi cũng vẫn luôn khao khát làm sao để Từ Hải phải sống, mong muốn có một cái kết có hậu cho cái đẹp và cái thiện. Nếu như Từ Hải không chết thì nàng Kiều sẽ được nâng niu, ôm ấp cả cuộc đời, không còn hồng nhan bạc phận nữa”, NSND Hoàng Quỳnh Mai bộc bạch.
Làm nghệ thuật phải sang trọng như thế…
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ VHTTDL nhận định: “Nguyễn cầm ca – Kiều mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Đáng ghi nhận là đạo diễn và các nghệ sĩ Nhà hát cải lương đã khẳng định được phong độ của một nhà hát mang thương hiệu quốc gia. Tác phẩm chìm vào sân khấu ước lệ sang trọng của sân khấu cải lương qua lối dựng tài hoa, ấn tượng, mạnh về cảm xúc của đạo diễn”.
Ngay những vai diễn không phải chính cũng tạo ấn tượng riêng
NSND Vương Hà, cây vọng cổ nổi tiếng một thời của cải lương Bắc, thành viên của Hội đồng nghệ thuật của Bộ VHTTDL cũng chia sẻ về tác phẩm : “Cốt truyện của Truyện Kiều đã quá quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam. Vậy mà khi xem Nguyễn Cầm ca – Kiều của Nhà hát Cải lương Việt Nam tôi cũng như mọi khán giả đều không hề có cảm giác chán mà thực sự bị hút theo toàn bộ diễn tiến của vở. Để giữ lửa cho khán giả ở một câu chuyện tưởng như đã cũ là một thử thách không dễ nhưng đạo diễn và các nghệ sĩ đã thực sự vượt qua. Thành công của đạo diễn chính là việc lựa chọn diễn viên phù hợp với từng nhân vật”.
Tác phẩm huy động nghệ sĩ của cả hai đoàn của Nhà hát
Cảnh diễn kết vô cùng ấn tượng về cái chết của Từ Hải
Tham gia Nguyễn cầm ca – Kiều là sự hợp lực của những gương mặt tài năng của hai đoàn của Nhà hát Cải lương Việt Nam: Như Quỳnh (Thúy Kiều), Minh Hải (Từ Hải), Phương Thủy (Hoạn Thư) .v.v..
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã dự và tặng hoa động viên các nghệ sĩ
Sau 200 năm, khán giả vẫn phải khóc khi xem một nàng Kiều trên sân khấu cải lương, điều này cho thấy cái hay của một tác phẩm nghệ thuật không chỉ phụ thuộc ở cốt truyện, kịch bản mà còn ở cách dàn dựng, lựa chọn một hình thức thể hiện hấp dẫn thì tác phẩm vẫn sẽ tạo sức hút vượt thời gian…
Tôi rất hài lòng khi xem một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh như Nguyễn Cầm ca – Kiều. Tác phẩm không chỉ giữ được tư tưởng chủ đạo của Truyện Kiều mà còn làm nổi bật, khai thác những thông điệp riêng, theo cách nhìn riêng của người làm nghệ thuật sân khấu. Có thể ghi nhận ở một ê kíp sáng tạo có tâm, có nghề khi dàn dựng và thể hiện tác phẩm này (PGS, TS TẠ QUANG ĐÔNG, THỨ TRƯỞNG BỘ VHTTDL) |
THÚY HIỀN