Triệt phá đường dây sách giáo khoa giả

MINH CHÂU

VHO - Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Đà Nẵng vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là sách giáo khoa các loại với số lượng hơn 4 triệu cuốn sách.

Ban chỉ đạo chuyên án quyết định phá án, bắt giữ các đối tượng, khám xét, tạm giữ hơn 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả và nhiều máy móc, thiết bị.

Theo điều tra, đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả đã hoạt động từ năm 2021 đến nay với số lượng hơn 4 triệu cuốn sách.

Cụ thể: Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng bắt quả tang 3 đối tượng (cùng trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) có hành vi buôn bán hàng giả, tang vật là 29 thùng sách giá khoa các loại.

Triệt phá đường dây sách giáo khoa giả  - ảnh 1
Sách giả tại hiện trường

Qua kiểm tra nơi ở của 2 đối tượng, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện thêm hàng trăm thùng sách các loại nghi vấn giả với tổng giá trị trên bìa sách hơn 150 triệu đồng.

Ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp tục bắt Nguyễn Văn Ánh (SN 1980; trú tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thu giữ hơn 20 thùng sách giáo khoa giả, giá trị ghi trên bìa sách hơn 50 triệu đồng.

Tiếp tục mở rộng phá án, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ đường dây sản xuất, buôn bán sách giả với quy mô cực kỳ lớn tại TP. HCM do Nguyễn Trung Luật và Phạm Ngọc Quang (cùng trú tại TP. HCM) cầm đầu, cùng nhiều đối tượng khác có liên quan tới việc khảo sát thị trường, chuyển sách giả đi tỉnh tiêu thụ.

Chỉ trong khoảng thời gian 12 giờ đồng hồ, lực lượng Công an TP Đà Nẵng cùng sự phối hợp của công an TP HCM đã bắt giữ được tất cả 7 đối tượng trong đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả tại TP.HCM, bóc gỡ được từ khâu mua sắm nguyên vật liệu, tem, in ấn, gia công đóng gói, chuyển sách đi tiêu thụ, phá toàn bộ chuyên án.

Triệt phá đường dây sách giáo khoa giả  - ảnh 2
Nơi in ấn sản xuất, tiêu thụ sách giả

Theo hồ sơ của công an TP Đà Nẵng cung cấp: Khoảng đầu năm 2022, Nguyễn Trung Luật trao đổi, thống nhất cùng Phạm Ngọc Quang sản xuất sách giả Nhà xuất bảngiáo dục Việt Nam cùng một số nhà xuất bản khác để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sau đó, Luật cung cấp giấy in, đặt số lượng in để Quang tổ chức việc in sách giả tại hai xưởng in của Quang tại địa đường Lê Đức Thọ và số đường số 5 (quận Gò Vấp).

Luật trả cho Quang 270.000 đồng/1 ram giấy khổ 60cmx84 cm. Sau khi in xong, giấy được để nguyên khổ rồi vận chuyển về xưởng gia công của Luật đặt tại con hẻm trên đường TX25 (phường Thạnh Xuân 25, Quận 12) để cắt, đóng bìa, dán tem giả, đóng thùng.

Số sách này sau đó được vận chuyển đến 3 điểm kho khác của Luật đặt tại con hẻm trên đường TX25 và đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Xuân, Quận 12) để cất giấu, chờ mang đi tiêu thụ.

Triệt phá đường dây sách giáo khoa giả  - ảnh 3

Các đối tượng vận chuyển, tiêu thụ sách giả đi nhiều tỉnh thành trên cả nước

Trong đường dây này, Phạm Ngọc Quang giao đối tượng tên Phan Xuân Năng quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động tại hai xưởng in; thực hiện đặt bản kẽm, trao đổi, thống nhất với Luật về số lượng đơn hàng đặt in, nhận tiền thanh toán của Luật rồi chuyển lại cho Quang.

Nguyễn Trung Luật giao cho đối tượng tên Lê Hà Thanh vận chuyển giấy in đến giao cho xưởng in của Phạm Ngọc Quang, vận chuyển sách thành phẩm đi cất giấu, xuất hàng cho khách hàng.

Số sách giả này được Luật phân phối sỉ thông qua các đầu nậu để vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có TP.Đà Nẵng.

Phòng Cảnh sát Kinh tế đã tiến hành bắt giữ tổng cộng 10 đối tượng trong đường dây này, đồng thời mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.