Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô "khủng":
Bán ra thị trường số lượng lớn, thu lời ước 200 tỉ đồng
VHO - Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng, thu giữ 10 tấn phụ gia, tá phẩm và hàng ngàn hộp thuốc giả.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số địa phương khác có một nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Tiến hành lập án đấu tranh, chỉ trong một thời gian ngắn tập trung điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đồng thời huy động lực lượng, phối hợp khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, gồm: 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion; 1.232 hộp nhức khớp tê bại hoàn; 4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thường gọi là thuốc thoái hóa Singapore); 2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; 1.923 hộp Profeessor’s Pill (thường gọi là khớp xanh); 5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (thường gọi là khớp xanh); 2.017 hộp thuốc Gai cốt hoàn; 930 hộp thuốc Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; 6.612 hộp thuốc Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; 1.014 hộp thuốc Phong tê nhức Bạch Xà Vương; 4.743 hộp thuốc Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; 845 hộp thuốc đa xoang mũi; 4.012 hộp thuốc Viên vai cổ; 2.413 hộp thuốc Yuan Bone; 834 hộp thuốc thoái cốt hoàn plus; 515 hộp thuốc thoái hóa nhức khớp hoàn plus; 657 hộp thuốc thoát hóa tọa cốt đơn.

Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột.
Nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất như dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán và hàng nghìn các sản phẩm hàng hóa là thuốc chữa bệnh khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh, cũng như sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc hàng hóa, nhất là nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng là người cao tuổi muốn mua và sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người cao tuổi và lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc.
Cầm đầu đường dây là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991; ngụ chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đạt đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xương khớp đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược.
Sau đó, bọn chúng đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm bán ra thị trường qua các kênh phân phối.
Nhóm đối tượng này sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Ngoài ra, các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm. Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh.
Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là “hàng xách tay”.
Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Khi đã xây dựng được lượng khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất, đối tượng khách hàng chủ yếu là dược sĩ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.
Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỉ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Hiện, vụ án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa mở rộng điều tra, làm rõ.