Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn

PHAN HIẾU

VHO - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương tại Hội nghị “Chiến lược phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng” do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tập đoàn FPT vừa phối hợp tổ chức.

Trở thành yếu tố then chốt

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng không còn là những từ khóa mới mẻ mà đã trở thành những yếu tố then chốt, quyết định thành bại của nhiều quốc gia trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn - ảnh 1
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạn: Phát triển tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là khát vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là khát vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng nhấn mạnh: “Việc phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện xây dựng các thể chế thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện của ngành công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số trong nước.

Trong Nghị quyết 29 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã nêu rõ cần ưu tiên nguồn lực và có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có bao gồm công nghệ số, trong đó có ưu tiên phát triển AI, dữ liệu lớn, Blockchain, điện toán đám mây, IoT...

Hiện nay công nghiệp CNTT, công nghệ số đã thành 1 ngành kinh tế có quy mô rất lớn, một trong những ngành lớn nhất, 2015 đến nay tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm đóng góp lớn cho GDP. Năm 2023 doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, công nghệ số ước đạt  hơn 140 tỉ USD.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chia sẻ, trong lĩnh vực CNTT và công nghệ số hiện nay một trong những đột phá có tốc độ phát triển nhanh nhất chính là AI và bán dẫn. Bán dẫn chính là ngành công nghiệp nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp điện tử và góp phần mạnh mẽ thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của bán dẫn dẫn đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ AI trong những năm vừa qua.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn - ảnh 2
Các đại biểu ấn nút khởi công Dự án Trung tâm trí tệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại TP Quy Nhơn (Bình Định)

Hiện nay bán dẫn và AI đã đi vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội góp phần to lớn nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển vô cùng mạnh mẽ của công nghệ AI, bán dẫn hiện nay thì có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác trên thế giới thay vì chỉ tập trung vào các quốc gia hay vùng lãnh thổ như hiện nay.

Tạo cơ chế cho công nghiệp công nghệ số phát triển

Trong xu thế đó, hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia đang được rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm, cân nhắc lựa chọn làm một điểm đến mới do những lợi thế về địa chính trị, lợi thế về nguồn nhân lực, lợi thế về hiện nay Việt Nam cũng có những tập đoàn, tổng công ty rất lớn như FPT ở đây chẳng hạn là một trong những tập đoàn lớn, rất hỗ trợ thúc đẩy hoạt động này.

Ngoài ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các địa phương của Việt Nam cũng rất quyết tâm, quan tâm xây dựng những cơ chế chính sách, ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho hay, hiện nay Bộ TT&TT được Chính phủ giao triển khai xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Bộ đã trình lên Chính phủ cả hai văn bản này. Các văn bản này nhằm xây dựng hành lang pháp lý, những chính sách đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn, bắt kịp những xu thế hiện nay về AI , bán dẫn thu hút đón đầu các làn sóng chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam.

Thứ trưởng cũng thông tin, một vài ý chính trong dự thảo Luật công nghệ số, dự kiến trong tuần này Thường trực Chính phủ sẽ họp trước khi thông qua trình lên Quốc hội. Đó là sản xuất sản phẩm công nghệ số và cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật với nhiều ưu đãi đặc biệt như: thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia làm việc này, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Cùng với đó, phân quyền, phân cấp cho các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để có ngân sách từ ngân sách địa phương hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, AI một phần chi phí trong việc mua thiết bị, chuyển tài sản dây truyền thiết bị công nghệ, chi phí dự án đầu tư mới và hỗ trợ một phần chi phí nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc trong những lĩnh vực này.

Tại Hội nghị “Chiến lược phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn và An ninh mạng” vừa rồi, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhìn nhận: Bình định là một địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ số khi đang có sẵn những lợi thế, đặc biệt là những lợi thế về nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng công nghệ số trong các ngành chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp.

Để phát triển thực sự bứt phá, Bình Định cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.

FPT là doanh ngiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu hàng đầu của cả nước, là biểu tượng của những đổi mới sáng tạo của Việt Nam, biểu tượng của sự phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam khi đi ra toàn cầu. FPT là tập đoàn cạnh tranh sòng phẳng với những tập đoàn lớn trên toàn cầu, đặc biệt tại những thị trường lớn trên thế giới.

Phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành công nghiệp mũi nhọn - ảnh 3
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho hay, hiện nay Bộ TT&TT được Chính phủ giao triển khai xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN 2030 tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TTTT đánh giá hợp tác giữa tỉnh Bình Định, Ban IV và FPT là hợp tác rất phù hợp. Song song với việc thúc đẩy công nghệ số, AI, bán dẫn việc đảm bảo an toàn an ninh mạng trong quá trình sản xuất sử dụng cũng như thúc đẩy phát triển là một việc vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng bày tỏ, Bộ TT&TT nhận thấy sự hợp tác này là một bước đi chiến lược quan trọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả tỉnh Bình Định cũng như FPT. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ cam kết đồng hành cùng tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp công nghệ số nói chung và Tập đoàn FPT nói riêng.

Kỳ vọng với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ mạnh mẽ của FPT thì công nghiệp công nghệ số của tỉnh Bình Định sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ sớm trở thành một trong những trung tâm công nghệ số của đất nước góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh và của cả nước.